Vụ cháy chung cư mini: Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn khu vực đỗ xe
Sau vụ hỏa hoạn tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội yêu cầu Chủ đầu tư thực hiện ngay một số giải pháp để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn đối với khu vực đỗ xe tại các chung cư mini.
Tại Hội nghị Giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy-Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã chiều 21/9, ông Võ Đăng Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân đã nêu nhiều giải pháp trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Công khai các đơn vị vi phạm
Theo ông Dũng, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, quận Thanh Xuân đã xây dựng dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Quận ủy và kế hoạch triển khai thực hiện phòng cháy chữa cháy trong giai đoạn hiện nay.
Quan điểm của quận luôn xác định công tác phòng cháy chữa cháy rất quan trọng và đặt tính mạng người dân trên hết. Việc phòng ngừa là nhiệm vụ then chốt để thực hiện phòng cháy chữa cháy. Mục tiêu khi cháy nổ phải tận dụng triệt để phương châm “4 tại chỗ.”
Cũng theo ông Võ Đăng Dũng, quận Thanh Xuân sẽ tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy, về kỹ năng thoát nạn cho người dân; tăng cường quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, các trường hợp vi phạm yêu cầu phải đủ điều kiện mới được hoạt động; công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Quận chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc công tác quản lý trật tự xây dựng; đầu tư cơ sở vật chất cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, các tổ chữa cháy công cộng, trang bị thêm tủ chữa cháy, thiết bị chữa cháy công cộng, đồng thời, gắn chặt trách nhiệm người đứng đầu về công tác phòng cháy chữa cháy tại đơn vị, địa phương,” ông Dũng nói.
Qua rà soát sơ bộ, địa bàn quận Thanh Xuân có khoảng 1.900 chung cư mini, nhà cho thuê trọ; trong đó có khoảng gần 90 chung cư mini… Đến nay, quận đã kiểm tra 180 chung cư mini, nhà thuê trọ có mức độ như chung cư mini.
Yêu cầu di chuyển xe máy, xe đạp điện khỏi tầng 1
Theo ông Võ Đăng Dũng, các đoàn kiểm tra đã yêu cầu di chuyển toàn bộ xe máy, xe đạp điện tại tầng 1 khỏi chung cư mini, nhà thuê trọ và đặt mục tiêu nếu không di chuyển được toàn bộ phương tiện thì phải di chuyển được 70-80% phương tiện xe máy, xe đạp điện để nếu xảy ra sự cố thì mức độ ảnh hưởng sẽ giảm bởi qua thống kê, khoảng 90% vụ cháy đều xuất phát từ tầng 1.
Ngoài ra, quận Thanh Xuân cũng yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp lắp đặt cửa chống cháy ngăn từ tầng 1 vào cầu thang bộ, từ cầu thang bộ lên các tầng cao hơn để ngăn khói vào các tầng; yêu cầu tại tầng 1 trang bị thêm bình chữa cháy công suất lớn; yêu cầu nhà dân tăng cường trang bị thang dây thoát hiểm, không khóa cửa lên tầng thượng để có thể thoát hiểm…
“Đề nghị thành phố tăng cường trang bị thiết bị chuyên dụng cho lực lượng phòng cháy chữa cháy; nghiên cứu có giải pháp tổng thể với các cơ sở nhà trọ, nhà cho thuê đang có vi phạm về phòng cháy chữa cháy để xử lý triệt để về vấn đề này,” ông Võ Đăng Dũng kiến nghị.
Tại Hội nghị, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung tăng cường quản lý đối với loại hình công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini), yêu cầu chủ đầu tư thực hiện ngay một số giải pháp để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn đối với khu vực đỗ xe tại các chung cư mini.
Các chủ sở hữu phải xây dựng phương án quản lý vận hành và bố trí người có sức khỏe, kinh nghiệm để quản lý vận hành tòa nhà; trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy cơ bản để đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Ủy ban nhân dân quận, phường, phối hợp cơ quan công an, lực lượng phòng cháy chữa cháy khu vực rà soát toàn bộ các công trình để phát hiện các vi phạm về phòng cháy chữa cháy; thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các chủ sở hữu đầu tư các trang thiết bị thiếu yếu phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy; xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Cùng với đó, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho các hộ gia đình về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và phương án xử lý sự cố công trình (đặc biệt là sự cố về cháy nổ).
“Đối với công trình xây dựng mới: thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng, quản lý trật tự xây dựng theo quy định,” ông Võ Nguyên Phong nêu rõ./.
Tại Chỉ thị số 25-CT/TU về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu tất cả các hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động.
Cùng với đó, công khai thông tin của các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ.”
Chỉ thị cũng yêu cầu thực hiện nghiêm công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, đô thị theo đúng quy định; xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép (trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, sử dụng đất sai mục đích) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố./.