Vụ chìm ghe khiến 6 người tử vong: Ngày ăn hỏi thành đại tang
6 người trong 2 gia đình ở tổ 8, thôn Khương Mỹ (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) ra đi mãi mãi sau khi làm đồng về. Nỗi đau quá lớn ập đến xóm ngõ bên dòng Vu Gia khiến ai cũng nghẹn ngào.
Con ngõ nhỏ thuộc tổ 8 thôn Khương Mỹ nhuốm màu tang tóc. Chỉ cách nhau chừng 200 m, hai gia đình với 6 người cùng tử vong sau vụ lật ghe. Chính quyền địa phương và bà con xóm giềng đang giúp gia đình khâm liệm và mai táng cho các nạn nhân.
Chuyến ghe định mệnh
Anh Nguyễn Cơ Mênh (29 tuổi), người may mắn sống sót trong vụ lật ghe kinh hoàng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại buổi chiều trên chuyến ghe định mệnh.
Sáng 25/2 anh Mênh dẫn bạn gái cùng mọi người trong gia đình qua bên kia bãi để làm đồng cúng đất theo tập tục địa phương. Đến 15h30 chiều cùng ngày, 10 người trên chiếc thuyền nhôm của gia đình qua sông để trở về. Đi được 200 m, chiếc ghe chòng chành, rồi lật úp khiến tất cả đều rơi xuống nước. “Lúc đó gió mạnh lắm nên ghe chao đảo rồi lật. Tôi không biết bơi, nên khi ghe lật thì cũng chìm xuống. May là sau tiếng hô cứu thì được một chiếc thuyền ở gần đó đến vớt lên và đưa đi cấp cứu” - anh Mênh kể.
Anh Mênh nói, bình thường người dân ở đây thường xuyên qua lại bằng ghe thuyền để qua bên kia làm đồng, không ai ngờ có sự việc quá kinh hoàng xảy ra.
Có mặt tại nhà anh Nguyễn Hữu Việt (tổ 8, thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường) nhiều người không khỏi xót xa. Ba chiếc quan tài được xếp sát nhau. Nằm trong đó là vợ và 2 con của anh - chị Nguyễn Thị Ái và 2 cháu Nguyễn Hoàng Ánh Nguyên (6 tuổi) và Nguyễn Hoàng Ánh Viên (5 tuổi).
Chiều 25/2, khi đang ở chỗ làm, anh Việt nhận được tin vợ và hai con bị mất tích trên sông Vu Gia. Anh hớt hải chạy ra đến bãi bồi thì thấy hàng trăm người cũng đang có mặt ở đây cùng lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích. Lúc này anh vẫn cố nuôi một niềm hy vọng. Cho đến khi người ta đưa thi thể vợ cùng hai con anh lên từ dưới dòng sông lạnh, anh gần như ngất xỉu.
Nhiều người còn ám ảnh khi thi thể chị Nguyễn Thị Ái (34 tuổi) với vòng tay ôm trước ngực. Họ cho rằng, khi sự việc xảy ra người phụ nữ này cố ôm lấy hai con nhưng tuột mất. Chị Ái là giáo viên mầm non ở xã Đại Cường. Ngày 25/2 khi hay tin gia đình ông Ba (anh em họ hàng) cúng giỗ đất nên chị đi cùng để phụ. Hai đứa con còn nhỏ để ở nhà không có người trông nên chị đưa theo cùng, nào ngờ tai ương ập đến.
Ngày ăn hỏi thành đại tang
Sáng 26/2, rất đông người dân có mặt tại nhà bà Nguyễn Thị Bốn (tổ 8 thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường) để động viên và giúp gia đình tổ chức tang lễ. Lẽ ra hôm nay là ngày ăn hỏi của con trai đầu nhưng giờ đây lại thành đại tang của gia đình. Bà Bốn có chồng là ông Nguyễn Đình Ba (57 tuổi), con trai Nguyễn Đình Hoàn, con dâu Lê Thị Kim Huệ đều tử nạn trong vụ chìm ghe. Từ lúc nhận tin dữ, bà Bốn ngất lên ngất xuống. Cả 3 người thân của bà nằm đó, mà kêu khản giọng không nghe. Bà không thể tin trước sự thật, mất mát quá lớn.
Ông Nguyễn Đình Kính (anh họ ông Ba) cho hay, gia đình ông Ba chủ yếu làm nông, hầu như ngày nào ông Ba cũng có mặt bên kia bãi bồi. Ngày 25/2 ông Ba cùng các con, cháu đi ghe sang bên bãi để làm đồng cúng đất. Tuy nhiên, chuyến ghe định mệnh cướp đi sinh mạng của 6 người. Vốn dĩ ông Ba bơi rất giỏi, nhưng lúc xảy ra lật ghe ông đưa đứa cháu nội vào sát bờ, sau đó bơi ra để cứu những người khác nhưng đuối sức bị chìm. “Lẽ ra hôm nay là ngày đám hỏi của Quốc (con đầu ông Ba-PV), hôm qua hai vợ chồng nó cũng qua đó nhưng về trước. Con riêng của Quốc ở lại về sau với ông nội thì gặp nạn. Cả đời ông ấy lam lũ những mong kinh tế khá hơn, vậy mà giờ lại chết lạnh lẽo dưới sông vậy anh ơi!” - ông Kính xót xa.
Con sông Vu Gia vốn gắn với cuộc sống của người dân nơi đây. Không ai ngờ dòng sông vốn hiền hòa, giờ lại gây ra đại họa. “Lòng sông trước cạn lắm còn lội ra được, nhưng sau khi người ta khai thác cát thì chỗ lồi chỗ lõm, có những hố sâu nguy hiểm giữa lòng sông” - ông Kính nói.
Theo ông Trần Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã Đại Cường, do đặc thù vùng trũng ven sông nên hầu hết các gia đình ở đây đều tự sắm ghe, đò để ứng phó với mưa lũ. Ngày thường, họ dùng đò để qua bên kia bãi bồi Vu Gia trồng trọt hoa màu. Địa phương nhiều lần tuyên truyền nhưng người dân vẫn chưa chú trọng việc mặc áo phao dẫn đến sự việc đau lòng. Trong khi đó, chế tài đối với việc đảm bảo an toàn cho những chuyến đò dân sinh tự phát này vẫn chưa rõ ràng khiến cơ quan chức năng lúng túng.
Ngày 26/2, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng có mặt tại gia đình các nạn nhân động viên, chia sẻ và trao tiền hỗ trợ (5 triệu đồng/ nạn nhân). Làm việc với cơ quan chức năng, ông Hùng nhìn nhận việc sử dụng phương tiện dân sinh trong quá trình đi lại, sản xuất hiện nay còn nhiều bất cập.
Ông Hùng cho biết sắp tới sẽ kiến nghị, sửa đổi nghị định về xử phạt vi phạm hành chính và siết chặt hơn vấn đề quản lý loại hình phương tiện này.