Vụ 'chuyến bay giải cứu': Doanh nghiệp lúng túng khi tổ chức các chuyến bay?

Bào chữa cho bị cáo tại tòa, luật sư cho rằng trong bối cảnh đặc biệt đó, các doanh nghiệp đã lúng túng khi triển khai các chuyến bay.

Sáng 20.7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” tiếp tục diễn ra tại TAND TP.Hà Nội với phần tranh luận. Theo đó, các bị cáo trong nhóm tội “Đưa hối lộ” đã thực hiện quyền tự bào chữa và luật sư của họ cũng đưa ra các luận cứ mong HĐXX cân nhắc, xem xét.

Đưa hối lộ trong bối cảnh rất đặc biệt

Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty An Bình) cho biết doanh nghiệp đã lúng túng khi triển khai các chuyến bay. Khi đó, trong tình hình dịch bệnh khó khăn, các chuyến bay mà Công ty An Bình và Hoàng Diệu Mơ tổ chức đã đưa công dân về nơi cách ly an toàn.

Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: N.A

Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: N.A

Theo luật sư, đó là sự nỗ lực rất lớn; từ đó vị luật sư đề nghị VKS và HĐXX áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ với Hoàng Diệu Mơ bởi hiện nay bà Mơ đang phải điều trị bệnh. Ngoài ra, luật sư mong HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo Mơ được ủy quyền cho người nhà để thực hiện các giao dịch dân sự của công ty.

Luật sư của bị cáo Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ phòng vé hàng không Minh Ngọc) cho biết với thực thế khó khăn của tình hình COVID-19 lúc bấy giờ, khi Chính phủ cho thực hiện chuyến bay combo thì doanh nghiệp như “trời hạn gặp cơn mưa rào”.

Theo luật sư, đa số những người đưa hối lộ đều không muốn phải đưa tiền, đây là việc bất khả kháng và do có quá nhiều cơ quan được tham gia vào việc tổ chức chuyến bay. Trong đó, bị cáo Hồng từng nộp 4 bộ hồ sơ lên Văn phòng Chính phủ nhưng không được phê duyệt, nộp 3 bộ hồ nộp ở Tổ 5 Bộ nhưng cũng không được nhận. Và rồi, phải “nghe đâu đấy” để ngày hôm nay phải đứng trước phiên tòa này.

Luật sư cũng mong VKS, HĐXX đánh giá mức độ, đặc biệt xem xét đến tình tiết “bị cáo tự thú”; họ đưa hối lộ trong bối cảnh rất đặc biệt.

Tự bào chữa, bị cáo Hồng cho biết lúc đó bản thân rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan; bị cáo và các đồng nghiệp rất mong được đánh giá thấu đáo, công tâm để nhận được hình phạt khoan hồng.

Trong vụ án này, Võ Thị Hồng bị xác định đưa hối lộ 21 lần, tổng số hơn 10,9 tỉ đồng; Hoàng Diệu Mơ bị xác định đưa hối lộ 41 lần, tổng số 34,6 tỉ đồng.

Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: N.A

Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: N.A

Nghẹn ngào xin khoan hồng

Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (Phó giám đốc Công ty Lữ Hành Việt) cho biết những công dân đi chuyến bay của Công ty Lữ Hành Việt rất tin tưởng vào chính sách pháp luật của Đảng; sau đó, bị cáo được nhiều công dân, đối tác đăng ký chuyến bay của Lữ Hành Việt. Để thuận lợi cho những chuyến bay sau, bị cáo chuẩn bị rất kỹ lưỡng và ưu tiên cho những người đặc biệt (người già, người có bệnh nền…).

“Thời điểm đó rất khắc nghiệt. Bị cáo quyết tâm cố gắng xin bằng được chuyến bay đó. Bị cáo chỉ thông qua Hoàng Anh Kiếm để xin cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước. Sau đó tôi mới biết Kiếm dùng 1 phần tiền để đưa hối lộ”, Mạnh nói.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Mạnh không chỉ mong HĐXX công minh, công tâm để giảm nhẹ hình phạt cho mình mà còn xin xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Vũ Thùy Dương – người Mạnh gọi là vợ bởi Dương là người lệ thuộc và làm theo sự chỉ đạo. “Chính bị cáo đã đẩy vợ của mình vào con đường phạm tội dù vô tình”, Mạnh nói với giọng nghẹn ngào.

Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh - Ảnh: N.A

Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh - Ảnh: N.A

Đứng trước tòa, bị cáo Mạnh tha thiết mong HĐXX rộng lượng khoan hồng cho Dương được ở ngoài xã hội, đảm bảo nghĩa vụ của mẹ đối với con, của con đối với cha mẹ…

Kết lại phần tự bào chữa, bị cáo Mạnh cho biết trong suốt 2 năm dịch bệnh, toàn bộ nhân viên công ty không đòi hỏi gì mà vẫn lao động làm việc để lo cho gia đình họ. Bị cáo nhận thấy bản thân đang nợ những con người đó và mong vợ được ở ngoài, cùng họ làm việc lo toan cho cuộc sống.

Theo cáo trạng, Nguyễn Tiến Mạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury), cùng với Vũ Thùy Dương (bạn Mạnh) thành lập Công ty Lữ Hành Việt, giao cho Vũ Thùy Dương đứng tên làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật.

Do không được chấp thuận xin tiếp tục thực hiện các chuyến bay, Mạnh bàn bạc với Hoàng Anh Kiếm để Công ty Lữ Hành Việt được Chính phủ cấp phép thực hiện chuyến bay. Kiếm đồng ý giúp và thống nhất chia lợi nhuận sau khi thực hiện chuyên bay và Vũ Thùy Dương là người chuyển tiền.

VKS xác định tổng số tiền Nguyễn Tiến Mạnh đã đưa hối lộ là hơn 27,8 tỉ đồng; Vũ Thùy Dương đã đưa hối lộ hơn 24,2 tỉ đồng; Hoàng Anh Kiếm đã đưa hối lộ hơn 22,8 tỉ đồng.

“Doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin – cho”

Trước đó, trong phần tự bào chữa, bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Blue Sky) cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin – cho, nạn nhân của văn hóa phong bì, nạn nhân của thiếu hiểu biết. Theo bị cáo Sơn, dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn, vỡ nợ, Công ty Blue Sky không nằm ngoài vòng xoáy này.

Năm 2020, Công ty Blue Sky được Vietnam Airlines lựa chọn thực hiện 10 chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ Mỹ về nước. Từ việc biết được nhiều người xa gia đình, vì chậm chuyến bay mà mẹ không gặp con, cháu không gặp bà, đã thôi thúc bị cáo thực hiện càng nhiều chuyến bay giải cứu càng tốt.

Trước tòa, bị cáo Sơn thừa nhận việc hối lộ để được cấp phép các chuyến bay giải cứu. Theo bị cáo, thời gian thực hiện các chuyến bay giải cứu, bị cáo và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky) thống nhất "mềm" về việc nữ cấp phó lo việc xin cấp phép, còn bị cáo tham gia xây dựng, phát hành chuyến bay và khảo sát lưu trú cho công dân khi về nước. Vì vậy bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để có thể sớm trở về.

Bào chữa cho bị cáo Sơn, theo luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), giá vé cao, ngoài việc phải cộng thêm khoản tiền đưa hối lộ, doanh nghiệp còn phải cộng thêm nhiều chi phí khác do ảnh hưởng của dịch bệnh, như chi phí tàu bay một chiều, chi phí cách ly, chi phí xét nghiệm ở nước ngoài và tại Việt Nam, chi phí ăn ở, đưa đón, lưu trú…

Theo luật sư, rõ ràng là bị cáo Sơn, Hằng đã phạm tội "Đưa hối lộ", nhưng hành vi phạm tội của họ xuất phát từ những khó khăn mà không phải do họ tự gây ra. Xét cho cùng, ở một góc độ nào đó, họ cũng là nạn nhân của cơ chế xin - cho trong vụ án này.

Ngoài ra, luật sư cho rằng mặc dù bị cáo Sơn đưa tiền nhiều nhất nhưng cũng đón được nhiều công dân trở về nước nhất, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ nhất và được xác định là tự thú. Do đó, luật sư Thanh đề nghị cần phải đề xuất Sơn ở mức thấp hơn.

Nhã Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vu-chuyen-bay-giai-cuu-doanh-nghiep-lung-tung-khi-to-chuc-cac-chuyen-bay-202400.html