Vụ 'chuyến bay giải cứu': 4 án tù chung thân trong đại án
Sau thời gian nghị án kéo dài, chiều 28/7, HĐXX của TAND Thành phố Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 54 bị cáo trong đại án 'Chuyến bay giải cứu'.
HĐXX nhận định, tại tòa, bị cáo Phạm Trung Kiên đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tác động gia đình đã nộp 30 tỷ đồng, trả lại cho doanh nghiệp hơn 12 tỷ đồng, tổng cộng đã nộp hơn 42 tỷ đồng, thân phụ hai bên đều là thương binh, gia đình có công với cách mạng, có nhiều thành tích trong công tác.
Trên cơ sở chính sách nhân đạo của pháp luật, HĐXX xét thấy không nhất thiết phải áp dụng biện pháp loại trừ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi xã hội mà chuyển sang hình phạt khác thấp hơn mức đề nghị của VKSND đã đề nghị tại phiên tòa trước đó cũng đủ để răn đe bị cáo, đồng thời khuyến khích các đối tượng tham nhũng khác thành khẩn khai báo, tiến hành hợp tác với cơ quan tố tụng nộp tiền khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách nhân đạo của pháp luật.
Về trách nhiệm hình sự, trong vụ án này, các bị cáo có 2 điểm tăng nặng trách nhiệm hình sự là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội và phạm tội 2 lần trở lên. Bị cáo Võ Thị Hồng đã bị kết án 30 tháng tù về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, bị cáo phạm tội trong quá trình thực hiện án treo của vụ án trước nên đây là tình tiết tăng nặng hình phạt đối với bị cáo.
Về các tình tiết giảm nhẹ hình phạt, theo HĐXX, đa số bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nhiều bị cáo có gia đình truyền thống cách mạng, bố mẹ có công với cách mạng, bản thân có nhiều thành tích trong công tác, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ án, khắc phục được phần lớn hậu quả của vụ án.
Một số bị cáo đã khắc phục hoàn toàn hậu quả vụ án, nộp toàn bộ số tiền đã vi phạm, như bị cáo Phạm Trung Kiên và gia đình đã nộp 30 tỷ đồng, trả lại cho doanh nghiệp đưa hối lộ 12,2 tỷ đồng trước đó, tổng tiền đã khắc phục là hơn 42 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan đã khắc phục 1,2 tỷ đồng, đề nghị nộp tài sản đang bị Cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên, phong tỏa để khắc phục, gia đình có công với cách mạng; bị cáo Tô Anh Dũng và gia đình nộp 2,15 tỷ đồng; bị cáo Đỗ Hoàng Tùng nộp 200 triệu đồng, đồng thời đưa số tài sản mà cơ quan điều tra đang tạm giữ nhiều hơn số tiền bị cáo phạm tội để khắc phục hậu quả vụ án.
Bị cáo Vũ Sỹ Cường nộp 2,2 tỷ đồng, bị cáo Trần Văn Tân nộp hơn 4 tỷ đồng, bị cáo Chử Xuân Dũng nộp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án…
Một số bị cáo là doanh nghiệp đã nộp số tiền mà người nhận hối lộ trả lại cho cơ quan điều tra để khắc phục vụ án.
Với các bị cáo: Nguyễn Thị Hương Lan, Tô Anh Dũng, Nguyễn Hoàng Tùng, Vũ Anh Tuấn - những người đã nhận số tiền hối lộ nhiều lần với số tiền rất lớn, đặc biệt lớn, gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến chính sách nhân đạo của Nhà nước và hình ảnh của các cán bộ công chức nên cần có mức hình phạt nghiêm, cao hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát mới đủ tác dụng giáo dục và răn đe, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ nhiều lần, với số tiền trên 23 tỷ đồng, gây bức xúc cho xã hội, với vai trò là người lãnh đạo đứng đầu Cục Lãnh sự, bị cáo để xảy ra tham nhũng nghiêm trọng tại đơn vị của mình. Tại cơ quan điều tra, bị cáo không thành khẩn khai báo, lẽ ra phải áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với bị cáo.
Tuy nhiên, xét thấy tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối cải, xin lỗi Đảng và Nhà nước và nhân dân, đồng thời tác động gia đình nộp một phần số tiền khắc phục hậu quả vụ án, đề nghị dùng toàn bộ tài sản của mình để khắc phục hậu quả vụ án, vì vậy, HĐXX không áp dụng hình phạt cao nhất đối với bị cáo mà chuyển sang hình phạt khác.
Đối với bị cáo Vũ Anh Tuấn, có hành vi yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng, chủ động lôi kéo các bị cáo khác ở đơn vị khác thực hiện hành vi nhận hối lộ. Bị cáo đã trực tiếp nhận hối lộ 49 lần với số tiền trên 27 tỷ đồng. Bị cáo có vai trò tích cực trong nhóm tội phạm tại Cục Xuất nhập cảnh, vì vậy, cần xử lý nghiêm bị cáo.
Với bị cáo Hoàng Văn Hưng, với vai trò là điều tra viên, am hiểu pháp luật, nhưng bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền rất lớn. Bị cáo không ăn năn hối cải, đến nay hậu quả vụ án vẫn chưa được khắc phục, vì vậy, cần có mức hình phạt tù nghiêm đối với bị cáo, cao hơn mức đề nghị của đại diện VKS tại tòa mới đủ giáo dục và phòng ngừa chung.
Đối với các bị cáo như Vũ Ngọc Quang, Ngô Quang Tuấn, sau khi VKS đề nghị mức án, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tiếp tục tác động gia đình nộp thêm để khắc phục hậu quả vụ án, có thể giảm nhẹ thêm hình phạt cho các bị cáo so với mức đề nghị của VKS.
Đối với các bị cáo đưa hối lộ nhiều lần với số tiền lớn, sau khi thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo đã tự thú nhưng không được miễn trách nhiệm hình sự. HĐXX áp dụng tình tiết tự thú để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Khi quyết định hình phạt cho các bị cáo, HĐXX xem xét mức đóng góp của các bị cáo tại các bộ Ngoại giao, văn phòng chính phủ và các bộ ngành khác trong việc đưa công dân về nước trong giai đoạn dịch bệnh, đặc biệt là nhóm bị cáo tại các đại sứ quán của Malaisia đã đưa các bị cáo về nước.
Các bị cáo tại các đại sứ quán, UBND các tỉnh, các doanh nghiệp, cán bộ nơi làm việc và các cá nhân, tổ chức làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, HĐXX sẽ xem xét, đánh giá khi quyết định hình phạt.
Đối với các bị cáo là doanh nghiệp đưa hối lộ cho biết việc đưa hối lộ một phần do sự gây khó khăn của các cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước, là nạn nhân của cơ chế xin – cho, sự không minh bạch trong việc thực hiện nhiệm vụ của các cán bộ công chức, nạn nhân của văn hóa phong bì để khuyến khích người đưa hối lộ tố giác phạm tội, phản ánh tình trạng nhũng nhiễu trong cơ quan nhà nước, có thể giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo này.
Các bị cáo tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, số tiền hối lộ không lớn, đã khắc phục hậu quả,… sẽ nhận được khoan hồng của pháp luật, cho phép bị cáo được tại ngoại…
Nhóm bị cáo tội "Nhận hối lộ", HĐXX tuyên:
1. Bị cáo Phạm Trung Kiên, nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng, tù chung thân.
2. Bị cáo Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận 27,3 tỷ đồng, tù chung thân.
3. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận 25 tỷ đồng, tù chung thân.
4. Bị cáo Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận 21,5 tỷ đồng, 16 năm tù.
5. Bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận 12,2 tỷ đồng, 12 năm tù.
6. Bị cáo Vũ Sỹ Cường, nguyên cán bộ Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận 9,3 tỷ đồng, 9 năm tù.
7. Bị cáo Trần Văn Dự, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận 7,6 tỷ đồng, 7 năm tù.
8. Bị cáo Trần Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận 5 tỷ đồng, 6 năm tù.
9. Bị cáo Nguyễn Quang Linh, nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, nhận 4,2 tỷ đồng, 7 năm tù.
10. Bị cáo Nguyễn Tiến Thân, nguyên Chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ nhận 3,6 tỷ đồng, 5 năm tù.
11. Bị cáo Nguyễn Thanh Hải, nguyên Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ, nhận 3,6 tỷ đồng, 6 năm tù.
12. Bị cáo Nguyễn Mai Anh, nguyên Chuyên viên, Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ nhận 3 tỷ đồng, 6 năm tù.
13. Bị cáo Nguyễn Hồng Hà, nguyên Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản, nhận 2 tỷ đồng, 4 năm tù.
14. Bị cáo Chử Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, nhận 2 tỷ đồng, 3 năm tù.
15. Bị cáo Vũ Hồng Quang, nguyên Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, nhận 1,9 tỷ đồng, 4 năm tù.
16. Bị cáo Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, nhận 1,8 tỷ đồng, 30 tháng tù.
17. Bị cáo Lê Tuấn Anh, nguyên Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận 1,7 tỷ đồng, 42 tháng tù.
18. Bị cáo Ngô Quang Tuấn, nguyên Chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Giao thông Vận tải, nhận 1,8 tỷ đồng, 4 năm tù.
19. Bị cáo Vũ Ngọc Minh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Angola, nhận 864 triệu đồng, 30 tháng tù.
20. Bị cáo Lưu Tuấn Dũng, nguyên Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận 527 triệu đồng, 18 tháng tù.
21. Bị cáo Lý Tiến Hùng, nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, nhận 437 triệu đồng, 30 tháng tù.
Hình phạt bổ sung: mỗi bị cáo phải nộp 100 triệu đồng sung công quỹ Nhà nước. Cấm các bị cáo làm việc trong các cơ quan nhà nước trong 2 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.
Nhóm bị cáo tội "Đưa hối lộ":
1. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Công ty Bluesky, đưa hối lộ 100 tỷ đồng, 11 năm tù.
2. Bị cáo Lê Hồng Sơn, Công ty Bluesky, đưa hối lộ, 100 tỉ đồng, 10 năm tù.
3. Bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Công ty An Bình, đưa hối lộ 34,6 tỉ đồng, 7 năm
4. Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Công ty Hoàng Long, đưa hối lộ 27,8 tỷ đồng, 7 năm
5. Bị cáo Vũ Thùy Dương, Công ty Lữ hành Việt, đưa hối lộ 24 tỷ đồng, 3 năm tù, cho hưởng án treo.
6. Bị cáo Hoàng Anh Kiếm, lao động tự do, đưa hối lộ 22,8 tỷ đồng, 6 năm tù.
7. Bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy, Công ty ATA đưa hối lộ 11,8 tỷ đồng, 4 năm tù.
8. Bị cáo Võ Thị Hồng, Công ty Minh Ngọc, đưa hối lộ 10,9 tỷ đồng, 4 năm tù.
9. Bị cáo Lê Văn Nghĩa, Công ty Nhật Minh, đưa hối lộ 9,5 tỷ đồng, 3 năm tù.
10. Bị cáo Trần Thị Mai Xa, Công ty Masterlife, đưa hối lộ 8,1 tỷ đồng, 3 năm tù.
11. Bị cáo Lê Thị Ngọc Anh, nhân viên Vụ lễ tân Ban Đối ngoại Trung ương, đưa hối lộ 7,6 tỷ đồng, 3 năm tù.
12. Bị cáo Nguyễn Thị Hiền, lao động tự do, đưa hối lộ 4,1 tỷ đồng, 30 tháng tù.
13. Bị cáo Đào Minh Dương, Công ty Vijasun, đưa hối lộ 3,5 tỷ đồng, 3 năm tù.
14. Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh, Công ty G19, đưa hối lộ 3,1 tỷ đồng, 30 tháng tù.
15. Bị cáo Phan Thị Mai, Công ty Sao Hà Nội, đưa hối lộ 2,3 tỷ đồng, 30 tháng tù, cho hưởng án treo.
16. Bị cáo Vũ Minh Thắng, Công ty Thuận An, đưa hối lộ 2 tỷ đồng, 30 tháng cho hưởng án treo
17. Bị cáo Nguyễn Thế Dũng, Công ty Sang trọng, đưa hối lộ 1,6 tỷ đồng, 24 tháng cho hưởng án treo.
18. Bị cáo Trần Hồng Hà, Công ty Sao Việt đưa hối 1,6 tỷ đồng, 20 tháng tù cho hưởng án treo.
19. Bị cáo Phạm Bích Hằng, Công ty Vinamichi, đưa hối lộ 1,1 tỷ đồng, 20 tháng tù.
20. Bị cáo Trần Tiến, Công ty Phi trường đưa hối lộ 604 triệu đồng, 18 tháng, cho hưởng án treo.
21. Bị cáo Phạm Bá Sơn, nhân viên Công ty Thái Hòa, đưa hối lộ 520 triệu đồng, 18 tháng, cho hưởng án treo.
22. Bị cáo Tào Đức Hiệp, Công ty Công đoàn Đường sắt, đưa hối lộ 485 triệu đồng, 18 tháng tù, cho hưởng án treo.
23. Bị cáo Đào Thị Chung Thúy, lao động tự do, đưa hối lộ 437 triệu đồng, 15 tháng tù, cho hưởng án treo.
Hình phạt bổ sung: phạt tiền mỗi bị cáo 50 triệu đồng sung công quỹ. Miễn hình phạt này với bị cáo Lê Văn Nghĩa, Võ Thị Hồng, Đào Thị Chung Thúy vì tự thú về hành vi đưa hối lộ
Tội "Môi giới hối lộ"
1. Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, môi giới hối lộ 61,6 tỷ đồng, 5 năm tù.
2. Bị cáo Trần Quốc Tuấn, Công ty Vitrato, môi giới hối lộ 7,4 tỷ đồng, 3 năm tù.
3. Bị cáo Bùi Huy Hoàng, môi giới hối lộ 3,3 tỷ đồng,
4. Bị cáo Phạm Thị Kim Ngân, cán bộ Tạp chí Thanh tra Chính phủ, môi giới hối lộ 1,9 tỷ đồng, 15 tháng tù.
Hình phạt bổ sung, phạt tiền Nguyễn ANh Tuấn, Bùi Huy Hoàng 50 triệu đồng, sung công quỹ, miễn cho Trần Quốc Tuấn, Phạm Thị Kim Ngân
Tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"
1. Bị cáo Trần Việt Thái, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, 4 năm tù.
2. Bị cáo Nguyễn Lê Ngọc Anh, nguyên Bí thư thứ Hai, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, 30 tháng tù.
3. Bị cáo Nguyễn Hoàng Linh, nguyên Bí thư thứ Hai, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, 30 tháng tù.
4. Bị cáo Đặng Minh Phương, nguyên cán bộ Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, 18 tháng tù.
Các bị cáo này gây thiệt hại 10 tỉ đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung phạt tiền mỗi bị cáo 50 triệu đồng sung công quỹ Nhà nước, cấm các bị cáo làm việc trong các cơ quan nhà nước trong 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.
Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"
1. Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên, lừa đảo 800.000 USD, tương đương 18,8 tỷ đồng, tù chung thân.
2. Bị cáo Trần Minh Tuấn, Công ty Thái Hòa lừa đảo 5,6 tỉ đồng và đưa hối lộ 799 triệu đồng, 16 năm tù về tội lừa đảo và 2 năm tù tội đưa hối lộ, tổng hợp là 18 năm tù.