Vụ cháy siêu thị Big C: Trung tâm thương mại phải đáp ứng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy như thế nào?
Từ vụ cháy siêu thị Big C Thăng Long, dư luận quan tâm vấn đề các siêu thị, trung tâm thương mại phải đáp ứng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy như thế nào?
Khoảng 11h30 trưa ngày hôm qua (10/7), “bà hỏa” ghé thăm Siêu thị Big C Thăng Long. Theo thông tin ban đầu, đám cháy xuất phát từ quầy bán giày dép ở tầng 1 của siêu thị này. Khi nghe tiếng loa báo cháy, nhân viên và hành khách chạy ào ra ngoài thoát thân.
Đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở tại siêu thị đã kịp thời sử dụng phương tiện tại chỗ triển khai dập lửa, đồng thời gọi điện cho cơ quan chức năng báo cháy. Rất may, đám cháy đã được Đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở dập tắt sau ít phút, không để cháy lan.
Nhận được tin báo, Công an quận Cầu Giấy đã huy động 3 xe chữa cháy cùng một xe hút khói tới hiện trường. Dù vụ hỏa hoạn đã được Đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở của Siêu thị Big C Thăng Long dập tắt từ trước, song bên trong còn rất nhiều khói độc. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy phải sử dụng máy hút khói chuyên dụng để đẩy khói ra ngoài.
Theo đơn vị chức năng, nhờ làm tốt công tác an toàn phòng cháy chữa cháy, đám cháy đã nhanh chóng được Đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở dập tắt, không để cháy lan, không gây thiệt hại về người.
Được biết, 1 ngày trước vụ cháy, Big C Thăng Long tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy.
Từ vụ cháy tại Siêu thị Big C Thăng Long, dư luận bày tỏ sự quan tâm về điều kiện về phòng cháy chữa cháy tại trung tâm thương mại, siêu thị.
Theo quy định tại Phụ lục II Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi, có quy định về danh mục cơ sở có quy hiểm về cháy, nổ trong đó có: Chợ kiên cố, bán kiên cố thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên; các chợ kiên cố, bán kiên cố khác, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa có tổng diện tích các gian hàng từ 300 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
Và tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 79/2014/NĐ-CP có quy định: Trung tâm thương mại có tổng diện tích các gian hàng từ 300 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy như sau:
Thứ nhất, có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.
Thứ hai, có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.
Thứ ba, hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
Thứ tư, có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Thứ năm, có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Thứ sáu, có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
Thứ bảy, có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
Thứ tám, có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
Thứ chín, có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.