Vụ cháy gara ở Hà Nội: Chủ nhân của 9 chiếc xe cần làm gì để được bồi thường?
Luật sư cho rằng chủ của 9 chiếc xe trong vụ cháy xe gara ở Hà Nội có thể yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường hoặc khởi kiện ra tòa.
Vừa qua, trên địa bàn Hà Nội, vụ cháy gara ô tô xảy khiến nhiều người quan tâm. Theo cơ quan chức năng, vụ cháy không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, về tài sản, sơ bộ có 8 xe ô tô bị cháy hoàn toàn, một xe bị cháy một phần. Hầu hết xe bị cháy chưa rõ nhãn hiệu. Do đó, tổng trị giá tài sản bị thiệt hại chưa được đánh giá.
Hiện công an đang điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Vấn đề được nhiều người quan tâm ở đây là những chiếc xe bị cháy có được các đơn vị bảo hiểm (BH) bồi thường hay không. Đối với xe không mua bảo hiểm thì chủ xe sẽ phải làm gì trong trường hợp này?
Trao đổi với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích: Nếu các xe có BH, khi có kết luận chính thức của CQĐT về nguyên nhân cháy, chủ xe có quyền căn cứ vào đó mà yêu cầu Công ty BH xem xét bồi thường theo hợp đồng mua BH.
“Ví dụ có thể do tình trạng bất khả kháng, hay sự bất cẩn của chủ xe hoặc điều kiện phòng chống cháy nổ của gara ô tô không đảm bảo đúng luật định…. Chúng ta cần xem xét toàn diện như: Xác định chủ gara có mua BH cháy nổ hay không; Chủ xe có mua bảo hiểm cho xe hay không. Nếu chủ gara có mua bảo hiểm và xác định được nguyên nhân cháy nổ là khách quan thì doanh nghiệp BH có trách nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ các thiệt hại do sự kiện cháy nổ cho gara cũng như các tài sản trong phạm vi gara bị cháy nổ”- luật sư Tuấn cho hay.
Luật sư Tuấn cho biết thêm, ngoài ra phải xem xét khi chủ sở hữu xe ô tô vào gara để sửa chữa, bảo dưỡng,… thì chủ gara xe có trách nhiệm bảo toàn tài sản cho chủ xe và giữa hai bên đã xác lập hợp đồng “gửi giữ tài sản” theo Điều 554 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015. Khi đó, khoản 4 Điều 557 BLDS năm 2015 quy định nghĩa vụ của bên gara có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
“Từ căn cứ trên và kết quả điều tra của CQĐT mà các chủ sở hữu xe có quyền yêu cầu bồi thường. Theo Luật Kinh doanh BH, doanh nghiệp BH phải có trách nhiệm bồi thường trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ chứng từ hợp lệ của người được BH”- luật sư Tuấn nói.
Cũng theo luật sư, cần xem xét theo quy định tại Khoản 1 Điều 584 BLDS quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là: "Người nào có hành vi xâm phạm tài sản hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện: Có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
“Nếu các bên không thỏa thuận được về trách nhiệm bồi thường, thì cần căn cứ bên bị thiệt hại có thể gửi đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. "Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm" (Điều 588 BLDS). Kèm các chứng cứ chứng minh quyền khởi kiện của mình”- luật sư Tuấn nói thêm.