Vụ cháy 56 người chết: Xóa tư cách nguyên Phó chủ tịch quận Thanh Xuân
Ông Đặng Hồng Thái - người cấp phép xây dựng trong vụ cháy tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) làm 56 người chết bị kỷ luật xóa tư cách Phó chủ tịch quận.
Nguồn tin của Báo Công Thương cho biết, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đối với ông Đặng Hồng Thái.
Theo đó, ông Đặng Hồng Thái bị kỷ luật do có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thi hành kỷ luật về Đảng vào ngày 29/3/2024.
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội còn quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Trung Cường, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, cũng do có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Trước đó, ngày 12/9/2023, xảy ra vụ cháy chung cư mini ở ngõ 9/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội làm 56 người thiệt mạng.
Công trình này sau đó được xác định xây dựng sai phép và không bảo đảm các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Cụ thể, tháng 3/2015, UBND quận Thanh Xuân cấp giấy phép cho Nghiêm Quang Minh (SN 1979; trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) xây dựng tòa nhà riêng lẻ tại số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình.
Công trình được cấp phép 6 tầng (tương đương 20,2 m, không tính tum thang), tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật; diện tích xây dựng tầng 1 (có tầng lửng) là 167,4 m2, trên thửa đất 240 m2.
Người ký cấp giấy phép xây dựng cho công trình này là ông Đặng Hồng Thái, khi đó là Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân.
Dù được cấp phép 6 tầng, nhưng ông Nghiêm Quang Minh đã cho xây dựng công trình này lên đến 9 tầng, với diện tích sàn khoảng trên 2.000 m2. Sau khi xây dựng xong, tòa nhà này trở thành chung cư mini với 45 căn hộ, khoảng 150 người dân sinh sống.
Một ngày sau khi vụ cháy xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh, về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Tới cuối tháng 1/2024, Công an TP. Hà Nội thông tin đã khởi tố thêm 6 cựu cán bộ công an, thanh tra xây dựng để làm rõ trách nhiệm liên quan vụ cháy này.
Trong đó, có 3 người là lãnh đạo phường và công an phường, gồm: Chu Xuân Sơn, nguyên Phó chủ tịch UBND phường Khương Đình (giai đoạn 2015 - 2020), Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam; Phạm Tần Anh, Phó chủ tịch UBND phường Khương Đình (giai đoạn từ 2018 đến khi bị bắt) và Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Phó trưởng Công an phường Khương Đình.
Ba cán bộ công tác trong lĩnh vực xây dựng bị khởi tố gồm: Trần Trọng Khang, nguyên Đội trưởng Đội trật tự xây dựng UBND quận Thanh Xuân (giai đoạn 2013 - 2016); Nguyễn Đình Quân, nguyên Tổ trưởng Tổ trật tự xây dựng UBND phường Khương Đình (giai đoạn 2014-2016), Tổ trưởng Tổ trật tự xây dựng UBND phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân; Nguyễn Thị Kim Trang, nguyên cán bộ địa chính xây dựng UBND phường Khương Đình.
Liên quan tới những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy chữa cháy tại quận Thanh Xuân, cơ quan chức năng sau đó xác định trên địa bàn có tổng cộng 5 công trình vi phạm do Nghiêm Quang Minh làm chủ đầu tư.
Trong đó, có 2 công trình tại địa chỉ số 16 ngách 1/46 Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình; 01 công trình tại số 11 ngách 29/28 Khương Hạ, phường Khương Hạ; 01 công trình tại Tổ 3 Kiến Thiết, phường Quan Nhân và 01 công trình tại địa chỉ số 24, ngõ 203 đường Trường Chinh, phường Khương Mai.
Trong một báo cáo mới đây, UBND quận Thanh Xuân đánh giá có nhiều khó khăn, vướng mắc trong xử lý các công trình vi phạm này nên xin ý kiến UBND TP. Hà Nội để chỉ đạo xử lý.
Cụ thể, theo UBND quận Thanh Xuân, cả 5 công trình theo bản vẽ được phê duyệt phải lùi vào so với đường đi nhưng khi thi công, chủ đầu tư đã không thực hiện theo giấy phép xây dựng, nếu cưỡng chế phá dỡ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu, chất lượng và an toàn chịu lực của công trình (có công trình đã xây dựng và đưa vào sử dụng được hơn 10 năm).
Khó khăn vướng mắc thứ 2, theo thiết kế 5 công trình trên đều thuộc dạng nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini) chủ đầu tư đã bán cho các chủ sử dụng và hiện tại có khoảng hơn 140 phòng và khoảng hơn 600 người đang sinh sống, ăn ở ổn định tại các công trình trên, nếu cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, tổn hại tới tài sản của rất nhiều người đang sinh sống tại công trình, sẽ dẫn đến người dân không có chỗ ở có thể dẫn tới bức xúc, khiếu kiện kéo dài.
Thứ 3, đối tượng vi phạm là Nghiêm Quang Minh hiện tại đang bị tạm giam, chỉ có những cư dân, người sử dụng căn hộ đang sinh sống, ăn ở ổn định tại công trình nên việc khắc phục và xử lý các vi phạm rất khó khăn do những người đang sinh sống ở đây không phải là đối tượng gây ra vi phạm về trật tự xây dựng.
Thứ 4, các công trình vi phạm trên đều xây dựng và đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước nên rất khó xác định cụ thể, chính xác thời gian đưa vào sử dụng và từ đó đến nay có phát sinh vi phạm trật tự xây dựng hay không dẫn tới khó khăn cho việc áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý công trình.
UBND quận Thanh Xuân cho biết, đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường kiểm tra giám sát không để phát sinh vi phạm và tiếp tục đề nghị khắc phục về phòng cháy chữa cháy theo văn bản chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội.
“UBND quận Thanh Xuân báo cáo UBND thành phố những nội dung trên và xin ý kiến chỉ đạo để xử lý các công trình vi phạm nêu trên”, UBND quận Thanh Xuân báo cáo.