Vụ cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa bị bắt: Dấu hiệu sai phạm từng được phản ánh
Trách nhiệm của cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa như thế nào khi một trong hai gói thầu liên quan trong vụ án 'Vi phạm về quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng' từng được phản ánh có dấu hiệu sai phạm tại thời điểm lựa chọn nhà thầu?
Theo xác minh, ngày 16/4/2020, bà Phạm Thị Hằng, lúc bây giờ là Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn gói thầu: Mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020 - 2021 cho các trường vùng đặc biệt khó khăn và vận chuyển, lắp đặt thiết bị. Tổng giá trị gói thầu hơn 32,6 tỉ đồng.
Trong đó, Công ty CP sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa thực hiện 38,5% (tương đương hơn 12,5 tỉ đồng), Công ty CP đầu tư Hoàng Đạo thực hiện 61,5% (tương đương hơn 20 tỉ đồng).
Dự án đã mua đồ dùng dạy học cho 169 trường tiểu học và THCS của 19 huyện, gồm: Mường Lát (12 trường), Quan Hóa (16 trường), Quan Sơn (13 trường), Bá Thước (15 trường), Lang Chánh (8 trường), Ngọc Lặc (11 trường), Cẩm Thủy (4 trường), Thạch Thành (11 trường), Thường Xuân (13 trường), Như Thanh (14 trường), Như Xuân (10 trường), Vĩnh Lộc (3 trường), Thọ Xuân (1 trường), Triệu Sơn (3 trường), Thị xã Nghi Sơn (17 trường), Nga Sơn (3 trường), Hậu Lộc (6 trường), Hoằng Hóa (7 trường) và huyện Quảng Xương (2 trường).
Tiếp đó, ngày13/10/2020, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa Phạm Thị Hằng cũng đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: “Mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới năm học 2020 – 2021; vận chuyển, lắp đặt thiết bị”. Giá trị gói thầu là gần 87 tỉ đồng.
Ở gói thầu này, có 4 công ty trúng thầu (hình thức liên danh), gồm: Công ty CP sách - Thiết bị trường học Thanh Hóa, Công ty CP đầu tư Hoàng Đạo, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Khang An, Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục Nam Hoa và Công ty CP thiết bị giáo dục - Khoa học kỹ thuật Long Thành.
Nguyên nhân 'gạt' nhà thầu bỏ giá thấp hơn 8 tỷ
Tại thời điểm khi thực hiện lựa chọn nhà thầu của gói thầu thứ 1, đã có nhiều ý kiến được phản ánh trên phương tiện truyền thông về việc có dấu hiệu “không bình thường” trong việc phát hành hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu như: chưa thành lập hội đồng lựa chọn, đưa “tiêu chuẩn lạ” gây khó cho việc chào thầu; lựa chọn loại thiết bị chỉ có một đơn vị duy nhất có thể cung cấp; giá chào thầu của Sở GDĐT đưa ra là 33,6 tỷ đồng, giá đơn vị đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật (có thể coi là trúng thầu) đưa ra là 32,6 tỷ đồng. Theo nhiều nhà thầu, các đơn vị tham gia tìm hiểu dự án thì đây là những mức giá rất cao so với thị trường.
Một trong những đơn vị tham gia đấu thầu đã chào mức giá 25,8 tỷ đồng, thấp hơn gần 8 tỷ đồng nhưng vẫn bị loại với lý do không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật…
Tại thời điểm trên, trao đổi với báo chí, bà Hằng khẳng định các bước thực hiện mời thầu, lựa chọn nhà thầu là đúng quy định. Sở đã có văn bản giải trình, giải đáp những thắc mắc gửi đến UBND tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị có đơn kiến nghị làm rõ những nội dung nói trên.
Sau đó, gói thầu này vẫn được triển khai mà không có ý kiến nào của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong 2 gói thầu, được Bộ Công an công bố có sai phạm trong việc đấu thầu, dẫn tới việc bà Hằng cùng nhiều cán bộ khác bị khởi tố, bắt tạm giam.
Trong khi cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, chưa công bố kết luận điều tra về các sai phạm cụ thể, song dư luận đặt ra trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đối với dự án (liên quan đến việc cựu Giám đốc và nhiều cán bộ Sở GDĐT bị khởi tố) được phản ánh có dấu hiệu sai phạm ngay từ khi triển khai?
Về thông tin chất lượng thiết bị dạy học được cấp trong năm học 2020-2021 có vấn đề khi đưa vào sử dụng ở các trường, trao đổi với Tiền Phong, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xác nhận UBDN tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở GDĐT Thanh Hóa rà soát, kiểm tra lại.
Trước đó, ngày 16/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 9 bị can về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Trong số bị can, bị bắt tạm giam có bà Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Bà Phạm Thị Hằng (SN 1967) là Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa từ năm 2012 đến tháng 11/2020. Tháng 12/2020, bà Hằng được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Các bị can còn lại gồm: Trịnh Hữu Nghĩa, Trưởng phòng kế hoạch tài chính thuộc Sở GD-ĐT Thanh Hóa; Nguyễn Văn Phụng, Phó phòng kế hoạch tài chính thuộc Sở GD-ĐT Thanh Hóa; Bùi Trí Thức, chuyên viên kế phòng kế hoạch tài chính thuộc Sở GD-ĐT Thanh Hóa; Nguyễn Quốc Việt, Thẩm định viên Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value; Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Thanh Hóa; Vũ Thị Ninh, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Thanh Hóa. Cơ quan công an cũng khởi tố bị can cho tại ngoại và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 người khác là Lê Văn Cương, nguyên Trưởng phòng kế hoạch tài chính thuộc Sở GD-ĐT Thanh Hóa và Hồ Thị Sáu, Giám đốc khối thẩm định thuộc Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value.
Bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định các bị can Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền thông đồng với Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value và nhà thầu là Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Thanh Hóa để nhà thầu này trúng 2 gói thầu cung cấp đồ dụng học tập giảng dạy lớp 1 năm học 2020-2021, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Báo Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin tiếp về việc này.