Vụ chuyến bay giải cứu: Những lá đơn tố cáo cán bộ
Quá trình điều tra vụ án 'chuyến bay giải cứu', Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã làm rõ, hàng loạt cán bộ cao cấp của Bộ Ngoại giao, của lực lượng công an đã ăn chia và chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của người mãn hạn tù và đại diện doanh nghiệp.
Nhóm cán bộ Đại sứ quán chiếm hưởng 5,4 tỷ đồng
Ngày 31/3/2022, Cơ quan An ninh điều tra nhận được đơn ông V.M. (cư trú tại Malaysia) tố cáo nhóm cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thu tiền trái quy định của những người là công dân Việt Nam chấp hành xong án phạt tù (người mãn hạn tù) đang ở trong các trại chờ của Malaysia.
Từ đơn của ông M., cơ quan điều tra làm rõ, từ tháng 5/2020 - 1/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tổ chức 21 chuyến bay giải cứu, trong đó có 8 chuyến đưa 1.891 người mãn hạn tù ở 19 trại chờ tại Malaysia về nước, cách ly tại các cơ sở tập trung của quân đội.
Theo cơ quan điều tra, để tổ chức 8 chuyến bay nói trên, bị can Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, đã phân công bị can Nguyễn Hoàng Linh (Bí thư thứ 2 phụ trách văn hóa, báo chí, cộng đồng) và bị can Nguyễn Lê Ngọc Anh (Bí thư thứ 2 phụ trách công tác bảo hộ công dân) đi khảo sát các trại chờ, xây dựng kế hoạch, phương án, đề xuất kinh phí, mức thu, chi...
Riêng bị can Đặng Minh Phương (cán bộ kế toán) cùng hai bị can Ngọc Anh và Linh giám sát quản lý thu, chi kinh phí tổ chức chuyến bay; các cán bộ còn lại của Đại sứ quán phối hợp hỗ trợ một số công việc, như: cùng đi thăm trại chờ, trực tiếp phỏng vấn người mãn hạn tù; xác minh nhân thân, làm thủ tục cấp hộ chiếu; cho họ liên lạc điện thoại với gia đình, chủ lao động để nộp tiền làm thủ tục về nước...
Cơ quan An ninh điều tra cáo buộc, sau khi khảo sát tại các trại chờ, các bị can Ngọc Anh, Linh và Phương thống nhất đề xuất ông Thái thu của mỗi người mãn hạn tù 20,3 triệu đồng; đối với những người không có hộ chiếu, thu gần 25 triệu đồng; người ở đảo xa cần mua vé máy bay về thủ đô, thu 30 - 35 triệu đồng.
Sau khi thống nhất mức thu, ông Thái ký công hàm để hai bị can Ngọc Anh và Linh cùng cán bộ Đại sứ quán trực tiếp đến các trại chờ lập danh sách công dân Việt Nam, làm thủ tục cấp hộ chiếu rút gọn; đồng thời cho liên lạc điện thoại để người thân hoặc chủ lao động nộp tiền cho họ về nước. Tiền sẽ nộp vào tài khoản của bị can Ngọc Anh mở tại ngân hàng Techcombank hoặc tài khoản tại Ngân hàng CIMB Malaysia của người có tên As Na Huy, để nhận tiền Ringgit (Malaysia) theo yêu cầu của Đại sứ quán.
Theo cơ quan điều tra, tổng số tiền thu được của người thân hoặc chủ lao động của người mãn hạn tù qua các tài khoản ngân hàng là 44,6 tỷ đồng. Số tiền này, các bị can sử dụng 33 tỷ đồng chi phí cho việc tổ chức 8 chuyến bay, như: thanh toán vé; nộp ngân sách lệ phí cấp hộ chiếu; đưa bồi dưỡng cho cán bộ các trại chờ của Malaysia và xét nghiệm COVID-19.
Còn lại 11,6 tỷ đồng, bị can Trần Việt Thái khai đã chỉ đạo sử dụng hơn 1,1 tỷ đồng chi hỏa táng cho những người mãn hạn tù tử vong vì COVID-19 nhưng việc hỏa táng này cơ quan điều tra xác định đã diễn ra trước khi thực hiện các chuyến bay giải cứu, nên không được chấp nhận.
Ngoài 4 bị can bị đề nghị truy tố, cơ quan điều tra cho hay, những cán bộ còn lại của Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia đều nhận được tiền bồi dưỡng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý trong giai đoạn sau.
Ông Thái còn chỉ đạo sử dụng hơn 5,4 tỷ đồng chi cho cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, trong đó, cá nhân ông Thái hưởng 580 triệu đồng; hai bị can Ngọc Anh và Linh, mỗi người hưởng 480 triệu đồng; bị can Phương hưởng 220 triệu đồng... Còn 5 tỷ đồng, ông Thái giao cho thủ quỹ Dương Hương Ly quản lý, bà Ly đã nộp khắc phục hậu quả.
“Quá trình tổ chức 8 chuyến bay đưa người mãn hạn tù về nước, bị can Trần Việt Thái đã chỉ đạo Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương thu tiền của công dân qua tài khoản của cá nhân, không thông qua tài khoản của Đại sứ quán và tài khoản quỹ Bảo hộ công dân theo quy định; thu tiền cao hơn chi phí thực tế, sau đó sử dụng một phần để chia nhau hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại tài sản 11,6 tỷ đồng”, cơ quan điều tra kết luận và đề nghị truy tố 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Chiếm đoạt hàng triệu USD của đại diện doanh nghiệp
Bên cạnh lá đơn tố giác nhóm cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, quá trình điều tra vụ án chuyến bay giải cứu, ngày 25 và 26/12/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an còn nhận được đơn tố cáo của bị can Lê Hồng Sơn, nguyên Tổng Giám đốc và Nguyễn Thị Thanh Hằng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và Du lịch Bầu Trời Xanh (Công ty Bluesky), tố cáo ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền để “lo” cho bà Hằng và ông Sơn không bị xử lý hình sự.
Căn cứ kết quả điều tra, xác minh, ngày 6/1/2023, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại thành phố Hà Nội; đồng thời, ra quyết định nhập vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại thành phố Hà Nội với vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, và một số tỉnh, thành phố để điều tra.
Quá trình điều tra, các bị can Hằng và Sơn khai có 13 lần đưa cho ông Tuấn tổng cộng 2,65 triệu USD (tương đương 61,6 tỷ đồng). Ông Tuấn khai, giữ lại 400.000 USD, đã đưa 2,25 triệu USD còn lại cho bị can Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng điều tra thuộc Cục An ninh điều tra Bộ Công an để “lo” cho ông Sơn, bà Hằng.
Dù ông Hưng khai không nhận bất kỳ khoản nào, song Cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định ông Hưng nhận 800.000 USD của bà Hằng thông qua ông Tuấn. Hơn 1,4 triệu USD đến nay chưa được làm rõ.
Với những sai phạm trên, bà Hằng, ông Sơn bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ”; ông Tuấn bị đề nghị truy tố về tội “Môi giới hối lộ”, còn ông Hưng bị đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.