Vụ cướp 'có một không hai' và kẻ gây án dị thường
Sau khi gây ra vụ cướp giữa ban ngày tại khu vực phố cổ ở Hà Nội, đối tượng đã tỏ ra chấp hành khi lực lượng công an xuất hiện và khống chế y. Sau đó, kẻ gây án đã 'thú nhận' về mục đích đi cướp, cùng những kế hoạch dị thường, khiến vụ án này trở nên 'có một không hai'.
Dùng dao để cướp tiền, chấp hành khi bị bắt
Vào 14h ngày 26-7-2019, Nguyễn Đức Tuân (SN 1981, quê ở xã Sông Khoai, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) đi vào một siêu thị nhỏ trên phố Phủ Doãn (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lúc này, siêu thị chỉ có một nữ nhân viên bán hàng là chị Nguyễn H.
Tuân đi qua các dãy hàng hóa, xem xét rồi chọn một chiếc bàn chải đánh răng để mang ra quầy thanh toán. Trong khi chị H đang lấy tiền trả lại thì Tuân bất ngờ rút ra một con dao dài khoảng 20cm, dí vào cổ nữ nhân viên, yêu cầu đưa hết tiền trong ngăn kéo.
Hoảng sợ, chị H đã lấy ra 1.150.000 đồng để đưa cho Tuân. Điều kỳ lạ là sau đó, tên cướp đã để cho nữ nhân viên đi ra ngoài để hô hoán, còn y cố thủ phía trong cửa hàng...
Ngay sau vài tiếng hô "Cướp! Cướp!" của chị H, tổ công tác của CAP Hàng Trống đang đi tuần tra đã kịp thời lao vào khống chế đối tượng manh động. Theo một cán bộ công an trực tiếp tham gia tại hiện trường, Tuân tỏ ra chấp hành, không có hành vi chống cự.
Những toan tính dị thường của kẻ gây án
Có mặt ngay sau khi Nguyễn Đức Tuân bị công an bắt giữ, PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi ngắn với nghi phạm này, qua đó ghi nhận những kế hoạch dị thường tới mức khó tin của y.
Tuân kể, anh ta cảm thấy vô cùng buồn chán "chuyện gia đình" (Tuân không nói rõ đó là chuyện gì, song anh ta khẳng định không liên quan việc tình cảm, vì Tuân chưa có vợ con, cũng chưa có bạn gái).
Đối tượng này đã có 8 năm làm việc tại Trung Quốc, và ngay khi còn ở trên đất khách, anh ta đã nuôi ý định tự tử vì không còn tìm thấy niềm vui, lẽ sống trong cuộc đời.
Nghĩ là làm, Tuân thử vài cách tự kết liễu cuộc sống khác nhau, nhưng đều bất thành - mà do anh ta giải thích là "không hiểu nổi tại sao không thể chết".
Sau đó, khi về Việt Nam, Tuân đã ra Hà Nội và tìm đến các bệnh viện để xin hiến tạng. Song chứng kiến lời đề nghị bất thường của người đàn ông này (xin hiến toàn bộ máu và bất kỳ bộ phận cơ thể nào dùng được, và hiến ngay lập tức), các cán bộ bệnh viện đã phải lắc đầu từ chối.
Quá buồn chán với dự định này, Tuân đã vạch ra 2 kế hoạch khác: Đi cướp để được... ngồi tù, hoặc gây án nghiêm trọng hơn nữa để bị xử thật nặng.
Cảnh giác trước hiểm họa từ người có thần kinh bất thường
Với những gì đã diễn ra, khó có thể nói rằng, Nguyễn Đức Tuân là... người bình thường. Trao đổi với PV Báo ANTĐ, một chuyên gia về sức khỏe tâm thần nhận định, qua video clip ghi lại cuộc trao đổi giữa PV với nghi phạm, có thể thấy rõ sự bất thường của kẻ gây án.
"Để xác định rõ hơn tình trạng của anh ta, cần hỏi thêm một vài câu như: Có tiếng nói trong đầu xui khiến hay thúc giục những việc làm đó không? Có muốn chứng minh là mình là người nổi tiếng hay vì cái gì khác? Những câu hỏi về quá trình làm việc ở nước ngoài và chi tiết kế hoạch dị thường... ", vị chuyên gia cho biết.
Như chính lời Nguyễn Đức Tuân nói, nếu như hai phương án hiến tạng và tìm cách đi tù của anh ta bất thành, thì người này sẽ thực hiện tội ác nghiêm trọng hơn, miễn là bị xử nặng (?!). Đó chắc chắn là mối hiểm họa không thể xem thường.
Trước đó, chỉ trong vòng vài ngày đầu tháng 5-2019, trên địa bàn quận Hoàng Mai đã xảy ra 2 vụ sát hại người thân rất bất ngờ và đau lòng.
Trong đó, Phạm Hữu Đạt (SN 1986) đã dùng dao sát hại cha ruột là ông Phạm U. (SN 1950) tại nhà riêng trong ngõ 108 phố Mai Động. Và vụ án ông Nguyễn Xuân Tân (SN 1955, tạm trú tại phố Ngũ Nhạc, phường Thanh Trì) sát hại vợ là bà Đào T (SN 1958).
Ở cả 2 vụ án đó, các nghi phạm đều bị xác định có sự bất thường trong sức khỏe tâm thần. Tại cơ quan công an, họ không hề tỏ ra hối lỗi với hành vi đã gây ra, và đều tìm cách lý giải dị thường.
Trở lại vụ án cướp tài sản do nghi phạm Nguyễn Đức Tuân gây ra ở trên, PV đã trực tiếp chứng kiến phần trao đổi "có vẻ" rất bình thường của y. Tuân kể câu chuyện với thái độ bình thản, đôi lúc nhiệt tình và ra vẻ "tâm huyết". Tuy nhiên, chỉ cần lắng nghe những suy nghĩ đó, bất kỳ người bình thường nào cũng dễ nhận ra điều bất thường trong đó.
Rõ ràng, việc nhìn nhận và có chính sách kiểm soát, giải quyết tình trạng người có tâm lý bất ổn trong xã hội là điều cần thiết, và ngày càng cấp bách hơn. Nếu bỏ mặc họ suy nghĩ và hành động trong những kế hoạch dị thường của bản thân, sự an nguy của cộng đồng rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng!