Vụ chìm đò 6 người chết ở Quảng Nam: Cần chế tài quản chặt đò dân sinh
Trong vụ chìm đò làm 6 người chết ở Quảng Nam, các nạn nhân đều không mặc áo phao, trong khi chế tài xử lý vi phạm để ngăn ngừa tai nạn chưa có.
Sáng 26/2, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia có buổi làm việc với chính quyền huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam sau vụ chìm đò trên sông Vu Gia khiến 6 người thiệt mạng.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã Đại Cường, huyện Đại Lộc cho biết, hầu như gia đình nào trong xã cũng sử dụng ghe đò để hàng ngày qua bãi bồi sông Vu Gia để canh tác. Địa phương là nơi hứng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, bão lũ, song đây là lần đầu tiên xảy ra thiệt hại về người lớn như vậy.
Theo Thiếu tá Phan Minh Tuấn, Đội trưởng CSGT Công an huyện Đại Lộc, khu vực xảy ra tai nạn không phải là bến bãi, chính vì vậy mà việc kiểm tra đảm bảo an toàn không được duy trì thường xuyên.
Trong khi đó, Trung tá Mai Thanh Tâm, Phó trưởng Công an huyện Đại Lộc cho biết, hiện cơ quan điều tra đang tiến hành các thủ tục theo quy định pháp luật, lấy lời khai nhân chứng để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn rất đáng tiếc này.
"Lâu nay lực lượng công an thường xuyên kiểm tra, kiểm soát xuồng, ghe máy nhưng đò của người dân là tự phát và khu vực xảy ra tai nạn không phải là bến đò. Vụ việc xuất phát từ sự chủ quan của người dân, công an huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền việc đảm bảo an toàn khi sử dụng ghe đò cá nhân khi tham gia giao thông đường thủy", Trung tá Tâm cho biết.
Theo ông Nguyễn Công Thanh, Bí thư huyện ủy Đại Lộc, địa phương có gần 50km đường sông, trong khi xã Đại Cường nằm giữa điểm giao của sông Vu Gia và Thu Bồn nên việc người dân sử dụng ghe đò đi lại phục vụ sản xuất nông nghiệp là rất phổ biến.
Ông Thanh cũng cho rằng, dù là tự phát nhưng cũng nên có chế tài bắt buộc người ngồi trên ghe đò phải mặc áo phao để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, tương tự như việc bắt buộc người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, việc sử dụng phương tiện dân sinh như ghe, đò trong quá trình đi lại, sản xuất hiện nay còn rất nhiều bất cập. Đặc biệt, chưa có quy định cụ thể về vấn đề đảm bảo ATGT cho những người sử dụng cũng như đối với loại hình phương tiện này.
"Chế tài xử phạt theo Nghị định 132 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa hiện nay chỉ rõ ràng đối với phương tiện vận dụng trên sông phải đăng ký, đăng kiểm. Còn đây là những phương tiện dân sinh tự chế thì chưa rõ ràng, gây khó cho lực lượng chức năng. Chúng tôi sẽ tiếp tục có kiến nghị với Chính phủ cùng với Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông dự thảo nghị định mới cụ thể, chi tiết phù hợp với tình hình hơn để cho người dân nắm được cũng như thuận lợi cho lực lượng chức năng", ông Hùng nhấn mạnh.
Sáng cùng ngày, ông Khuất Việt Hùng đã đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong với số tiền 5 triệu đồng/nạn nhân. Lãnh đạo Cục đường thủy nội địa cũng trao hỗ trợ 2 triệu đồng/nạn nhân tử vong.
Trước đó, khoảng 16h ngày 25/2, 10 người dân thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc cùng đi trên chiếc đò nhôm di chuyển từ cánh đồng bãi bồi sông Vu Gia để về nhà.
Khi đi đến giữa sông, chiếc đò bị lật, 10 người rơi xuống sông. 4 người may mắn được cứu, 6 người còn lại đã tử vong.
Các nạn nhân tử vong gồm: 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Ái (30 tuổi), cháu Nguyễn Hoàng Ánh Viên (2 tuổi), cháu Nguyễn Hoàng Ánh Nguyên (5 tuổi); ông Nguyễn Đình Ba (57 tuổi, chủ đò), anh Nguyễn Đình Hoàng (25 tuổi, con trai ông Ba) đều người làng Khương Mỹ và chị Lê Thị Kim Huệ (27 tuổi, con dâu ông Ba, quê xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam).