Vụ chìm tàu du lịch ở Quảng Nam: Bịt 'lỗ hổng' tàu cao tốc ra Cù Lao Chàm
Có những 'lỗ hổng' nào cần gấp rút giải quyết để tránh lặp lại việc đau lòng như vụ chìm tàu cao tốc khiến 17 người chết ở biển Cửa Đại?
Sau vụ chìm tàu cao tốc khiến 17 người chết ở biển Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam, vấn đề cấp bách được đặt ra là làm sao để đảm bảo an toàn cho các tuyến tàu chở khách du lịch?
100 tàu cao tốc hoạt động thế nào?
Ghi nhận PV, dọc bờ Cửa Đại những ngày qua, các tàu thuyền du lịch đều ngưng hoạt động sau vụ lật tàu cao tốc QNa-1152 khiến 17 người chết.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, hiện có hơn 100 tàu cao tốc (chuẩn SB) của 40 đơn vị du lịch hoạt động trên tuyến Hội An- Cù Lao Chàm.
Hiện địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng để khắc phục hậu quả, điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan, trước khi cho tàu hoạt động trở lại.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang (bên trái), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (bên phải), Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng trao đổi tại hiện trường khắc phục hậu quả vụ chìm tàu QNa-1152
Theo quy định của Quảng Nam, từ năm 2018, phương tiện này được chuyển từ ca nô lên tàu cao tốc chuẩn SB. Các tàu có công suất khoảng 400CV, sức chở khoảng 35 người (chưa kể thuyền viên, tăng nhiều so với cano).
Những năm gần đây, Hội An chỉ cho phép tối đa 3.000 lượt khách ra Cù Lao Chàm mỗi ngày, còn trước đây là khoảng 7- 8.000 lượt/ngày để đảm bảo năng lực phục vụ của hạ tầng địa phương.
Ông Trương Văn Sơn, Chánh TTGT Quảng Nam cho hay, với quy định, phân cấp hiện hành, có 4 đơn vị tham gia quản lý, cấp phép cho tàu cao tốc chạy tuyến Hội An - Cù Lao Chàm.
Cụ thể, tại cảng bến thủy nội địa đầu tuyến Cửa Đại, Đội Quản lý bến thủy nội địa thuộc TTGT Quảng Nam sẽ cấp giấy phép rời bến ra đảo Cù Lao Chàm nếu đủ điều kiện. Khi từ Cù Lao Chàm về, Ban Quản lý Bến thủy nội địa Cù Lao Chàm thuộc UBND xã Tân Hiệp (Hội An) sẽ cấp giấy phép rời bến.
Hai đơn vị này chỉ quản lý về mặt điều kiện hoạt động, chạy tàu của phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên và số lượng khách. Còn lịch chạy tàu hay các thời điểm trong ngày tàu có được chạy hay không do đơn vị Bộ đội Biên phòng quyết định.
“Các loại tàu này chủ yếu chịu được gió tối đa cấp 5, nên đơn vị Biên phòng căn cứ theo thời tiết trong ngày để quyết định có cho tàu chạy hay không.
Trên cơ sở đó, các đơn vị bến thủy nội địa sẽ cấp giấy phép rời bến cho những tàu đủ điều kiện. Việc ra thông báo này từ trước tới nay chỉ qua điện thoại”, đại diện TTGT Quảng Nam nói và cho biết, thực tế các đợt kiểm tra vừa qua chưa phát hiện sai phạm liên quan điều kiện kinh doanh vận tải, quy định, tiêu chuẩn chở khách của các đơn vị tàu du lịch Hội An.
Lo cảnh báo thời tiết chưa sát
Để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu cao tốc ra Cù Lao Chàm, TP Hội An đang nghiên cứu lập trạm cứu hộ giữa biển nhằm kịp thời triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra (Trong ảnh: Hiện trường tàu cao tốc gặp nạn làm 17 người chết). Ảnh: PV
Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho hay, thời tiết ngày 26/2 (thời điểm xảy ra vụ lật tàu làm 17 người chết) ở mức bình thường, chưa đến mức cấm biển, cấm tàu du lịch hoạt động.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, các đơn vị chức năng cho rằng, việc cập nhật thông tin dự báo thời tiết định kỳ khoảng 2 lần/ngày, trên diện rộng cho cả tỉnh, hoặc cả khu vực là chưa hợp lý.
Theo một lãnh đạo Sở GTVT Quảng Nam, cần rà soát lại cơ chế phối hợp, thông tin giữa các đơn vị quản lý, vận tải và ngành khí tượng thủy văn để có các cảnh báo, hướng dẫn phù hợp.
Có mặt tại hiện trường khắc phục hậu quả vụ chìm tàu QNa-1152, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, đến nay mới chỉ có các sân bay, cảng biển có hệ thống quan trắc, cảnh báo thời tiết. Nhưng ở nhiều bến thủy, bến cảng nhỏ chưa có hệ thống này.
Trong khi đó, đài khí tượng chủ yếu cung cấp thông tin thời tiết trên diện rộng, chưa đi vào các tiểu vùng khí hậu như Hội An- Cù Lao Chàm.
Trường hợp có các diễn biến bất thường rất khó cảnh báo kịp thời. Theo ông Hùng, bên cạnh các giải pháp tổng thể về quản lý, kết cấu hạ tầng, công tác TTKS, tuyên truyền chấp hành quy định giao thông đường thủy… cơ chế thông tin dự báo khí tượng cũng là vấn đề cấp thiết cần đặt ra.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là phải khơi thông luồng lạch. Thời gian qua, luồng tuyến Cửa Đại – Cù Lao Chàm được nạo vét 3 năm/lần với khối lượng khoảng 1 triệu m3.
Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của việc hình thành các cồn cát, thay đổi vị trí cồn cát đang là thách thức không nhỏ.
Thông tin ban đầu cho thấy, tàu cao tốc QNg-1152 (Đông Phương 5) bị lật chìm vừa qua do gặp cồn cát mới hình thành, khiến sóng bị đánh cao, tàu lật úp.
Tăng tần suất nạo vét luồng tuyến Hội An - Cù Lao Chàm
Trực tiếp tại hiện trường khắc phục hậu quả vụ chìm tàu cao tốc QNa-1152, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo khẩn các đơn vị chức năng cần tăng tần suất khảo sát, nạo vét luồng tuyến Hội An – Cù Lao Chàm lên mỗi năm 1 lần, thậm chí nhiều hơn tùy tình hình thực tế.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay, các cơ quan, đơn vị chức năng sẽ tiếp nhận tất cả các ý kiến, thông tin từ địa phương, người dân kể cả về loại tàu cao tốc đóng kín. Đây là tàu đóng theo quy chuẩn SB của thế giới và Việt Nam.
“Sau khi có kết luận cuối cùng từ cơ quan điều tra, Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ họp, đánh giá cụ thể để triển khai các giải pháp tổng thể đảm bảo ATGT tuyến Hội An - Cù Lao Chàm nói riêng và các tuyến du lịch ra biển đảo nói chung”, ông Hùng nói.
Lập trạm cứu hộ giữa biển
Sáng 28/2, khi được kéo lên bờ, con tàu QNa-1152 bị biến dạng, gãy vỡ nhiều vị trí. Tàu được đóng kín, 2 bên là cửa kính, chỉ có lối thoát hiểm phía sau. Nhiều cho rằng kết cấu tàu cao tốc đóng kín, gây khó khăn cho việc thoát hiểm và cứu hộ nếu xảy ra lật tàu.
Chủ tịch TP Hội An Nguyễn Văn Sơn thông tin, thực tế trên tuyến Hội An – Cù Lao Chàm những năm qua xảy ra ít nhất 4 vụ tai nạn tàu du lịch, nhưng do tàu không bịt kín nên thương vong được hạn chế. Còn lần này, các đơn vị chức năng chỉ kịp cứu được người bị đánh văng, thoát ra bên ngoài. Những ai ở trong tàu đều tử vong.
Cũng theo ông Sơn, để đảm bảo công tác cứu nạn, Hội An nghiên cứu lập trạm cứu hộ giữa biển nhằm kịp thời triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, tránh trường hợp “nước xa không chữa được lửa gần”.
Một đại gia đình mất 8 người thân
Anh Ngô Đức Đương, bố của hai cháu bé Ngô Huy Hoàng, Ngô Huy Hiếu khóc lịm khi đưa tro cốt các con về đến quê nhà vào sáng 28/2
Đúng 14h chiều 28/2, tro cốt của 2 em Ngô Huy Hiếu (13 tuổi) và Ngô Huy Hoàng (16 tuổi) được gia đình, người thân, hàng xóm đưa đi an táng.
Rất đông người thân, họ hàng, hàng xóm đến tiễn đưa hai nạn nhân xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đây là hai trong số 17 nạn nhân tử vong trong vụ chìm tàu ở Hội An.
Trong số 17 nạn nhân, có 8 người ở huyện Đông Anh. Đau lòng hơn, các nạn nhân đều có quan hệ họ hàng, thân quen vì họ ở trong 3 gia đình thông gia, cùng rủ nhau đi du lịch.
Gia đình nhà ông Nguyễn Văn Đẩn là gia đình gặp nhiều đau thương nhất trong vụ chìm tàu ở Cửa Đại khi chỉ trong thời gian ngắn ông đã mất đi 5 người thân thiết nhất của mình.
Những người thân rời xa ông mãi mãi bao gồm: 1 con gái (lấy chồng về xã Quang Minh, huyện Đông Anh), 2 cháu nội (là Ngô Huy Hoàng và Ngô Huy Hiếu) và 2 cháu ngoại (một cháu mất cùng với mẹ (hiện trú ở xã Quang Minh), một cháu ở Vĩnh Phúc).
Trong vụ việc đau lòng này, cháu Nguyễn Mai Anh (SN 2019) cùng bố mẹ đều đã tử vong (nạn nhân Nguyễn Xuân Hưng (SN 1980) và chị Ngô Thị Nga (SN 1988)), còn cháu Nguyễn Minh Quang cùng mẹ tử vong, người bố sống sót.
P.Đô
Tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng
Khoảng 15h30 chiều 26/2, tàu cao tốc Phương Đông chở theo 39 người từ Cù Lao Chàm vào đất liền. Khi đến vùng biển Cửa Đại (cách bờ khoảng 2km) thì bị lật. Hậu quả, 13 người đã tử vong, 4 người mất tích.
Các nạn nhân tử vong được lực lượng chức năng phát hiện tại hiện trường gồm: Dương Thị Khánh Dương (SN 1998, trú tại Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Thị Khiêm (SN 1982, trú tại Hà Đông, Hà Nội), Đỗ Thị Bích Hảo (SN 1983, Công ty May quân đội X20), Đặng Mai Phương (SN 1984, Công ty May quân đội X20), Dương Văn Minh (SN SN 1976, thuộc Công ty May quân đội X20), Nguyễn Văn Hưng (SN 1980, trú tại Đông Anh, Hà Nội). Trịnh Thị Minh Nguyệt (SN 2005, trú tại Đông Anh, Hà Nội), Ngô Thị Oanh (SN 1982, trú tại Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội), Ngô Huy Hoàng (2007), Ngô Thị Nga (SN 1988, trú tại Đông Anh, Hà Nội); Nguyễn Thị Kim Lan (SN 1973, trú quận Gò Vấp, TP.HCM), Nguyễn Thị Thu Lan (SN 1978, trú tại phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM), Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1971, trú quận Gò Vấp, TP.HCM). Các nạn nhân thuộc nhóm của Dương, Hùng, Oanh.
4 nạn nhân mất tích gồm Nguyễn Minh Quang (SN 2019), Ngô Huy Hiếu (SN 2010), Nguyễn Mai Anh (SN 2019, cùng trú tại Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội), Nguyễn Thị Giản Đơn (SN 1998, trú tại Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội).
Trong ngày 28/2, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân cuối cùng là cháu Nguyễn Minh Quang và cháu Nguyễn Mai Anh. Trước đó, thi thể các nạn nhân Ngô Huy Hiếu và Nguyễn Thị Giản Đơn cũng đã được lực lượng chức năng tìm thấy.