Vụ cháy chung cư mini: Bác sĩ vừa cấp cứu vừa rơi nước mắt tìm sự sống cho bệnh nhân
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đánh giá, đây là một trong những ứng trực cấp cứu thảm họa lớn nhất từ trước đến nay ở 115 Hà Nội. Đơn vị đã ứng trực, điều động số lượng xe cấp cứu nhiều nhất, huy động lực lượng đông nhất từ trước tới nay.
Lần huy động lớn nhất về số xe cấp cứu và nhân viên y tế của 115 Hà Nội
23h30 ngày 12.9, chuông điện thoại vang lên không ngớt tại khu vực phòng điều phối, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Gần như tất cả cuộc gọi đều thông tin về vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội.
Nhân viên điều phối liên tục trấn an người dân, hướng dẫn người dân gọi thêm lực lượng 114 và chuẩn bị để điều phối xe.
3 xe cấp cứu gần khu vực thảm họa ngay lập tức lên đường. Song song, lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội báo cáo vụ việc lên Sở Y tế.
5-7 phút sau, thêm 7 xe cấp cứu từ các trạm xuất phát đi cứu người gặp nạn. Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chịu trách nhiệm chỉ đạo và điều phối chung, một Phó Giám đốc trực tiếp có mặt tại hiện trường, một Phó Giám đốc làm nhiệm vụ trực điều phối.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đánh giá, đây là một trong những ứng trực cấp cứu thảm họa lớn nhất từ trước đến nay ở 115 Hà Nội. Đơn vị đã ứng trực, điều động số lượng xe cấp cứu nhiều nhất, huy động lực lượng đông nhất từ trước tới nay.
Khoảng 30 nhân viên y tế từ các trạm khác nhau của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội tham gia trực tiếp cấp cứu người bệnh, 3 nhân viên điều phối - trực tổng đài làm việc không ngơi nghỉ. Công tác điều phối cấp cứu, thông tin liên lạc giữa hiện trường tại chỗ với các lực lượng chức năng được đặc biệt chú trọng.
Tại hiện trường, sau khi trao đổi cùng các lực lượng hỗ trợ tại chỗ như lực lượng 114, công an phường để lên phương án tập kết bệnh nhân tại một điểm, các y bác sĩ sẽ tiến hành phân loại bệnh nhân, sơ cứu và vận chuyển tới các bệnh viện.
Các chuyến xe không tập trung vào một bệnh viện nhất định, mà mỗi xe sẽ tỏa đi một nơi, như Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bưu điện,…
“Chúng tôi phải chia các nạn nhân ra, bởi nếu tập trung bệnh nhân vào một nơi thì nguồn lực của bệnh viện đó có thể không đủ cấp cứu quá nhiều bệnh nhân nặng cùng lúc”, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội nói.
Bác sĩ Thắng chia sẻ, việc cấp cứu người dân, cấp cứu trong các tai nạn, hỏa hoạn là các công việc thường quy hàng ngày của đội ngũ y bác sĩ 115. Do đó, họ không cảm thấy vất vả hay khó khăn, cứ đến là bắt tay vào công việc. Sự tập trung cao độ để cấp cứu người bệnh đôi khi khiến họ quên mệt mỏi.
“Có một số nhân viên y tế mới vào Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội làm việc. Sau vụ việc này, tôi hỏi các bạn có mệt không. Nhưng các bạn bảo không có ý thức là mệt mà cứ chạy thôi. Mưa lớn như vậy, chạy đến lúc khô quần áo, xong quần áo lại ướt, lại khô. Liên tục như vậy cũng không có cảm giác mệt mỏi hay vất vả”, bác sĩ Thắng kể.
Ám ảnh vì số bệnh nhân lớn
Là một trong những nhân viên y tế của 115 Hà Nội trực tiếp tham gia cấp cứu người bệnh, bác sĩ Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi) - Trạm cấp cứu Long Biên cho biết ekip của chị gồm 3 người, lập tức lên đường tới Khương Hạ sau khi nhận được cuộc gọi từ trung tâm điều phối.
Khi tới hiện trường, lực lượng cứu hỏa vẫn đang tiến hành dập lửa, khói đen bao phủ rất nhiều và tỏa ra hơi nóng. Khoảng 5-6 xe cấp cứu khác đã ứng trực ở đầu ngõ, cáng đã được chuyển vào trước cho lực lượng 114.
Bệnh nhân đầu tiên chị Hoa cùng kíp tiếp nhận được lực lượng 114 đưa ra điểm tập kết trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Trên xe, các y bác sĩ bắt đầu cấp cứu ngừng tuần hoàn.
Trong khi điều dưỡng khai thông đường thở, hỗ trợ hô hấp bằng bóp bóng oxy và lấy thuốc, bác sĩ Hoa tiến hành ép tim ngoài lồng ngực bệnh nhân. Lực ép nhanh, mạnh, liên tục khoảng 100-120 lần/phút. Cứ thấm mệt, bác sĩ và điều dưỡng lại đổi vị trí cho nhau, đảm bảo quá trình ép tim không bị ngắt quãng.
Xe cấp cứu chở bệnh nhân này tới Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Các bác sĩ Bệnh viện tiếp nhận, tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người bệnh.
Kíp 3 người của chị Hoa vội vã quay ngược trở lại khu vực đám cháy. Lần này, nạn nhân là một phụ nữ trẻ đang mang thai. Bệnh nhân xuất hiện khó thở, sau khi được bác sĩ hỗ trợ thở oxy đã cải thiện hô hấp.
Người phụ nữ này cùng chồng và con trai ở tầng 8 của tòa nhà, đã chạy lên tầng 9 và lấy chăn có thấm nước quấn xung quanh người, sau đó được lực lượng cứu hộ giải cứu. Bác sĩ Hoa cho hay, chính cách này đã giúp cả gia đình nhỏ may mắn sống sót. Chồng và con trai người phụ nữ đã được chuyển tới bệnh viện trước đó, sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Hoa tâm sự, mặc dù đã quen với việc cấp cứu người bệnh trong những vụ tai nạn, cháy nổ, nhưng thảm họa này vẫn khiến chị ám ảnh và buồn bởi số bệnh nhân lớn. Với những trường hợp ngạt khí CO, “mạch không, huyết áp không” sẽ rất khó để cứu sống. Hiện trường trong ngõ nhỏ và cơn mưa lớn ập xuống cũng khiến việc cấp cứu thời điểm đó ít nhiều có khó khăn.
Rơi nước mắt tìm sự sống
Bác sĩ Hoàng Phúc, Trạm Từ Liêm cùng kíp cấp cứu của mình xuất phát từ 23h45’, tới khu vực vực cháy sau gần 20 phút di chuyển. Khi nhận được tin báo từ trung tâm điều phối và biết Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã huy động nhiều xe tới hiện trường, bác sĩ Phúc biết đây là vụ cháy có quy mô lớn. “Tuy nhiên, tôi không ngờ rằng vụ cháy lại thảm khốc đến vậy", bác sĩ Phúc nhớ lại.
Tại hiện trường, nhiều xe cấp cứu trực chờ sẵn, mỗi kíp nhận những nhiệm vụ khác nhau. Kíp của bác sĩ Phúc được phân công tiếp nhận sát hiện trường, chỉ cách 1 nhà từ nơi xảy ra thảm họa. Các y bác sĩ bắt đầu tập kết cáng vận chuyển, các bình oxy và vật tư y tế phục vụ sơ cứu được đưa vào vị trí cách hiện trường một nhà, để kịp thời hỗ trợ các nạn nhân khi được lực lượng cứu hộ đưa ra.
Trong số những nạn nhân kíp tiếp nhận, có khoảng hơn 10 người có thể tự đi lại, không cần can thiệp cấp cứu. Các bác sĩ đưa nước uống, khăn, thuốc nhỏ mắt và hướng dẫn người bệnh xử trí.
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như vậy. Từng chiếc cáng hằn vệt đen vì khói và xỉ đưa nạn nhân xuống, các y bác sĩ lại lao vào kiểm tra tình trạng nạn nhân, cố gắng tìm kiếm dấu hiệu của sự sống. Thế nhưng, theo bác sĩ Phúc, hầu hết các nạn nhân được đưa xuống bằng cáng mà anh kiểm tra tối hôm đó đều tử vong, cơ thể đã co cứng.
“Làm bên cấp cứu, chúng tôi cũng tiếp xúc với nhiều những trường hợp như thế này rồi và phải rất bình tĩnh để xử lý. Nhưng cứ mỗi lần lực lượng cứu hộ khiêng bệnh nhân ra mà thấy họ đã tử vong, mọi người ai cũng buồn, cũng rơi nước mắt”, bác sĩ kể.
Theo bác sĩ Phúc, các nạn nhân tử vong có cả người lớn và trẻ nhỏ, đa số do ngạt. Bác sĩ Phúc cùng kíp cấp cứu đã trực tiếp chở một số nạn nhân tử vong đến nhà đại thể của các bệnh viện. Khoảng 8h sáng ngày 13.9, các bác sĩ mới kết thúc nhiệm vụ trực chiến tại hiện trường.