Vụ cướp tai tiếng nhất trong lịch sử của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô
Mặc cho tình hình chiến sự đang diễn ra ác liệt, mặc cho tình hình hỗn loạn đang bao trùm thủ đô Moscow, đội hình sự thành phố đã tìm ra hung thủ trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Tháng 10/1941, khi cuộc chiến bảo vệ Moscow đang trong giai đoạn cam go nhất, thì trong Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) xảy ra sự việc gây chấn động dư luận: hàng nghìn tài liệu mật và hàng triệu ruble bỗng dưng không cánh mà bay. Mặc cho tình hình chiến trường đang “nước sôi lửa bỏng”, mặc cho không khí hỗn loạn đang bao trùm thành phố, tội ác có một không hai này đã được đội điều tra hình sự thành phố tìm ra thủ phạm trong khoảng thời gian rất ngắn.
Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, tháng 10/1941 là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với người dân Moscow. Ngày 8/10/1941, tất cả tòa nhà của thành phố đã được cài mìn sẵn để chuẩn bị tiếp đón quân Đức. Ngày 16/10, đơn vị đầu tiên của quân đội Đức Quốc xã đã vượt qua tuyến phòng thủ của Hồng quân Liên Xô tiến vào Khimki - thành phố nằm cách Moscow vài km. Mặc dù bước tiến của đội quân Hitler bị sư đoàn nội vụ Dzerzhinsky chặn lại, nhưng nguồn tin “quân Đức đã vào thành phố” lan truyền khắp nơi. Và bắt đầu cuộc di tản náo loạn, tất cả đều rời bỏ thủ đô, đại lộ Entuziast trở thành dòng người tị nạn dài vô tận tiến về phía đông.
Không ít trường hợp, người châm ngòi cho những “cơn bão hoảng loạn” lại chính là những người lãnh đạo trong Đảng, hoặc các chủ doanh nghiệp của thành phố. Ví dụ: lãnh đạo nhà máy thiết bị điện Taganka đã bỏ chạy, để lại công nhân của mình trong tình cảnh “mang con bỏ chợ”, không được thanh toán tiền lương. Số công nhân bị nợ lương giận dữ biểu tình, chặn lại dòng ô tô trên đại lộ, ngăn cản dòng người đang rời bỏ thành phố.
Cơn hoảng loạn càng trở nên mãnh liệt hơn và với quy mô lớn hơn, khi có nguồn tin cho rằng lãnh tụ Joseph Stalin đã di chuyển khỏi Moscow. Nguồn tin này bùng phát từ việc có ai đó nhìn thấy xe của chính phủ từ Kremlin đi ra khỏi thành phố, rồi đi về phía Đông. Đó chính là xe chuyển thư viện của Stalin, trên thực tế Joseph Stalin vẫn ở lại Moscow ngay cả trong những giây phút cam go nhất của cuộc chiến.
Cùng với cảnh tượng tháo chạy hỗn loạn ra khỏi Moscow là cảnh đập phá, cướp bóc, hôi của và lừa đảo diễn ra khắp nơi. Cảnh sát Moscow phải đưa ra nhiều biện pháp mạnh, thẳng tay trừng trị đàn áp tội phạm và đã kiểm soát được tình hình. Ngày 25/10, Moscow đã thành lập một ủy ban đặc biệt để truy tìm những đảng viên có lời nói hoặc hành vi gây tâm lý hoang mang cho người dân, kết quả là không ít đảng viên đã bị tịch thu thẻ đảng, nhiều cán bộ bị mất chức. Trong hoàn cảnh hỗn loạn bao trùm khắp Moscow, Cục điều tra hình sự thành phố đã tìm ra thủ phạm trong vụ đánh cắp tài liệu mật và số lượng tiền lớn của Bộ Dân ủy Nội vụ trong khoảng thời gian rất ngắn.
Vụ việc diễn ra như sau: Ngày 16/10/1941, khi chiến sự có chiều hướng bất lợi cho Hồng quân Liên Xô, lãnh đạo Bộ Dân ủy Nội vụ quyết định di dời khỏi thành phố những tài liệu mật cùng một số lượng tiền lớn lên tới hàng triệu ruble. Đoàn xe bắt đầu xuất phát từ Lubyanka đi về Noginsk (ngoại ô Moscow), hòa cùng dòng người di tản, tốc độ đoàn xe không vượt quá 5 km/h. Buổi tối, đoàn xe đã tới Noginsk, duy chỉ có xe chở tiền và tài liệu mật là không thấy.
Việc cướp một số tiền lớn như vậy cùng với tài liệu mật của một cơ quan quyền lực tối cao như Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô chưa từng xảy ra. Lực lượng công an Moscow đã huy động tổng lực để tìm bằng được cả xe và hiện vật, bởi vì, ai cũng biết, kết cục sẽ như thế nào nếu để vụ việc đến tai bộ trưởng Lavrenty Beria.
Giả thuyết đầu tiên được đưa ra là chính những người hộ tống cho chiếc xe này, gồm có Ivan Fomichov và Aleksander Mosenkov đã thực hiện vụ cướp.
Chiếc xe chở tiền và tài liệu mật được tìm thấy ngay sau đó, trên bãi đất trống cạnh nhà máy “Compressor”- nhà máy sản xuất dàn phản lực Katyusha huyền thoại, (nay là quận Perovo của Moscow). Cạnh xe là thi thể hai nạn nhân, một là của Aleksander Mosenkov, người áp tải xe, người thứ hai chưa biết danh tính.
Giả thuyết đặt ra là: trong quá trình di chuyển, xe đã bị cướp tấn công, Mosenkov đã hy sinh khi chống trả với bọn cướp, thi thể thứ hai có thể là của bọn cướp. Vậy người áp tải còn lại là Ivan Fomichov đi đâu?
Đội hình sự Moscow đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau. Có thể nhóm biệt kích của Đức đã thực hiện vụ tấn công mà không phải là bọn tội phạm hình sự. Thời điểm mùa Thu năm 1941, tình báo của Đức tung nhiều tốp biệt kích vào Moscow, chúng đã gây ra nhiều hoạt động phá hoại nội đô. Nhưng giả thuyết này bị loại bỏ ngay sau đó, vì người dân địa phương phát hiện một thi thể trong bao tải trên sông Moscow, khu vực nhà số 1 phố Ovchinikovsky. Nạn nhân được xác định bị chết do bị siết cổ bằng dây gai, trong túi áo có mẩu giấy, trên đó có chữ ký và con dấu của giám đốc sở nội vụ Moscow Mikhail Zhuravlov. Đây chính là nút thắt để lực lượng hình sự Moscow lần ra manh mối của vụ án.
Vậy ai là thủ phạm của vụ án?
Danh tính của xác người trên sông Moscow được xác định là thiếu niên 15 tuổi, tên là Sergey Lyutikov sống ở gần đó. Đại úy hình sự Igor Vasilev đã tới tận nhà nạn nhân, và được biết Lyutikov học hết lớp 9, sống cùng mẹ và chị gái, trong nhà còn nhiều mẩu giấy liên quan tới tài liệu mật bị đánh cắp hôm 16/10.
Vấn đề đặt ra là, gia đình Lyutikov có liên hệ như thế nào với số tài liệu mật bị đánh cắp kia?
Trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, tình báo Đức thường xuyên tuyển mộ thiếu niên vào những hoạt động trinh sát, phá hoại. Trường hợp Sergey Lyutikov có phải là tính toán của tình báo quân sự Đức? Sau một thời gian điều tra, đội hình sự Moscow đã tìm ra câu trả lời: Gia đình nạn nhân Sergey Lyutikov không có liên quan gì tới vụ mất cắp tài liệu kia.
Đúng ngày 16/10/1941, quả thực bọn cướp đã tấn công xe chở tiền và tài liệu mật. Thi thể tại hiện trường vụ án bên cạnh thi thể người áp tải Aleksander Mosenkov chính là tên cướp Vasily Teplov, trong giới tội phạm thường được gọi là Vasya.
Lực lượng hình sự Moscow không lạ gì Vasya. Khoảng thời gian đầu những năm 1930, Vasily Teplov đã gây ra nhiều vụ cướp, bị kết án 8 năm tù. Hết hạn tù, Vasya về Moscow, ngày 16/10 thực hiện phi vụ đầu tiên, nhưng kết cục đã không ủng hộ Vasya. Nhiệm vụ đặt ra cho đội hình sự Moscow là làm rõ xem Vasily Teplov thực hiện cướp xe chở tiền của Bộ Dân ủy Nội vụ một mình hay với đồng phạm khác? Đại úy Igor Vasilev đã thâm nhập giới tội phạm khu chợ Tishinsky, câu trả lời đã được đưa ra: Vasya một mình thực hiện vụ cướp. Căn cứ vào kết luận trên, cơ quan điều tra Moscow đã khẳng định Ivan Fomichov là người đã gây ra vụ cướp xe tiền cùng tài liệu mật của Bộ Dân ủy Nội vụ, chính Fomichov đã mất tích bí ẩn, công an Moscow cũng đang ráo riết truy tìm.
Diễn biến vụ việc
Sau khi bắn hạ tên cướp Vasily Teplov, Fomichov quay lại định băng bó vết thương cho đồng đội Mosenkov, nhìn thấy bao tiền quá to, một phút dao động, trong đầu Fomichov lóe lên 2 phương án: Thứ nhất là cứu chữa cho đồng đội Mosenkov và tiếp tục hành trình về vị trí Noginsk theo quy định. Thứ hai là ôm tiền chạy trốn sau khi hạ gục đồng đội Mosenkov, với ý đồ loại bỏ nhân chứng.
Fomichov đã chọn phương án hai. Biết chắc rằng mình sẽ bị truy đuổi, Fomichov không về nhà, mà đến nhà bạn gái Irina Lyutikova, người mà trước chiến tranh, Fomichov đã theo đuổi nhưng chưa được nhận lời. Tới nhà Irina, Fomichov được gặp cả mẹ và em trai của bạn gái, em trai Irina chính là Sergey Lyutikov – người đã bị chính anh rể hụt siết cổ, cho vào bao rồi ném xuống sông Moscow. Để bịt đầu mối còn lại, Fomichov đã thủ tiêu nốt mẹ của Irina. Tiếp theo, Fomichov đã trói tay, bịt miệng bạn gái rồi đưa về doanh trại quân đội ở Izmailovo – nơi Fomichov đóng quân, hiện tại doanh trại đã bỏ không vì đơn vị của Fomichov đã đi sơ tán.
Cũng chính tại doanh trại quân đội này, Fomichov đã bị đội hình sự Moscow do đại úy Igor Vasilev dẫn đầu bắt giữ. Số tiền còn lại thu về cho nhà nước chỉ còn khoảng 900.000 ruble, một số tài liệu mật đã bị thất lạc. Fomichov – nhân viên áp tải xe tiền và tài liệu mật của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô bị tuyên án xử bắn.