Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân: Vi phạm xây dựng tồn tại qua nhiều thời kỳ

Lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho hay vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân khiến 56 người thiệt mạng là vi phạm từ lâu, qua nhiều thời kỳ, và cơ quan điều tra đã phải 'đưa lên bàn cân' để xử lý.

Cần lộ trình xóa bỏ các công trình vi phạm Chiều 1-7, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại các tổ về về Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên bàn thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tại phiên thảo luận, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đánh giá sự ban hành đề án là rất cần thiết trong bối cảnh cả nước và Hà Nội thời gian qua liên tục xẩy ra những vụ cháy nghiêm trọng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người dân. Trước tình hình trên vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật PCCC, tuy nhiên để luật đi vào cuộc sống còn cần một quá trình chuẩn bị.

Cũng theo ông Tùng, thực tế công tác PCCC, trên thực tế, việc áp dụng các quy định pháp lý ở các địa phương chưa có sự đồng bộ, liên thông, từ khâu cấp dự án, cấp giấy phép xây dựng đến khâu thanh tra, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu…

 Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) vào đêm ngày 12-9-2023 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 56 người thiệt mạng.

Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) vào đêm ngày 12-9-2023 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 56 người thiệt mạng.

Dẫn vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) khiến 56 người thiệt mạng hồi tháng 9-2023, ông Tùng cho biết cơ quan chức năng đã phải lật lại toàn bộ vụ việc, xác định nguyên nhân sâu xa là từ vi phạm trật tự xây dựng.

Từ đó cơ quan công an mới khởi tố chủ nhà, đồng thời xem xét, điều tra tổng thể vụ việc, từ quá trình cấp phép xây dựng, đến giám sát nghiệm thu, áp dụng quy định về PCCC trong thời kỳ sau này...

"Tất cả những nội dung trên phải đưa ra bàn cân để xử lý hết” – ông Tùng nói đồng thời nhấn mạnh công tác PCCC trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn, cần nhà nước và nhân dân chung tay làm, trong đó nhà nước hỗ trợ người dân một phần để khắc phục các vi phạm.

“Bên cạnh đó là chế tài xử lý mạnh, kèm theo cơ chế đặt thù để xử lý các công trình vi phạm theo lộ trình. Phải đưa có lộ trình cụ thể, chứ nếu cứ nói ra mà không có kinh phí, không có hỗ trợ, không sát sao thì không thể giải quyết được",” – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh.

Cần đồng lòng chống giặc hỏa hoạn

Cùng nội dung này, ông Trần Hợp Dũng, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội
khẳng định công tác PCCC cần sự vào cuộc của các cấp ngành và toàn thể người dân chứ không riêng một lực lượng nào.

Theo ông, công tác PCCC thời gian qua mặc dù được đầu tư, nhưng còn nhiều bất cập, nhất là việc phòng chống cháy nổ ở nhà chung cư và nhà ở riêng lẻ. Theo đó, ông Dũng đề nghị TP cần quy định rõ về quy chuẩn, tiêu chuẩn và biện pháp xử lý với khu nhà ở không đảm bảo về mặt cắt ngang đường để xe cứu hỏa tiếp cận khi có sự cố.

“TP có thể xem xét không cấp phép xây dựng thêm nhà ở cho những khu vực như trên, đồng thời có mô hình thí điểm để sử dụng hệ thống cấp nước, trữ nước tại các hộ dân để khi có cháy thì có nước sử dụng” – ông Dũng nói.

Ở góc độ khác, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho rằng để công tác PCCC thực sự hiệu quả thì ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp trong công tác PCCC, thì việc nâng cao ý thức của người dân về vấn đề này cũng vô cùng quan trọng.

"Từ thực tiễn địa phương tôi thấy, nhiều gia đình sử dụng thiết bị điện, bếp gas đun nấu rất tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Do vậy, chúng ta cần phải tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức PCCC", ông Tuấn nói.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội về đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giai đoạn 2025-2030 thì 10 năm qua (giai đoạn 2014-2023), trên địa bàn Hà Nội xảy ra 4.459 vụ cháy, 218 vụ nổ.

Trong đó có nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người xảy ra tại nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và một số loại hình cơ sở khác trong khu dân cư.

Trước tình hình đó, đề án hướng đến mục tiêu vào năm 2030, TP sẽ lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước; hoàn thành khoảng 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng;

Đảm bảo 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ hai; 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy, mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn; 100% khu dân cư được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của đội dân phòng;

Theo tính toán, khái toán kinh phí thực hiện đề án khoảng 26.300 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chi khoảng 13.800 tỷ đồng và ngân sách cấp quận, huyện khoảng 12.500 tỷ đồng.

Dự kiến, đề án sẽ được HĐND TP Hà Nội thảo luận tại hội trường và xem xét thông qua vào phiên làm việc sáng ngày 2-7.

Trọng Phú

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-chay-chung-cu-mini-o-quan-thanh-xuan-vi-pham-xay-dung-ton-tai-qua-nhieu-thoi-ky-post798394.html