Vụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu Trợ lý nguyên Phó Thủ tướng thỏa thuận gì với doanh nghiệp?

Theo cáo trạng truy tố của Viện KSNDTC, trong thời gian từ tháng 3/2021 tháng 4/2021, bị can Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý nguyên Phó Thủ tướng đã nhận hối lộ 5 lần, tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng trong vụ 'chuyến bay giải cứu'.

Bị can Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý nguyên Phó Thủ tướng

Bị can Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý nguyên Phó Thủ tướng

Như Báo Công lý đã đưa tin, Viện KSNDTC vừa ban hành cáo trạng vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.

Theo đó, VKS truy tố 54 bị can, trong đó có bị can Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ) bị Viện KSNDTC truy tố tội “Nhận hối lộ”, theo quy định tại khoản 4 Điều 354 BLHS.

Thỏa thuận nhận 10.000 USD cho mỗi chuyến bay

Theo cáo trạng truy tố của Viện KSNDTC, bị can Nguyễn Quang Linh đã có hành vi nhận hối lộ hơn 4,2 tỉ đồng. Cụ thể, từ tháng 1/2021 – tháng 10/2021, Nguyễn Quang Linh được giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt chuyến bay.

Biết được vai trò của Linh, một số cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, đặt vấn đề nhờ Nguyễn Quang Linh xem xét, giúp giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép chuyến bay.

Ngày 8/12/2020, Công ty CP Du lịch Thương mại Lữ Hành Việt gửi hồ sơ đến Văn phòng Chính phủ (VPCP) xin tổ chức chuyến bay combo đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, nhưng không được các cơ quan chức năng cấp phép thực hiện chuyến bay, nên đầu năm 2021, Nguyễn Tiến Mạnh (Phó Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt) đã thống nhất với Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do), liên hệ với các cơ quan chức năng để xin cấp phép chuyến bay.

Thông qua giới thiệu, Hoàng Anh Kiếm liên hệ, gặp Nguyễn Quang Linh tại phòng làm việc của Linh ở VPCP để nhờ giúp đỡ, tác động, cấp phép cho Công ty Lữ Hành Việt được tổ chức chuyến bay.

Tuy nhiên, thời điểm này, do Chính phủ đang thực hiện chính sách giãn cách xã hội, hoãn các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước nên Linh đã trao đổi khi nào có chủ trương nối lại chuyến bay thì sẽ thông báo cho Kiếm biết.

Đến giữa tháng 3/2021, khi Chính phủ có chủ trương nối lại các chuyến bay, Linh chủ động trao đổi với Kiếm sẽ giải quyết cho phía Công ty Lữ Hành Việt tổ chức 2 chuyến bay để đánh giá về năng lực của Công ty và thỏa thuận với mức 10.000 USD/chuyến bay và hướng dẫn Kiếm chuẩn bị hồ sơ.

Sau khi Kiếm nộp hồ sơ, Linh chuyển hồ sơ cho Nguyễn Tiến Thân – chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt 2 chuyến bay cho Công ty Lữ Hành Việt. Cuối tháng 3/2021, Kiếm tiếp tục gặp, đặt vấn đề và được Linh giúp Công ty Lữ Hành Việt phê duyệt 16 chuyến bay.

Quá trình giúp Công ty Lữ Hành Việt được phê duyệt 18 chuyến bay, Nguyễn Quang Linh đã nhận hối lộ của Hoàng Anh Kiếm 4 lần. Hoàng Anh Kiếm khai đưa cho Nguyễn Quang Linh 320.000 USD, nhưng Linh khai chỉ nhận 180.000 USD.

Theo VKS, lời khai của Linh về số tiền đã nhận phù hợp với thỏa thuận giữa Linh và Kiếm là 10.000 USD/chuyến bay. Do vậy, VKS xác định tổng số tiền Nguyễn Quang Linh nhận hối lộ là 180.000 USD (tương đương hơn 4,1 tỉ đồng).

Ngoài ra, đầu tháng 4/2021, Nguyễn Mai Anh đã liên hệ, gặp và đưa 100 triệu đồng cho Nguyễn Quang Linh tại phòng làm việc của Linh để nhờ Linh trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt nhanh 10 chuyến bay cho Công ty ATA và Công ty Investco của Nguyễn Tường Vy.

Như vậy, VKS kết luận từ tháng 3/2021 – tháng 4/2021, Nguyễn Quang Linh đã nhận hối lộ 5 lần, tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, Nguyễn Quang Linh và gia đình đã nộp khắc phục số tiền trên 4,4 tỉ đồng.

Đề nghị xử lý cán bộ liên quan vụ chuyến bay giải cứu

Cùng trong vụ “chuyến bay giải cứu”, Viện KSNDTC đề nghị xử lý trách nhiệm của cán bộ liên quan.

Theo cáo trạng của Viện KSNDTC, trong vụ "chuyến bay giải cứu", ông Lê Dũng, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao đã được bị can Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH G19 nhờ và chuyển giúp túi quà cho ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhưng không biết trong túi quà có tiền và việc các đối tượng thỏa thuận đưa, nhận tiền, nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Viện KSNDTC cho rằng, cần kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm Đảng viên của ông Dũng theo quy định.

Đối với ông Đặng Đình Tuyến, Thư ký của cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã 3 lần nhận tổng số tiền 100 triệu đồng của bị can Phạm Bá Sơn, nhân viên Công ty CP Xây dựng Thái Hòa cảm ơn. Ông Tuyến nhận 3 phong bì từ ông Phạm Bá Sơn đưa cho ông Chử Xuân Dũng, nhưng Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an xác định, ông Đặng Đình Tuyến không biết việc đưa và nhận tiền của Phạm Bá Sơn và ông Chử Xuân Dũng, nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Viện KSNDTC cũng cho rằng cần kiến nghị xem xét, xử lý ông Sơn theo quy định của Đảng, pháp luật.

Đối với ông Mai Xuân Thái, Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ; ông Vũ Ngọc Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Thư ký Biên tập Văn phòng Chính phủ và bà Phan Vũ Thu Trang, Phó Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định, hành vi của những cá nhân này không liên quan đến hành vi phạm tội, nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Đối với một số cá nhân khác, trong đó có bà Trần Phi Nga, vợ cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; bà Nguyễn Bích Ngọc, mẹ vợ ông Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định, những người trên không biết việc đưa và nhận tiền hối lộ, nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Đối với Giám đốc, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã cho các bị can mượn pháp nhân để nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định, các cá nhân này không tham gia vào quá trình tổ chức chuyến bay, không bàn bạc và tham gia đưa nhận hối lộ trong quá trình xin cấp phép chuyến bay, nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Theo cáo buộc, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về để phòng chống dịch.

Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số Bộ, ngành và địa phương thực hiện chủ trương này.

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2000- 12/2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ hơn 164 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Mạnh Hùng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/vu-chuyen-bay-giai-cuu-cuu-tro-ly-nguyen-pho-thu-tuong-thoa-thuan-gi-voi-doanh-nghiep-375640.html