Vụ cướp bảo tàng táo tợn và bí ẩn
Rạng sáng 18/3/1990, một vụ cướp táo tợn xảy ra tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston, bang Massachusetts của Mỹ. Hai người đàn ông mặc sắc phục cảnh sát đã khống chế nhân viên bảo vệ, rồi tiến hành lục soát, lấy đi một số tác phẩm hội họa vô giá… Cho đến nay, danh tính của kẻ cướp cũng như tài sản nghệ thuật bị chúng lấy đi vẫn trong vòng bí ẩn.
Nhà sưu tập lập bảo tàng
Bảo tàng trên được thành lập bởi Isabella Stewart Gardner, chuyên gia sưu tập các tác phẩm nghệ thuật và nhà từ thiện nổi tiếng của Mỹ. Bà sinh ngày 14/4/1840, tại thành phố New York, trong một gia đình buôn vải lanh giàu có. Khi trưởng thành, Isabella luôn được tiếp xúc với mỹ thuật, âm nhạc và khiêu vũ.
Bà được gia đình cho theo học tại một trường danh tiếng của Mỹ ở Paris và đi du lịch vòng quanh châu Âu để khám phá những công trình rực rỡ của thời kỳ Phục Hưng Italy. Isabella trở lại New York vào năm 1858, sau đó chuyển đến sống Boston.
Năm 1860, bà kết hôn với một trong những thanh niên mẫu mực nhất của Boston, John Lowell “Jack” Gardner Jr. Hai người có một con trai nhưng chết sau đó vì bệnh viêm phổi khi mới hai tuổi.
Năm 1866, Isabella bị sẩy thai và được các bác sĩ cho biết, bà sẽ không thể sinh con được nữa. Quá đau buồn, bà sống một cuộc sống ẩn dật và ngày càng ốm yếu. Các bác sĩ lúc ấy gợi ý, một chuyến đi đến châu Âu có thể cải thiện sức khỏe của bà, vì vậy, Isabella và Jack lên tàu đến Paris.
Thực sự, Paris có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe của Isabella, và khi tâm trạng bắt đầu tốt hơn, bà háo hức trở về nhà ở Boston để xây dựng hình ảnh bản thân như một người danh giá trong xã hội.
Sau cái chết của người cha vào năm 1891, Isabella sử dụng tài sản thừa kế của mình để sưu tập những tác phẩm mỹ thuật. Một trong những thương vụ đầu tiên của bà là mua được tác phẩm nổi tiếng The Concert của danh họa người Hà Lan, Johannes Vermeer. Sau đó, Gardner đến Venice, Paris và một số nơi ở châu Á, Trung Đông để tìm kiếm thêm các tác phẩm bổ sung vào bộ sưu tập ấn tượng của mình.
Sau khi người chồng qua đời vào năm 1898, Isabella quyết định theo đuổi ước mơ xây dựng một viện bảo tàng để lưu trữ bộ sưu tập của mình “cho sự giáo dục và thưởng thức của công chúng mãi mãi”.
Tòa nhà bảo tàng tuyệt đẹp được lấy cảm hứng từ một cung điện Venice thế kỷ 15. Nó bao gồm một sân vườn được bao quanh bởi kính, ba tầng dành cho không gian trưng bày và một phòng âm nhạc - tất cả đều được thiết kế cẩn thận để trưng bày bộ sưu tập theo phương pháp chiết trung của riêng Isabella. Bảo tàng mở cửa vào ngày 1/1/1903 và vẫn hoạt động theo tầm nhìn xuất chúng của Isabella rất lâu sau khi bà qua đời vào năm 1924.
Vụ cướp táo tợn
Vào rạng sáng 18/3/1990, hai người đàn ông trong trang phục cảnh sát xuất hiện bên ngoài bảo tàng. Lúc đó, hai nhân viên bảo vệ là Rick Abath và Randy Hestand đang thực thi nhiệm vụ.
Trong khi Hestand ở phòng điều hành, Abath bắt đầu đi tuần tra các phòng trưng bày và phát hiện tiếng chuông báo cháy ở nhiều nơi. Nghĩ đó là một sự cố, anh ta đi đến bảng điều khiển báo cháy và tắt chúng đi.
Trước khi hoàn thành cuộc tuần tra, Abath dừng lại ở lối vào bên cạnh bảo tàng, mở cửa quan sát rồi đóng lại. Không ai biết tại sao anh ta lại làm điều này. Lúc đó, những tên cướp dừng xe của chúng ở lối vào này và bấm còi, tự xưng là cảnh sát đang đến điều tra một vụ gây rối.
Abath và Hestand nhìn thấy cả hai ăn mặc như cảnh sát qua camera an ninh nên cho chúng vào. Ngay lập tức họ bị khống chế, còng tay và dán băng keo ở miệng, sau đó bị đưa xuống xích vào một đường ống ở tầng hầm. Hai kẻ cướp tuyên bố: “Các quý ông, đây là một vụ cướp!”.
Đến hiện trường sau khi bọn cướp đã tẩu thoát, cảnh sát đã dựng lại diễn biến vụ cướp như sau: Đầu tiên chúng bước vào Phòng Hà Lan, chộp lấy bức The Storm on the Sea of Galilee và A Lady and Gentleman in Black của Rembrandt trên tường ném xuống sàn, làm vỡ kính khung.
Sau đó, chúng lấy một con dao và cắt các tấm tranh ra. Chúng cũng đánh cắp một bức chân dung tự họa của Rembrandt, The Concert của Vermeer, và bức tranh Landscape with Obelisk của Govert Flinck vẽ năm 1683, đồng thời lấy đi một chiếc bình Trung Quốc cổ.
Tại Phòng trưng bày, chúng lấy 5 bản phác thảo của Degas. Bức Chez Tortini của danh họa Édouard Manet cũng bị đánh cắp khỏi Phòng Xanh ở tầng một. Sau đó, chúng gỡ băng ghi hình an ninh và dữ liệu được ghi lại bởi máy phát hiện chuyển động nhưng quên lấy ổ cứng sao lưu dữ liệu.
Cuối cùng, sau 81 phút bên trong bảo tàng, hai tên cướp đã ra khỏi cửa phụ và lên xe phóng đi với các tác phẩm nghệ thuật trị giá 500 triệu USD ở hàng ghế sau.
Bặt vô âm tín
Theo di chúc của Isabella Stewart Gardner, không được phép chuyển đi bất cứ thứ gì trong bộ sưu tập của bảo tàng. Tôn trọng mong muốn của người sáng lập, người ta đặt những khung trống của các kiệt tác bị đánh cắp vào vị trí như cũ. Đây được xem là lời nhắc nhở về những mất mát mà bảo tàng đã phải gánh chịu, và hy vọng một ngày nào đó những bức tranh sẽ được đưa trở lại vào khung.
Sau vụ trộm, FBI đã công bố nhiều thông tin về những tên cướp, cùng với phần thưởng 5 triệu USD ban đầu cho việc thu hồi an toàn các bức tranh. Những nhà điều tra cho rằng, vụ trộm đã được lên kế hoạch và thực hiện bởi một tổ chức mafia ở Boston.
Vào tháng 3/2013, FBI thông báo họ đã xác định thủ phạm là thành viên băng nhóm tội phạm Merlino, chúng đã chuyển các tác phẩm nghệ thuật đến Connecticut và Philadelphia, tìm cách tiêu thụ vào năm 2002.
Tuy nhiên, dù đưa ra nhiều giả thuyết, tiến hành điều tra sâu rộng sau vụ cướp, nhưng tất cả đều đưa đến ngõ cụt. Hiện nay, Bảo tàng Gardner đã tăng giải thưởng lên 10 triệu USD cho ai thu hồi được các tác phẩm quý giá này.
Theo Thevintagenews
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vu-cuop-bao-tang-tao-ton-va-bi-an-post601136.html