Vụ 'Cựu Giám đốc Apromaco Thái Bình bị tố chiếm dụng con dấu, tài sản': Dấu hiệu phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Tiếp theo phản ánh của PLVN tại bài báo 'Cựu Giám đốc Apromaco Thái Bình bị tố chiếm dụng con dấu, tài sản', PV đã có buổi trao đổi với LS Lê Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng LS Long Tâm, Đoàn LS Hà Nội) để làm rõ các vấn đề pháp lý vụ việc này.

Luật sư Lê Ngọc Hoàng

Luật sư Lê Ngọc Hoàng

Liên quan đến vụ “Cựu Giám đốc Apromaco Thái Bình bị tố chiếm dụng con dấu, tài sản” như PLVN đã thông tin, ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?

- Vụ việc ông Vũ Khắc Căn không bàn giao con dấu, hồ sơ, tài liệu, hàng hóa và tài sản của Cty CP Vật tư Apromaco Thái Bình mà Báo PLVN nêu, cũng như các tài liệu mà người tố cáo cung cấp, dưới góc độ pháp lý thì không có vấn đề gì phức tạp cả.

Theo khoản 4 Điều 157 Luật Doanh nghiệp và điều lệ Apromaco Thái Bình thì GĐ có nghĩa vụ điều hành công việc hàng ngày của Công ty theo các Nghị quyết và chỉ đạo của HĐQT. Việc ông Căn không thực hiện ý kiến chỉ đạo của HĐQT về việc thuê tài sản cố định, không mời đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán Báo cáo tài chính 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, không cho phụ trách Kế toán ký vào Biên bản làm việc của Ban Kiểm soát, cản trở hoạt động của Ban Kiểm soát, không cho văn thư đóng dấu vào các văn bản của HĐQT... là sai.

HĐQT Apromaco Thái Bình hoàn toàn có thể căn cứ vào điều lệ Apromaco Thái Bình; điểm i khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp để miễn nhiệm chức danh GĐ với ông Căn ngay tại thời điểm đó, chứ không cần để đến hết nhiệm kỳ mới cho thôi GĐ như vậy.

Việc HĐQT Apromaco Thái Bình triệu tập họp HĐQT bất thường như vậy có phù hợp với quy định pháp luật không, thưa LS?

- Theo Điều lệ Apromaco Thái Bình; điểm a khoản 3 Điều 136 Luật Doanh nghiệp thì HĐQT phải triệu tập phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường là điều đương nhiên, phù hợp với quy định của pháp luật vì “xét thấy cần thiết vì lợi ích của Công ty”.

Đồng thời, khi HĐQT, Ban Kiểm soát, BGĐ đã hết nhiệm kỳ thì việc bầu lại các chức danh này hoàn toàn nằm trong quyền hạn ĐHĐCĐ. Nếu ông Căn không đồng ý với Nghị quyết phiên họp ĐHĐCĐ bất thường này hoặc cho rằng các vấn đề này không có giá trị pháp lý thì có thể yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ Nghị quyết của ĐHĐCĐ trong thời hạn 90 ngày.

LS đánh giá thế nào về việc Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Thái Bình đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đăng ký thay đổi lần thứ 5 với nội dung thay đổi GĐ - người đại diện theo pháp luật của Công ty. Theo đó, ông Hà Tuấn Linh là GĐ - Người đại diện theo pháp luật mới của Công ty thay cho ông Căn?

LS đánh giá thế nào về việc Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Thái Bình đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đăng ký thay đổi lần thứ 5 với nội dung thay đổi GĐ - người đại diện theo pháp luật của Công ty. Theo đó, ông Hà Tuấn Linh là GĐ - Người đại diện theo pháp luật mới của Công ty thay cho ông Căn?

- Về việc này, chắc chắn Sở KH&ĐT đã phải có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật và việc này thực tế hết sức đơn giản. Tôi tin là Sở làm đúng. Tuy nhiên, nếu ông Căn không đồng ý với nội dung này thì ông Căn hoàn toàn có quyền khởi kiện Sở bằng một vụ án hành chính.

LS đánh giá thế nào về việc ông Căn không thực hiện việc bàn giao tài sản, con dấu, kho tàng... cho GĐ mới theo yêu cầu của Công ty?

- Ở đây, có lẽ chúng ta nên nhìn nhận vụ việc dưới hai góc độ.

Thứ nhất, ông Căn với tư cách là GĐ là người được HĐQT thuê để điều hành Công ty với theo nhiệm kỳ, có hưởng lương. Khi hết nhiệm kỳ mà người ta không thuê anh nữa thì việc anh phải bàn giao công việc (bao gồm hồ sơ tài liệu, kho tàng, hàng hóa và tiền vốn) là đương nhiên, chẳng có gì phải bàn cãi cả.

Theo hồ sơ mà chúng tôi nghiên cứu thì việc chậm trễ không bàn giao là hành vi sai trái, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho DN và ông Căn sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân bồi thường các thiệt hại này. Trong trường hợp có dấu hiệu chiếm đoạt thì có thể bị xem xét ở tội danh Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 172 BLHS.

Thứ hai, với tư cách là cổ đông thì ông Căn hoàn toàn có quyền thể hiện ý chí của mình thông qua lá phiếu tương ứng với số cổ phần mà ông sở hữu. Theo suy đoán của tôi, có lẽ ông Căn đang lẫn lộn giữa vai trò của GĐ và vai trò của cổ đông trong doanh nghiệp cổ phần.

Vụ việc rất đơn giản như vậy mà gần hai năm nay không được giải quyết mặc dù DN đã có rất nhiều đơn thư gửi các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình. Quan điểm của LS về vấn đề này như thế nào?

- Vấn đề này nên để cơ quan pháp luật của tỉnh Thái Bình trả lời, đặc biệt là hiện nay khi một số vụ việc vi phạm, coi thường pháp luật tại tỉnh Thái Bình đang được phanh phui và làm “nóng” dư luận.

Xin cảm ơn ông.

Quang Minh (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/vu-cuu-giam-doc-apromaco-thai-binh-bi-to-chiem-dung-con-dau-tai-san-dau-hieu-pham-toi-cong-nhien-chiem-doat-tai-san-511232.html