Vụ Chủ tịch xã mất chức vì đánh vợ: Việc xử lý nghiêm minh là cần thiết

Tiến sĩ Tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, hành vi đánh vợ của một cán bộ giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã là hành vi đáng lên án mạnh mẽ. Đây không chỉ là vi phạm đạo đức mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và chính quyền, gây mất lòng tin của nhân dân.

 Thượng tá Công an nhân dân, Tiến sĩ Tội phạm học Đào Trung Hiếu.

Thượng tá Công an nhân dân, Tiến sĩ Tội phạm học Đào Trung Hiếu.

Liên quan đến vụ việc nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Ngãi Trị (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) bạo hành vợ gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua, PV Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Công an nhân dân, Tiến sĩ Tội phạm học Đào Trung Hiếu.

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc một Chủ tịch UBND xã có hành vi gây bạo lực gia đình trong suốt gần 10 năm?

Thượng tá Đào Trung Hiếu: Hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt là từ một cán bộ giữ chức vụ Chủ tịch xã - người có trách nhiệm thực thi pháp luật, tuyên truyền và bảo vệ các giá trị gia đình là hành vi đáng lên án mạnh mẽ. Đây không chỉ là vi phạm đạo đức mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và chính quyền, gây mất lòng tin của nhân dân.

Về đạo đức, một người lãnh đạo cần làm gương, sống đúng với chuẩn mực đạo đức mà xã hội đặt ra. Việc đánh vợ suốt 10 năm thể hiện sự thiếu kiểm soát cảm xúc và sự lạm dụng quyền lực trong gia đình.

Biên bản làm việc kết quả xử lý kỷ luật ông Thới của Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Châu Thành

Biên bản làm việc kết quả xử lý kỷ luật ông Thới của Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Châu Thành

Về pháp luật, hành vi này vi phạm nghiêm trọng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các quy định về ứng xử của cán bộ, công chức. Đây là hành vi không thể chấp nhận, đặc biệt khi nó đến từ một người giữ vai trò bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

Hành vi này không chỉ gây tổn thương cho người vợ mà còn làm suy giảm giá trị gia đình và gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Nó cũng làm giảm uy tín của các chính sách và chương trình phòng chống bạo lực gia đình.

PV: Với việc bãi nhiệm chức danh Chủ tịch UBND xã và cách hết chức vụ trong Đảng của ông Thới, ông cho rằng các hình thức kỷ luật này có đủ sức răn đe?

Thượng tá Đào Trung Hiếu: Việc kỷ luật cách hết chức vụ và kỷ luật Đảng đối với vị chủ tịch xã là cần thiết, tuy nhiên, mức độ răn đe phụ thuộc vào cách thức thực thi và hiệu quả giám sát sau đó.

Hình thức cách chức và kỷ luật Đảng là biện pháp mạnh, thể hiện thái độ nghiêm khắc của tổ chức. Tuy nhiên, để thực sự răn đe và ngăn chặn các trường hợp tương tự, cần có những biện pháp bổ sung như buộc bồi thường thiệt hại tinh thần và hỗ trợ người bị bạo hành.

Mức kỷ luật này cần đi kèm với sự công khai rộng rãi trong cộng đồng để làm bài học cảnh tỉnh cho các cán bộ khác. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ hành chính và không có xử lý pháp luật, sẽ dễ tạo tiền lệ xấu, khiến những cán bộ khác coi thường tính nghiêm minh của pháp luật.

Tôi đề xuất xử lý hình sự nếu có căn cứ cho thấy mức độ bạo hành gây thương tích nghiêm trọng. Bên cạnh đó cần tăng cường giám sát đạo đức và hành vi của cán bộ, công chức thông qua các cơ chế phản hồi từ cộng đồng. Đưa các vụ việc tương tự vào các chương trình tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình.

PV: Dưới góc độ tâm lý ông có thể lý giải lý do người vợ chịu đựng suốt gần 10 năm và đến khi quá sức mới tố cáo hành vi bạo hành của chồng?

Thượng tá Đào Trung Hiếu: Quan niệm "xấu chàng hổ ai", "đóng cửa bảo nhau" đã khiến nhiều phụ nữ chọn cách im lặng để bảo vệ danh dự gia đình. Sự kỳ thị đối với phụ nữ ly hôn hoặc tố cáo chồng trong một số cộng đồng khiến họ ngại lên tiếng.

Bên cạnh đó là yếu tố phụ thuộc tài chính và tâm lý. Người vợ có thể phụ thuộc tài chính vào chồng, khiến họ sợ mất đi sự ổn định của gia đình. Tâm lý lo sợ bị trả thù hoặc bị cô lập xã hội.

Ngoài ra, thiếu hiểu biết về pháp luật và quyền lợi của bản thân. Nhiều phụ nữ không biết họ có thể được bảo vệ bởi luật pháp và các tổ chức xã hội. Sự thiếu thông tin về các dịch vụ hỗ trợ khiến họ cảm thấy đơn độc và không có nơi nào để dựa vào.

PV: Về lâu dài, chúng ta cần làm gì để tiếp tục đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình, thưa ông?

Thượng tá Đào Trung Hiếu: Thứ nhất: nạn nhân bạo lực gia đình cần nâng cao nhận thức về quyền lợi của mình: Tìm hiểu các quy định pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, các quyền và lợi ích mà luật pháp bảo vệ. Hiểu rằng bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật và không đáng được tha thứ.

Thứ hai: Nạn nhân nên xây dựng độc lập tài chính và tinh thần, học cách tự lập để giảm bớt sự phụ thuộc tài chính vào người gây bạo lực. Nạn nhân cũng nên tham gia các hoạt động xã hội, tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình hoặc tổ chức xã hội.

Thứ 3: Khi xảy ra bạo lực gia đình, nạn nhân cần tố cáo bạo lực từ sớm: Lên tiếng ngay khi bạo lực xảy ra để ngăn chặn những tổn hại lâu dài. Họ cũng cần tìm đến các cơ quan chức năng như công an, hội phụ nữ, hoặc các tổ chức phi chính phủ để được hỗ trợ.

Thứ tư: Nạn nhân có thể tận dụng mạng lưới hỗ trợ xã hội: Tham gia các hội nhóm, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ để tăng cường sự tự tin và nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết.

Tóm lại, vụ việc này là một lời cảnh tỉnh cho cả hệ thống xã hội về vấn đề bạo lực gia đình, đặc biệt khi nó xảy ra trong tầng lớp cán bộ. Việc xử lý nghiêm minh là cần thiết để đảm bảo sự công bằng và làm gương cho xã hội. Đồng thời, phụ nữ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và sự tự tin để tự bảo vệ mình khỏi những tình huống tương tự.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 23/12, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Châu Thành (tỉnh Long An) mời bà Đặng Trần Kim Thoa (40 tuổi, ngụ ấp 6, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) đến trụ sở làm việc, đồng thời thông báo kết quả xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Quốc Thới (39 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Ngãi Trị, chồng bà Thoa).

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Châu Thành đã quyết định kỷ luật ông Nguyễn Quốc Thới với hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phú Ngãi Trị, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trước đó, ông Thới đã bị HĐND xã Phú Ngãi Trị bãi nhiệm chức Chủ tịch UBND xã do có hành vi bạo lực gia đình.

Do không chịu được hành vi bạo lực gia đình của chồng trong thời gian dài, bà Thoa quyết định làm đơn tố cáo ông Nguyễn Quốc Thới lên các cơ quan huyện.

Bà Thoa bị hành hung nặng nhất là khoảng 20 giờ ngày 25/3, khi bà Thoa đến nhà ông Nguyễn Văn Rành (cha ruột ông Thới) để đón con trai đi khám bệnh.

Nạn nhân Đặng Trần Kim Thoa sau khi bị chồng bạo hành

Tại đây, bà bị nhiều người đánh hội đồng sưng tím mặt mày, trong đó ông Thới đánh nhiều nhất. Ngoài hành hung, bà Thoa còn bị chửi thậm tệ vì những lý do không rõ ràng.

Không thể chịu đựng nên bà Thoa đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Quốc Thới đến Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An, Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An, UBND tỉnh...

Theo bà Thoa, ông Thới cùng bà kết hôn từ năm 2008 và đến nay đã có 2 con trai, con lớn 14 tuổi, con nhỏ mới sinh tháng 7/2023. Từ năm 2016 cho đến nay bà Thoa nhiều lần bị chồng đánh.

Văn Long (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vu-chu-tich-xa-mat-chuc-vi-danh-vo-viec-xu-ly-nghiem-minh-la-can-thiet-20241225163115037.htm