Vụ 'chính quyền xã nhổ keo do dân trồng': Họp dân bất thành
Kết thúc buổi làm việc về việc 'chính quyền xã Tam Xuân 2 tự ý nhổ cây keo của dân', không một lời xin lỗi việc nhổ cây của dân được đưa ra. Còn các các hộ dân không đồng tình với mức giá đền bù 4.000 đồng/1 cây keo nên không ký vào biên bản làm việc bỏ ra về.
Sáng 2/10, tại thôn Thạch Hưng, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, UBND xã Tam Xuân 2 đã tổ chức buổi làm việc với các hộ dân bức xúc khi chính quyền xã tổ chức, thuê người san phẳng đất, nhổ cây keo dân trồng.
Tại buổi làm việc, chị Trần Thị Minh Thuyền cho hay: “Diện tích trồng keo ở gò Núi Tre là do gia đình tôi và nhiều hộ dân khai hoang từ năm 2006. Chúng tôi đã bỏ công sức lao động, tiền bạc để trồng hàng nghìn cây keo. Vào năm 2013, do mưa bão làm keo ngã đổ nên tôi và mọi người đã khai thác bán. Đến đầu năm 2019, chúng tôi đã trồng lại keo trên diện tích này. Tuy nhiên, chính quyền xã đã tự ý thuê người vào nhổ sạch mà không có thông báo hoặc không có quyết định thu hồi diện tích đất trồng keo này”.
Những người trồng keo cho rằng, nếu chính quyền xã Tam Xuân 2 muốn lấy lại diện tích đất mà người dân đã trồng cây để làm nghĩa địa Núi Tre thì trước hết phải có quyết định thu hồi đất do UBND huyện Núi Thành hoặc cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam ban hành. Chính quyền cũng phải họp dân bàn bạc để đến thống nhất kế hoạch; có chính sách hỗ trợ tiền khai hoang, bổi thường cây keo đã trông cho dân; hỗ trợ ít nhất mỗi cây cây keo với giá 35.000 đồng…
Tại sao lại ngang nhiên tổ chức, thuê người tàn phá keo của người dân bỏ tiền của ra trồng và chăm bón, nhiều ý kiến chất vấn...
Anh Doãn Bá Ba (41 tuổi) nói: Nếu nói tôi lấn chiếm đất thì thì cả thôn Thạch Kiều đều lấn chiếm. Các hộ dân ở đây đa số tự tiến hành khai hoang nên yêu cầu chính quyền xã đền bù.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của các hộ dân, ông Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho rằng, chính quyền không đồng ý với mức giá 35.000 đồng/1 cây keo mà người dân đưa ra.
Theo ông Xuân, quy định của Nhà nước, cây keo trồng dưới 1 năm tuổi có giá 4.000 đồng/1 cây. “Còn việc bà con đòi tiền hỗ trợ công khai hoang đất thì chính quyền xã sẽ tổ chức cuộc họp người dân để xác định lại nguồn gốc đất mới đưa ra phương hướng giải quyết”.
Ông Xuân nêu rõ, Quyết định 8188/QĐ Ngày 21/12/2002 phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng nông thôn mới, trong đó có khu nghĩa địa Núi Tre, còn Quyết định 1781/QĐ ngày 29/5/2009 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc giao cho UBND xã quản lý vùng đất này. UBND xã đã tiến hành quy hoạch khu vực nghĩa địa Núi Tre và mời các hộ nhiều lần đến làm việc, hỗ trợ về kinh phí cho các hộ trồng keo tại gò Núi Tre. Tuy nhiên, tại các cuộc họp thì có hộ đến, có hộ không đến…
Kết thúc buổi làm việc, không một lời xin lỗi việc nhổ cây của dân được đưa ra. Còn các các hộ dân không đồng tình với mức giá đền bù 4.000 đồng/1 cây keo nên không ký vào biên bản làm việc bỏ ra về. Ngoài ra, chính quyền xã Tam Xuân 2 yêu cầu các hộ dân có văn bản kiến nghị cụ thể gửi lên UBND xã giải quyết tiếp tục theo trình tự quy định.
Trước đó, báo Đại Đoàn Kết có bài phản ánh, sáng 24/9, nhiều người dân thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam tìm gặp phóng viên bày tỏ sự bức xúc vì họ cho rằng, chính quyền địa phương đã tự ý thuê người vào gò Núi Tre để san phẳng diện tích keo trồng của họ.