Vụ cháy rừng lớn thứ hai lịch sử California khiến hàng nghìn người sơ tán
Bang California của Mỹ đang chứng kiến trận cháy rừng lớn thứ hai lịch sử khi ngọn lửa lan rộng khiến 3 người mất tích và hàng nghìn người phải sơ tán bất chấp nỗ lực của lực lượng cứu hỏa.
Cháy rừng ở California đang trở nên nghiêm trọng khi hàng nghìn người phải sơ tán - Ảnh: AP
Bài liên quan
Hàng nghìn người Hy Lạp sơ tán, 8 người Mỹ mất tích vì cháy rừng
Bốn lời giải thích cho tình trạng châu Âu đang bùng phát cháy rừng
Tại sao Ý đang phải vật lộn với cuộc chiến chống cháy rừng?
Các nhà chức trách cho biết hôm Chủ nhật (8/8), hàng ngàn cư dân đã rời khỏi khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cư dân ở lại do họ muốn tự chữa cháy hơn là rời bỏ tài sản của mình dù chính quyền nhiều lần yêu cầu rời đi.
Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Plumas cho biết họ vẫn đang tìm kiếm ba người vẫn còn mất tích, sau khi hai người khác được tìm thấy vào cuối tuần qua.
Hôm thứ Bảy (7/8), Thống đốc Gavin Newsom đã đến thăm thị trấn lịch sử bị cháy rụi của Greenville, bày tỏ "lòng biết ơn sâu sắc" đối với các đội chiến đấu với ngọn lửa. Ông nói rằng các nhà chức trách phải dành nhiều nguồn lực hơn để quản lý rừng và ngăn chặn hỏa hoạn.
Nhưng ông cho rằng "các đợt khô hạn đang trở nên khắc nghiệt hơn rất nhiều và nóng hơn bao giờ hết ... chúng ta cần phải thừa nhận rằng đây là những đám cháy rừng do khí hậu gây ra".
Theo cuộc điều tra sơ bộ cho thấy, đám cháy Dixie được bắt đầu khi một nhành cây rơi vào dây cáp điện thuộc sở hữu của công ty tiện ích khu vực Pacific Gas & Company (PG&E), một nhà điều hành tư nhân trước đó đã bị đổ lỗi cho vụ cháy Camp năm 2018, khiến 86 người thiệt mạng.
Đám cháy Dixie cháy bắt đầu ở Hẻm núi Feather River, gần Đập Cresta vào ngày 13/7, sau đó bùng phát ra các Hạt Butte, Plumas và Lassen, California. Tính đến Chủ nhật (8/8), đám cháy đã thiêu rụi 463.477 mẫu Anh (187.562 ha), tăng so với 447.723 mẫu Anh của ngày hôm trước.
Theo thống kê, đám cháy Dixie đã phá hỏng khoảng 400 công trình, khiến thị trấn cổ Greenville bị chia cắt và bao phủ bởi ngọn lửa. Cục Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California (CalFire) cho biết các công nhân và thiết bị đang được triển khai để cứu những ngôi nhà ở thị trấn nhỏ Crescent Mills, cách Greenville khoảng 5 km về phía đông nam.
Hơn 5.000 nhân viên hiện đang chiến đấu với đám cháy ở Dixie.
Lực lượng cứu hảo đang nỗ lực dập tắt ngọn lửa quanh thị trấn Greenville, California - Ảnh: Reuters
Trang web CalFire đưa tin, đám cháy Dixie khiến ba lính cứu hỏa bị thương hôm thứ Bảy vẫn còn 21% quy mô vào hôm Chủ nhật, tức là không thay đổi so với ngày hôm trước. Theo dự đoán của lực lượng cứu hỏa, đám cháy bắt đầu từ ngày 13/7 sẽ khó dập tắt trong hai tuần.
Các nhà chức trách cho biết, dù gió yếu và độ ẩm cao hơn đã giúp các nhân viên cứu hỏa thuận lợi hơn trong việc triển khai nỗ lực dập lửa, nhưng họ đang phải chống chọi với nhiệt độ cao hơn, dự kiến sẽ vượt quá 100 độ F (38 độ C) trong những ngày tới ở California. Khói dày đặc khiến việc lái xe trở nên nguy hiểm đối với đội cứu hỏa ở một số khu vực và những con đường mòn dốc cũng khiến việc tiếp cận trở nên khó khăn.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đã gia tăng các đợt hạn hán làm khô hạn phần lớn miền Tây Hoa Kỳ và Canada, tạo điều kiện lý tưởng cho cháy rừng lan rộng ngoài tầm kiểm soát và gây ra những thiệt hại chưa từng có về vật chất và môi trường.
Tám vụ cháy rừng lớn nhất của bang California đều xảy ra kể từ tháng 12 năm 2017. Vào cuối tháng 7, số mẫu đất bị đốt cháy ở California đã tăng hơn 250% so với năm 2020 và đây là năm cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của bang.
Với tốc độ lan rộng và thiệt hại hiện tại, vụ cháy Dixie đã vượt qua đám cháy phức hợp Mendocino 2018 để trở thành đám cháy tồi tệ thứ hai trong lịch sử California.