Vụ 'chuyến bay giải cứu': Bắt thêm 2 bị can, trong đó có chuyên viên Ban đối ngoại Trung ương

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi ở, làm việc của 2 bị can là ông Tào Đức Hiệp và bà Lê Thị Ngọc Anh.

Mới đây, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, quá trình mở rộng điều tra vụ án Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố, ngày 27/10, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi ở, làm việc thêm của 2 bị can.

Các bị can gồm: ông Tào Đức Hiệp (46 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch dịch vụ công đoàn Đường sắt Việt Nam) bị khởi tố về tội Đưa hối lộ; Bà Lê Thị Ngọc Anh (38 tuổi, Chuyên viên Phòng nhà khách, Vụ Lễ tân, Ban đối ngoại Trung ương) bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, Viện kiểm sát cũng đã phê chuẩn các quyết định trên.

Các bị can Tào Đức Hiệp (trái) và Lê Thị Ngọc Anh (Ảnh: Bộ Công an)

Các bị can Tào Đức Hiệp (trái) và Lê Thị Ngọc Anh (Ảnh: Bộ Công an)

Sau 8 tháng công an vào cuộc điều tra vụ án liên quan đến các chuyến bay giải cứu xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 24 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam.

Được biết, hơn một tháng qua, Cơ quan An ninh điều tra đề nghị các tỉnh thành cung cấp hồ sơ chi tiết việc lựa chọn khách sạn, resort là địa điểm cách ly, chủ trương xin cách ly của doanh nghiệp trên địa bàn và quá trình tổ chức chuyến bay đưa công dân về cách ly. Đồng thời, Bộ Công an cũng yêu cầu các địa phương cung cấp danh sách cá nhân tham gia quá trình xét duyệt hồ sơ như cán bộ đề xuất, ký trình, ký ban hành và người tham gia giải quyết từng hồ sơ của doanh nghiệp.

Trong số các bị can bị khởi tố, Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ có chuyên viên Nguyễn Mai Anh, chuyên viên Nguyễn Tiến Thân và Vụ trưởng Nguyễn Thanh Hải.

Bộ Ngoại giao có 5 bị can là Thứ trưởng Tô Anh Dũng; Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan; Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng; Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Lê Tuấn Anh và Phó trưởng Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Lưu Tuấn Dũng.

Bộ GTVT có một bị can đã bị khởi tố, điều tra là Ngô Quang Tuấn, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế.

Bộ Y tế có 2 bị can là Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ trang thiết bị công trình y tế và Bùi Huy Hoàng, chuyên viên Cục Y tế dự phòng.

Bộ Công an có 3 bị can là Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh và 2 cán bộ cục này là Vũ Sỹ Cường, Vũ Anh Tuấn.

Và, các công ty du lịch có 4 bị can liên quan vụ án.

Theo Bộ Công an, chương trình "giải cứu" công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài do dịch Covid-19 được thực hiện từ tháng 12/2020. Tổ công tác liên ngành (gồm 5 Bộ: Ngoại giao, Công an, Giao thông Vận tải, Y tế và Quốc phòng) đã tổ chức gần 2.000 chuyến trong thời gian đó. Có những chuyến bay "giải cứu" thu lợi bất chính vài tỷ đồng.

Ước tính số tiền thu lợi bất chính liên quan các chuyến bay giải cứu có thể tới hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vu-chuyen-bay-giai-cuu-bat-them-2-bi-can-trong-do-co-chuyen-vien-ban-doi-ngoai-trung-uong-224865.html