Vụ Cty TDS - Trường Newton: Đối chất về hình ảnh bà Phương - Dung bắt tay ký hợp đồng
Tại phiên phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại giữa Công ty TDS và Trường Newton, hai bà Trần Kim Phương và bà Lê Thị Bích Dung đã có phần đối chất 'nảy lửa' khi tòa công khai tài liệu được bà Phương bổ sung, thể hiện nội dung hai bà vui vẻ bắt tay nhau ký kết các hợp đồng ngày 10/7/2018.
Hai bà Phương - Dung ký các hợp đồng, bắt tay nhau vui vẻ?
Sáng ngày 30/11, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã mở lại phiên phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại “tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư” giữa Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục TDS (gọi tắt Công ty TDS) - Người đại diện theo pháp luật là Bà Trần Kim Phương giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trường THCS - THPT Newton (gọi tắt Trường Newton) - Người đại diện theo pháp luật là Bà Lê Thị Bích Dung giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tại phiên tòa, bà Trần Kim Phương khẳng định đến thời điểm này bà tham dự phiên tòa chưa bao giờ lấy tư cách cá nhân, đồng thời bà cũng đã nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án là hai vi bằng được lập.
Cụ thể, với vi bằng đầu tiên bà Kim Phương cho biết xuất phát từ thông tin bà Bích Dung cho rằng bị phía bà đe dọa, treo băng rôn, đổ đất cát vào Trường Pascal nên mới ký một loạt văn bản chuyển nhượng cổ phần Trường Pascal. Tuy nhiên, nội dung trong vi bằng thể hiện bà Dung đã tự nguyện ký kết các hợp đồng hôm 10/7/2018 tại tòa nhà TH1 chứ không ai ép buộc.
Các hợp đồng được ký lần lượt là: Hợp đồng trả 13,09% cổ phần của Công ty TDS từ trường Newton cho bà Phương; Hợp đồng cho thuê cơ sở vật chất số 05; Thanh lý hợp đồng hợp tác với Công ty Khai Phát; Biên bản thỏa thuận cách giải quyết thuế VAT.
Nội dung vi bằng được lập còn cho thấy, hình ảnh lúc đang ký và ký xong các hợp đồng, hai bà Kim Phương và Bích Dung rất vui vẻ, họ còn cười rất tươi cùng nhau bắt tay trước sự chứng kiến của luật sư, bà Ngân Hoa, bà Nguyễn Minh Tín, ông Lê Văn Vàng và một số cán bộ nhân viên của hai bên.
Được HĐXX mời dứng dậy, đối chất các nội dung nêu trên, bà Lê Thị Bích Dung lại khá lúng túng cho biết, bản thân không biết ảnh này bà Phương chụp lúc nào, không thể xác định, còn việc ký hợp đồng hôm ấy là có. Buổi này là “họp phụ huynh học sinh”?
Ngay sau đó, Chủ tọa phiên tòa đã đọc công khai nội dung vi bằng về nội dung trên trước Tòa.
Tài liệu, chứng cứ tiếp theo là vi bằng mà bà Nguyễn Thu Hường (cổ đông của Newton) lập được bà Kim Phương nộp. Nội dung thể hiện, bà Hường thấy bất công về vụ án tranh chấp Cty TDS - Trường Newton vì bà Dung “gian dối” nhiều nên đã lập vi bằng toàn bộ các nội dung Email mà bà Dung chuyển cho bà Hường nhằm khẳng định, bà Dung đều thông báo/đáp nội dung cần làm đối với bà Phương cho bà Hường,…
Đối chất lại nội dung vi bằng, bà Dung vẫn cho rằng, bị ép ký các hợp đồng?
HĐXX cho biết, nội dung hai vi bằng nêu trên sẽ được HĐXX nghiên cứu, xem xét.
Cổ đông TDS đề nghị HĐXX làm rõ nhiều vấn đề
Trình bày tại phiên tòa, bà Nghiêm Nhật Anh (cổ đông Công ty TDS) cho rằng, xuất phát điểm của vụ kiện là bên này đã trả tiền cho bên bà Dung, nhưng bên kia chưa trả hóa đơn 44,2 tỷ đồng.
“Kể cả dựa trên công văn mà Thẩm phán gửi cho Công an quận Bắc Từ Liêm, chúng ta lại đi trả lời một câu hỏi: “Có bị uy hiếp hay không”?, trong khi nội dung này lại nằm trong đơn phản tố quá thời hạn đến 5 tháng. Câu chuyện “có uy hiếp hay không” lại chiếm tới 70% phần tranh luận”, bà Nghiêm Nhật Anh nói.
Theo bà Nhật Anh, qua quá trình tranh tụng ở tòa bà khẳng định ngay từ hợp đồng đầu tiên giữa bà Phương và bà Dung đã vi phạm pháp luật.
“Bên này nói rằng bà Dung không chuyển được 49% Pascal nữa vì những cổ đông của bà Dung không đồng ý, dù bà Dung đã ký trong hợp đồng. Trong hợp đồng cũng nói rõ bà Dung có trách nhiệm thuyết phục các cổ đông kia. Hợp đồng này là vô hiệu, tôi đồng ý. Đến phần bên này (bà Phương) chuyển đất, cũng một kịch bản như thế, cũng tự bà Phương đi bán thì tòa lại giữ nguyên?”, - bà Nhật Anh thắc mắc.
Bà Nhật Anh cho rằng: “Tiền phía chúng tôi đã trả, sau đấy phía bà Dung tự động lại chuyển ngược lại. Nhưng chúng tôi đã có công văn gửi Ngân hàng là không lấy, bởi vì số tiền này không liên quan đến hợp đồng nào cả. Ngân hàng không xử lý, sau đó chúng tôi ra ngân hàng chuyển thì đóng tài khoản, có biên bản tại ngân hàng chúng tôi đã nộp cho tòa.
Đến ngày hôm nay, chúng tôi mới thấy được tài khoản nhưng cũng đã chuyển ngược lại rồi. Thực tế, của ai đã về người đấy nên tôi đề nghị Tòa xem xét những gì của ai thì bảo vệ cho họ”.
Từ các quan điểm trên, bà Nhật Anh đề nghị HĐXX làm rõ: “Việc phía bà Dung chưa trả hóa đơn VAT. Thứ hai, nếu vô hiệu điều khoản bà Dung chuyển cổ phần trường cho chúng tôi, kịch bản chúng tôi ngược lại, Tòa có xử lý hay không? Có vô hiệu toàn bộ hợp đồng mà rõ ràng từ luật doanh nghiệp, từ luật hợp tác đến luật đất đai hợp đồng đều vi phạm?
Tại phiên tòa sáng nay, đại diện VKSND TP. Hà Nội cũng đã trình bày quan điểm. HĐXX cho biết, sau phần nghị án, đến 15h chiều nay Tòa sẽ đưa ra phán quyết.