Vụ cựu Giám đốc CDC Bình Dương: Cần thiết phát triển thành án lệ
Luật sư của cựu Giám đốc CDC Bình Dương cho biết, chắc chắn còn nhiều vụ án và trường hợp tương tự nên phát triển thành án lệ trong vụ án này là điều cần thiết.
Kết thúc phiên xét sử sơ thẩm 38 bị cáo vụ Việt Á, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên ông Nguyễn Thành Danh (nguyên Giám đốc CDC Bình Dương) được miễn trách nhiệm hình sự.
Trao đổi phóng viên VOV, luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật, Đoàn luật sư TP.HCM) - người bào chữa cho ông Danh cho biết, đây là phiên tòa đặc biệt với mình. Khi phiên tòa kết thúc, luật sư Nguyễn Thành Danh đã vỡ òa cảm xúc với niềm vui sướng, hạnh phúc. Qua đây, luật sư cho rằng, niềm tin là pháp luật không cứng nhắc mà có lý có tình, bản án đầy tính nhân văn.
PV: Khi nhận tham gia bào chữa cho ông Danh, luật sư có niềm tin vào công lý được thực thi không?
Luật sư Nguyễn Thành Công: Niềm tin vào công lý luôn hiện diện trong tôi không chỉ vụ án này. Vì đặc thù nghề nghiệp nên quá trình điều tra, luật sư chỉ nắm được một phần nội dung vụ án cũng như các tình tiết liên quan đến thân chủ vì vậy tôi luôn có nhiều chiều phán đoán. Bởi có trường hợp, nhiều thông tin ẩn, chỉ phát lộ khi nhận được kết quả điều tra rồi đọc hồ sơ nên có thể nhận định của luật sư sẽ bị chuyển hướng.
Với vụ án này, tôi có niềm tin mạnh mẽ ngay từ đầu khi tiếp xúc với vợ ông Danh, là người đến nhờ khi chồng bị tạm giam. Sau đó khi làm việc với ông Danh ở trại tạm giam cho đến lúc ông được tại ngoại thì tôi hiểu Cơ quan tố tụng ban đầu là Cơ quan điều tra cũng đã có cái nhìn rất nhân văn, công bằng về hành vi và họ đã giúp thật sự. Cao điểm là tại phiên xét xử thì niềm tin ấy càng mãnh liệt bởi cách đặt câu hỏi của tòa, viện cũng như lời luận tội của viện kiểm sát đã thể hiện góc nhìn và nội dung cần làm sáng tỏ.
PV: Còn đối với ông Danh, khi bị bắt, ông ấy cũng giữ niềm tin vào công lý, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Thành Công: Ông Danh là người chính trực và nhất quán. Ông hiểu rằng, hành vi ấy là không đúng quy định pháp luật nhưng hoàn cảnh không thể làm khác, nguy cơ đe dọa chết người nếu không kịp thời có phương án chống dịch mà trong đó bắt buộc phải có ngay kit test theo chủ trương của Nhà nước, của cấp trên.
Vì vậy, trong một cuộc họp với toàn thể nhân viên tại CDC Bình Dương, ông Danh đã tuyên bố, nay ký vào đơn này (văn bản mượn kit test của Việt Á) thì tôi có thể đi tù nhưng không thể không làm vì sự an nguy của hàng triệu người ngoài kia. Tôi nghĩ ông đã chọn trái tim thay vì lý trí vì đồng bào mình nên ông luôn giữ vững niềm tin vào công lý và bản thân sẽ được bảo vệ vì sự ngay thẳng. Niềm tin và sự nhất quán dấn thân, đóng góp này lý giải cho hành động không nhận tiền của Việt Á.
Rất đáng mừng niềm tin ấy nay đã thành sự thật.
PV: Thưa luật sư, nếu trong trường hợp ông Danh còn tuổi thì có được phục chức không?
Luật sư Nguyễn Thành Công: Tôi nghĩ hoàn toàn được vì việc miễn trách nhiệm hình sự là câu trả lời rất rõ về thái độ của Nhà nước đối với hành vi sai phạm nhưng thỏa mãn đủ điều kiện quy định để được miễn trách nhiệm. Hơn thế, với trường hợp ông Danh, quyết định chọn sự sai phạm là để cứu người, rất nhiều người mà không vì vụ lợi thì đó phải là thành tích đặc biệt của người đứng đầu, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước hiểm nguy.
Kết quả tại Bình Dương trong giai đoạn phòng, chống dịch là câu trả lời rất sống động về tỷ lệ nhiễm trên dân số là rất cao nhưng tỷ lệ chết trên số nhiễm lại rất thấp chỉ bằng 1/4. Như vậy là thấp hơn rất nhiều so với TP Hồ Chí Minh, địa phương cận kề và có nhiều nguồn lực hơn.
PV: Theo luật sư, chủ trương phân loại sai phạm để xử lý trong vụ án này có ý nghĩa như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thành Công: Chủ trương phân hóa trách nhiệm của từng nhóm, từng cá nhân để xử lý trong vụ án này là rất đúng đắn, sáng suốt. Điều này cho thấy các cấp lãnh đạo đã thấu tỏ, sâu sát với tình hình nên kết quả xét xử rất phù hợp. Tội được luận rõ ràng nhưng lý do, nguyên nhân, bối cảnh, hoàn cảnh và thái độ của người thực hiện các hành vi trong đó được cân nhắc.
Hành vi được thực hiện qua sự chỉ đạo của não bộ với sự tính toán, cân nhắc. Bối cảnh ấy, cần xử sự đúng thì sẽ thực hiện hành vi nào, nếu xử sự sai thì do đâu, mục đích nguyên nhân nào. Bóc tách được điều này thì sẽ thấy ngay công, tội để phán xét đúng đắn và công bằng để tiệm cận đến công lý.
Tôi nghĩ bản án này nhận được sự đồng tình rất cao trong xã hội vì đã tiệm cận đến công lý.
PV: Theo luật sư, sau này còn nhiều vụ tương tự, có thể coi vụ này là án lệ không?
Luật sư Nguyễn Thành Công: Chắc chắn còn nhiều vụ án và trường hợp tương tự nên phát triển thành án lệ trong vụ án này là điều cần thiết. Trong lý có tình và quyết định hài hòa về tình, lý luôn là điều khó. Chỉ có pháp luật mới giết chết một con người nhưng cũng cứu sống một con người, qua đó quản lý, điều chỉnh xã hội vận hành theo nguyên tắc đúng.
Ngay từ đầu năm 2022, chủ trương của Đảng đã thể hiện rõ việc phân hóa trách nhiệm này làm cơ sở để áp dụng cho các trường hợp đặc biệt, sai phạm thực sự do hoàn cảnh và tình thế cấp thiết không thể có chọn lựa khác hoặc chọn lựa từ sai phạm ấy mang lại lợi ích lớn hơn, ngăn ngừa thiệt hại to lớn đang đe dọa thì sẽ được áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt. Cụ thể hơn, tại cuộc họp báo ngày 16/8/2023, Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên kết luận “đối với các trường hợp vi phạm, không vụ lợi nhưng xảy ra trong hoàn cảnh dịch bệnh nên Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương tha, miễn”.
Vì vậy, tiền lệ của vụ án này trở thành án lệ sẽ giúp ích nhiều cho xã hội khi định hình được hành vi xử sự cần thiết cho con người khi ở vào hoàn cảnh bức thiết. Từ đó tạo ra một thế hệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là vấn đề đang rất nhức nhối trong xã hội hiện nay. Râm ran đâu đó đang xảy ra tình trạng vì sợ sai nên không làm gì để hậu quả cho tổ chức, xã hội là rất, lớn còn bản thân thì được an toàn.
PV: Cảm ơn luật sư!