Vụ cháy kho Rạng Đông: Người dân bị thiệt hại có quyền đòi bồi thường
Hơn 10 ngày sau vụ cháy nhà máy Công ty cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), cuộc sống của người dân quanh khu vực đám cháy trong vòng bán kính 500m tính từ hàng rào của Công ty đã bị đảo lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hầu hết các gia đình sống gần đám cháy đã tự bảo vệ sức khỏe bằng cách di dời đi nơi khác sinh sống. Phụ huynh có con theo học tại Trường Tiểu học Hạ Đình không muốn cho con tới trường vì lo thủy ngân phát tán. Vậy, người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ cháy có quyền yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường hay không?
Thiệt đơn, thiệt kép
Ngày 8-9, tiếp tục có trên 300 người dân bị ảnh hưởng bởi vụ cháy Công ty Rạng Đông đến Trạm Y tế phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung khám bệnh. Theo bà Nguyễn Băng Hải, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hạ Đình, trong 261 người đến khám, có 79 người được chuyển lên tuyến trên xét nghiệm chuyên sâu. Lo lắng cho sức khỏe là điều mà người dân quan tâm nhất kể từ sau vụ cháy tới nay. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, vụ cháy đã khiến 27,2kg thủy ngân phát tán ra môi trường.
Nhiều người ví đây là một “thảm họa” môi trường vì độc hại trong thủy ngân cháy ở nhiệt độ cao phân hủy vào đất, nước, không khí, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thế nhưng, Công ty Rạng Đông đã không trung thực khi đưa ra thông tin ban đầu, không báo cáo lượng thủy ngân bị cháy, mà lại có văn bản lập lờ gây hiểu lầm cho dư luận.
Tiếp sau đó, các thông báo đánh giá mức độ độc hại, ô nhiễm môi trường “đá nhau”, khiến cho người dân bị nhiễu thông tin, chính quyền Hà Nội không sớm có cảnh báo để họ phòng bị. Tất cả những điều này khiến người dân sống quanh khu vực đám cháy bị thiệt hại.
Đến khám bệnh tại Trạm Y tế phường Hạ Đình, chị Trần Thị Xuân, ở tổ 5, cho biết: “Vì không có thông báo của cơ quan có trách nhiệm nên tôi không hề hay biết, vẫn bán hàng ở gần đám cháy tới tận mấy ngày sau. Tôi là trụ cột chính trong gia đình, nếu sức khỏe có làm sao thì ai bồi thường thiệt hại cho tôi”.
Bà Nguyễn Thị Mai, một cư dân ở gần đám cháy, bức xúc: “Đêm xảy ra cháy, cả nhà tôi còn chạy ra gần hiện trường. Hai ngày sau, để bảo vệ sức khỏe cho mình, cả nhà mới di tản mỗi người một nơi. Con trai tôi đến nhà bố mẹ vợ ở, tôi sang nhà người thân, các con cháu khác đi thuê nhà, cuộc sống sinh hoạt hoàn toàn đảo lộn”.
Theo bà Mai, khổ nhất là có nhà mà không được ở, ăn ở vạ vật tại nơi khác. Đã thế còn phải lo lắng về sức khỏe, con cháu không yên tâm làm việc và học tập.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người sau khi di tản đã không muốn quay lại nhà cũ vì lo lắng môi trường ô nhiễm. Nhiều người đã rao bán nhà nhưng theo chị Nguyễn Thị Hạnh, ở tổ 5 phường Hạ Đình “bây giờ có bán rẻ cũng không ai mua”. Ngôi nhà của chị Hạnh có giá trị khoảng 7 tỷ đồng, nhưng chị muốn rao bán 5 tỷ đồng cũng chưa chắc bán nổi, chị Hạnh thở dài cho biết.
Cần bồi thường quyền lợi cho người dân
Theo một số người dân ở phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung, trong đám cháy, họ chứng kiến những cột sắt to còn bị nung chảy, nên thông tin 3 tủ lạnh đựng thủy ngân không bị cháy khiến họ nghi ngờ.
Qua tiếp xúc với một số hộ dân ở phường Hạ Đình, họ cho biết, cháy nổ là sự cố không mong muốn, nhưng người dân bức xúc trước việc cung cấp thông tin không trung thực từ phía Công ty Rạng Đông ở văn bản 2 ngày sau cháy. Nếu công ty trung thực thì các cơ quan chức năng sớm có quan trắc và cảnh báo các biện pháp dự phòng tới người dân.
Với nhiều hộ gia đình, phải di tản đi nơi khác sinh sống đã gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế, cộng với những người khám bệnh nếu có thủy ngân trong máu thì Công ty Rạng Đông có phải chịu trách nhiệm bồi thường hay không?
Theo luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú, người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường thiệt hại về kinh tế và sức khỏe. Tuy nhiên, để chứng minh được mức độ thiệt hại, người dân phải có hóa đơn, chứng từ khám chữa bệnh, kể cả ngày công lao động, tiền thuê nhà trọ ở nơi khác trong quá trình đi tránh nhiễm độc. Sau đó, đề nghị UBND quận Thanh Xuân đứng ra yêu cầu doanh nghiệp bồi thường.
Luật sư Hùng cũng cho biết, việc chứng minh này tương đối phức tạp, nhưng rất cần thiết vì ý nghĩa xã hội, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, cũng như nâng cao đạo đức kinh doanh và trách nhiệm của doanh nghiệp. Ngoài Công ty Rạng Đông phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại của người dân, dư luận đang đặt câu hỏi vì sao Hà Nội lại chậm triển khai đưa các nhà máy ra khỏi thành phố khi chủ trương này đã có từ 10 năm trước?