Vụ cháy khiến ba cảnh sát hy sinh: Quản lý quán karaoke có thể đối diện hình phạt nào
Với tội danh bị khởi tố 'Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy', quản lý quán karaoke ISIS 231 Quan Hoa (Hà Nội) có thể đối diện với mức án nào?
Liên quan đến vụ ba cảnh sát hy sinh khi chữa cháy quán karaoke ISIS 231 Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can Phạm Duy Hùng - quản lý quán (SN 1983, trú tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) về tội danh "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy".
Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, đây là một vụ việc rất thương tâm và có dấu hiệu tội phạm, vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Bởi vậy, việc cơ quan chức năng xác minh làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết.
“Với hậu quả khiến 3 người tử vong và thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì người vi phạm trong vụ án này phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 7 - 12 năm theo quy định tại khoản 3, điều 313 Bộ luật Hình sự” - luật sư Cường cho biết.
Luật sư cường nhận định, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy, xác định cụ thể những thiệt hại về con người và tài sản làm cơ sở để buộc tội đối với bị can và xem xét trách nhiệm đồng phạm của những người khác để xử lý theo quy định của pháp luật.
“Các bị can là người có lỗi để xảy ra vụ cháy gây thiệt hại đến tính mạng của ba cảnh sát chữa cháy nên phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân” - luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, cơ quan điều tra cũng cần mở rộng làm rõ thủ tục cấp phép đối với cơ sở kinh doanh này được thực hiện như thế nào, nếu trường hợp cấp phép không đúng quy định thì phải truy trách nhiệm đơn vị cấp phép để xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó sẽ có chế tài kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra trong quá trình hoạt động thì việc quản lý cơ sở kinh doanh này được thực hiện như thế nào, có tiến hành thanh tra, kiểm tra, có phát hiện và xử lý các sai phạm về phòng cháy chữa cháy hay không. Nếu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.
Vẫn theo luật sư Cường, thực tế, qua công tác thanh kiểm tra và các vụ việc đã xảy ra thì cơ quan chức năng phát hiện có nhiều cơ sở kinh doanh không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn hoạt động chui, bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng của khách hàng, nếu xảy ra cháy nổ thì nguy cơ thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của khách hàng là rất cao...
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những hiện tượng những vụ cháy xảy ra ở những cơ sở đã có đầy đủ giấy phép theo quy định, có việc kiểm tra của cơ quan chức năng. Bởi vậy cũng cần làm rõ việc cấp phép đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy được thực hiện như thế nào, quá trình kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh của các cơ sở này được thực hiện như thế nào mà vẫn xảy ra cháy nổ và hậu quả vẫn rất nghiêm trọng.
“Nếu phát hiện có hành vi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy không đúng quy định hoặc cơ quan quản lý hành chính đối với hoạt động này không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét xử lý kỷ luật và có thể áp dụng chế tài nghiêm khắc, trong đó không loại trừ chế tài hình sự” - ông Cường nói.
Vị luật sư Cường cho rằng, đối với các cơ quan quản lý, cấp phép, giám sát quá trình hoạt động của các cơ sở kinh doanh này mà thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay dung túng cho sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh, đến cùng để đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật, giảm thiểu những nguy cơ cháy nổ, coi thường pháp luật có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.