Vụ chìm canô ở Cửa Đại: Đáng lo giao thông thủy!
Vụ chìm canô làm 17 người tử vong và mất tích trên biển Cửa Đại là hồi chuông cảnh báo trước tình trạng nhiều địa phương cấp phép cho tàu, thuyền chạy với tốc độ siêu tốc trên biển
Đến chiều tối 27-2, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy tung tích 2 cháu bé là nạn nhân còn lại trong vụ chìm canô trên biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Vụ việc xảy ra vào đầu giờ chiều 26-2, làm 15 người tử vong và 2 người mất tích.
Trả giá quá đắt
Sáng 27-2, không khí tang tóc, đau thương bao trùm Nhà Tang lễ Hội An. Ở bên ngoài, hàng ngàn người xếp hàng lặng lẽ vào viếng. Không ai bảo ai, họ xếp từng đồng tiền ngay ngắn đặt vào thùng quyên góp với mong muốn xoa dịu bớt nỗi đau thương, mất mát của gia đình các nạn nhân.
Sau khi khâm liệm, 7 nạn nhân được đưa ra Đà Nẵng hỏa thiêu theo nguyện vọng của gia đình, 8 nạn nhân được chính quyền địa phương hỗ trợ đưa về quê nhà để lo hậu sự. Nhìn 15 chiếc quan tài đặt cạnh nhau, không ai kìm nổi nước mắt.
Ông Nguyễn Minh Trình (quê Hà Nội) ngồi bệt bên góc tường, lâu lâu ngước mắt về phía quan tài vợ đang nằm trong nhà tang lễ. Còn gì đau đớn hơn khi thi thể vợ nằm đó, còn đứa con 3 tuổi vẫn đang nằm dưới biển lạnh, đã 2 ngày trôi qua vẫn chưa tìm được tung tích. Ông Trình nấc nghẹn: "Trời đất ơi! Vợ ơi, con ơi! Giờ tôi biết làm sao đây!".
Mất đến 8 người thân chỉ sau một buổi chiều, ông Ngô Văn Đẩn (trú huyện Đông Anh, TP Hà Nội) không thể đứng vững, chốc chốc ngã quỵ. Thắp nhang vái lạy, ông Đẩn mong biển Cửa Đại sớm "trả" lại 2 cháu Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Mai Anh (cùng SN 2019, quê Hà Nội) về cho ông.
"Trước khi đi, 14 người trong nhà chỉ báo là đi du lịch. Ai cũng vui vẻ. Vé đi Hội An đã đặt trước gần 2 năm nhưng vì dịch bệnh chưa đi được. Nhưng bây giờ, ai ngờ, các cháu đi hết rồi. Các chú, các bác không còn ai để nói chuyện, gia đình không còn một ai!" - ông Đẩn òa khóc.
Liên quan vụ việc, trong ngày 27-2, công an đã triệu tập lấy lời khai ông Lê Sen - thuyền trưởng canô Phương Đông 05 và những người liên quan. Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, công an đang làm việc với những người liên quan, chưa khởi tố vụ án.
Trao đổi với báo chí, ông Sen cho biết ông làm nghề lái canô chở khách du lịch ra đảo Cù Lao Chàm được 5 năm nên khá thông thạo luồng lạch ra vào Cửa Đại. Nguyên nhân canô lật là do gặp sóng lớn, mọi thứ diễn ra quá nhanh, ông không trở tay kịp.
Có mặt tại hiện trường chỉ đạo việc tìm kiếm 2 nạn nhân còn mất tích vào chiều tối cùng ngày, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu chính quyền TP Hội An và ngành liên quan hỗ trợ tối đa cho các gia đình có người thiệt mạng và bị thương; đồng thời nhanh chóng tìm nguyên nhân cốt lõi gây ra vụ tai nạn và tập trung khắc phục hậu quả. Các cấp, ngành liên quan tổng rà soát tất cả phương tiện canô, tàu du lịch, luồng lạch… để tránh lặp lại sự cố tương tự, nhất là đang bắt đầu vào mùa du lịch.
Chấn chỉnh ngay vận tải đường thủy!
Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngoài các tuyến thủy nối đảo Lớn - đảo Bé, Hội An - Cù lao Chàm…, đáng chú ý là còn tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa Sa Kỳ - Lý Sơn. Mỗi ngày, tuyến này có trên dưới 10 chuyến tàu ra vào đảo Lý Sơn, lúc cao điểm có thể tăng lên khoảng 40-50 chuyến/ngày.
"Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hiện nay chỉ còn 6 chiếc tàu hoạt động ở tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn. Cách đây vài năm, tuyến này còn có nhiều tàu (dạng canô) siêu tốc loại 78 ghế được cấp phép. Do không hiệu quả nên các tàu này đã ngưng hoạt động" - ông T., một cán bộ làm việc tại Ban Quản lý cảng Sa Kỳ, cho hay. Theo ông, việc cấp phép cho những tàu siêu tốc hoạt động trên biển tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Không chỉ Quảng Ngãi, vụ lật canô trên biển Cửa Đại cũng là hồi chuông cảnh báo trong việc quản lý, cấp phép các phương tiện vận chuyển trên biển. TP Đà Nẵng từng trả giá đắt trong vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn khiến 3 người thiệt mạng vào năm 2016. Sau vụ việc này, Đà Nẵng siết chặt các hoạt động giao thông phục vụ khách bằng đường thủy; giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố là đơn vị giám sát cuối cùng và kiểm tra số lượng hành khách trước khi các tàu du lịch xuất bến, chủ trì công tác cứu hộ - cứu nạn khi có sự cố.
Trong khi đó, hoạt động du lịch đường thủy tại Quảng Bình đang phát triển khá mạnh, nhất là tuyến vận chuyển du khách từ bến thuyền của Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng trên sông Son, với hơn 403 thuyền máy. Ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết ngoài việc tăng cường kiểm tra, trung tâm còn thành lập một đội ứng cứu thường trực, sẵn sàng cứu hộ - cứu nạn khi có thuyền gặp sự cố.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang tăng cường chấn chỉnh việc cấp phép hoạt động cho phương tiện đường thủy. Theo thống kê, hiện có hơn 100 thuyền rồng hoạt động trên sông Hương. Ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 13 - Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho hay các thuyền này hoạt động từ năm 1994-1995, đa phần sẽ hết hạn sử dụng trong thời gian tới.
Hiểm họa canô mui kín
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, trước đây, các đơn vị du lịch tại Hội An thường sử dụng canô mui trần, loại 15 chỗ ngồi. Từ năm 2018 đến nay, ngành giao thông vận tải yêu cầu nâng cấp tàu loại lớn, có thể chở được khoảng 40 hành khách. Loại tàu này được đóng kín, chỉ có một lối ra phía trước. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến vụ chìm canô trên biển Cửa Đại có nhiều người chết, dù tất cả đều mặc áo phao.
Ông Sơn cho biết Hội An hiện có khoảng 40 doanh nghiệp khai thác 120 canô du lịch loại mới này. Chính quyền TP Hội An sẽ kiến nghị có giải pháp thay đổi thiết kế nhằm bảo đảm an toàn cho du khách.