Vụ cháy quán karaoke ISIS ở Cầu Giấy: Ai chịu trách nhiệm?
Liên quan đến vụ cháy quán karaoke ISIS xảy ra tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành công văn yêu cầu Đảng ủy Công an thành phố chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm
Theo nội dung công văn, chiều 1/8, xảy ra vụ cháy tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Để sớm khắc phục hậu quả vụ việc và chủ động phòng ngừa chung, kịp thời ngăn chặn các vụ cháy nổ và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, hậu quả xảy ra đối với những vụ cháy nổ có thể xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị phối hợp với Công an thành phố, quận Cầu Giấy khẩn trương tiến hành các công việc để khắc phục hậu quả vụ cháy, sớm ổn định tình hình và chỉ đạo thực hiện công tác phòng ngừa chung trên địa bàn thành phố; tổ chức thăm hỏi, động viên, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với gia đình của 3 đồng chí đã hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và lực lượng cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Đảng ủy Công an thành phố chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật. Quận ủy Cầu Giấy chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm khắc phục hậu quả, tổ chức kiểm điểm và có biện pháp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
"Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước Thành ủy nếu để xảy ra cháy nổ phức tạp, hậu quả nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan trên địa bàn, phạm vi quản lý", văn bản của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nêu rõ.
Ai chịu trách nhiệm ?
Thông tin về vụ cháy quán karaoke ISIS trên địa bàn, báo cáo UBND quận Cầu Giấy thể hiện, quán karaoke được Phòng Kinh tế quận cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 1/2013. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Duy Trung, sinh năm 1978.
Đến tháng 4/2013, UBND quận Cầu Giấy cấp giấy phép kinh doanh karaoke cho cơ sở ISIS. Cuối tháng 8/2013, Công an quận Cầu Giấy cấp giấy chứng nhận quán karaoke này đủ điều kiện về an ninh trật tự để làm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau đó, ông Nguyễn Duy Trung đã ủy quyền cho ông Phạm Duy Hùng để quản lý hoạt động kinh doanh tại quán karaoke ISIS trong thời hạn 10 năm.
Quán karaoke ISIS quy mô gồm năm tầng, một lửng, một tum, khối tích 1.260m3, kết cấu chịu lực chính là bê tông, cốt thép. Khu vực xuất phát cháy tại tầng ba, cháy lan lên các tầng trên và lan xuống các tầng bên dưới của tòa nhà. Khi xảy ra vụ cháy, quán Karaoke ISIS đã dừng hoạt động do chưa cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96 của Chính phủ, đồng thời đang được tiến hành sửa chữa lại.
Được biết, qua công tác điều tra, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ hỏa hoạn là hàn xì trong quá trình sửa chữa quán hát. Nhiều độc giả quan tâm, vụ cháy gây mất mát lớn về người, vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ cơ sở và cá nhân liên quan ra quan sao?
Trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia pháp lý cho rằng, vụ cháy xảy ra ở quán karaoke ISIS là rất nghiêm trọng. Bên cạnh việc xử lý nghiêm chủ cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Luật Đầu tư 2020, kinh doanh dịch vụ karaoke là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó phải bảo đảm điều kiện về phòng, chống cháy nổ thì cơ sở kinh doanh mới được cấp giấp phép kinh doanh karaoke. Về điều kiện này, Thông tư 147/2020/TT-BCA đã có quy định cụ thể các điều kiện an toàn về PCCC. Cùng đó, Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP cũng quy định cụ thể các điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở.
Theo đó, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định chủ cơ sở không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về PCCC để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 313 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về PCCC.
Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do quá trình thi công, sửa chữa, bộ phận thi công sẽ chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm quy định về PCCC. Ngoài trách nhiệm hình sự, người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xác định bên thi công được thuê mướn thì chủ cơ sở phải có trách nhiệm bồi thường dân sự liên đới vì đã không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên đã gây hậu quả thiệt hại về người, tài sản.
Cùng nêu quan điểm về vụ việc, thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hoàng cho biết, trong những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều quy định rất nghiêm ngặt về điều kiện kinh doanh karoke như phải đủ điều kiện an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy nhưng một số cơ sở đã không thực hiện đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nên đã xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thiệt hại về con người, tài sản.
“Đây không phải là lần đầu xảy ra cháy quán karaoke gây hậu quả nghiêm trọng ở quận Cầu Giấy. Trước đó vào năm 2016, một vụ cháy quán karaoke khác ở quận Cầu Giấy (tại số 68 Trần Thái Tông, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cũng để lại hậu quả nặng nề, khiến 13 người chết. Bởi vậy, cần rà soát lại trách nhiệm quản lý về an toàn phòng chống cháy nổ của chính quyền quận Cầu Giấy cũng như UBND phường Quan Hoa trong việc kiểm tra để quy trách nhiệm đối với từng cá nhân”, luật sư Hoàng nhấn mạnh.