Vụ cứu hộ cháu bé rơi vào hố trụ bê tông ở Đồng Tháp: Câu chuyện về sự chuyên nghiệp
Đã gần 10 ngày kể từ lúc một cháu bé rơi vào hố trụ bê tông ở Đồng Tháp, các nỗ lực để đưa thi thể cháu bé vẫn còn đang được tiến hành.
Công tác cứu hộ cháu bé rơi vào hố trụ bê tông ở công trình cầu Rọc Sen của tuyến đường ĐT857 qua địa bàn xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) vẫn đang được khẩn trương tiến hành cho dẫu đã không có phép màu nào xảy đến với nạn nhân- bé trai T.L.H.N. (10 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).
Cũng không khỏi xót xa khi trong những ngày qua, từ khóa “cháu bé rơi vào trụ bê tông” đã có hàng triệu lượt tìm kiếm với hy vọng các nỗ lực giải cứu cháu bé đem lại một thành công nào đó.
Vụ việc xảy ra vào ngày 31/12/2022 khi cháu N. cùng nhóm bạn đi vào công trường và không may rơi xuống hộ trụ bê tông sâu 35 mét. Đến ngày 4/1/2023, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xác nhận cháu N. đã tử vong.
Quá trình giải cứu bé N. có yếu tố cản trở quá trình cứu nạn là do ảnh hưởng về địa chất địa tầng, thiết bị được vận chuyển từ nơi xa đến nên lực lượng chức năng không thể chủ động được, phải thay đổi, xoay chuyển nhiều phương án cứu hộ. Đây là lý do chậm rút trụ bê tông lên theo như dự tính trước đó.
Được biết, trong khi tại công trường nơi xảy ra tai nạn thương tâm này, các lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương làm công tác cứu hộ theo phương án mới nhất, lãnh đạo Bộ Xây dựng vừa có văn bản 63/BXD-GĐ ngày 06/01/2023 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý an toàn lao động (ATLĐ) trong thi công xây dựng các công trình trên địa bàn.
Đáng chú ý văn bản này được đưa ra sau khi một loạt vụ trẻ nhỏ đi vào công trường xây dựng và trượt chân xuống các hố móng thi công, gây nên các vụ tai nạn thương tâm.
Mặc dù văn bản nói trên của Bộ Xây dựng là hướng đến công tác an toàn lao động song một nội dung được nêu lên là đối với các nhà thầu thi công xây dựng, phải xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản; có các biện pháp kỹ thuật an toàn đối với hố đào sâu (hố cọc, móng…) đang thi công để tránh người bị rơi ngã, tai nạn.
“Tăng cường công tác quản lý công trường trong giai đoạn nghỉ, dừng thi công theo các quy định tại mục 2.1.12 QCVN 18:2021/BXD (đặc biệt trong các kỳ nghỉ dài như ngày lễ, Tết sắp tới)”- văn bản Bộ Xây dựng nêu rõ.
Mặc dù nhiều nỗ lực cứu hộ đã được các lực lượng chức năng, lãnh đạo các cấp vào cuộc, kể cả Thủ tướng cũng đã có công điện về vụ việc cháu N., một vấn đề cấp thiết được đặt ra là tính chuyên nghiệp của lực lượng cứu hộ rõ ràng cần được nâng cao, gắn chặt với các lực lượng thi công tại chỗ. Nhấn mạnh tính chuyên nghiệp chính là ở chỗ có thể tận dụng những khoảng thời gian vàng để có thể giành lại sự sống cho đối tượng ngộ nạn như cháu N.
Yếu tố chuyên nghiệp còn thể hiện chính là việc lực lượng cứu hộ trực tiếp tại địa bàn thay vì bị động xử lý vụ việc cần có các giải pháp phối hợp với các lực lượng thi công tại các công trình sở tại lên được các kịch bản, các tình huống xử lý sự cố trong khi yếu tố an toàn tại công trường còn ít nhiều lỏng lẻo, sơ hở, nguy hiểm ngay cả với người lớn chứ chưa nói đến các cháu nhỏ
Khi các kịch bản phối hợp như thế được lên sẵn thì cùng với việc nỗ lực huy động phương tiện sẵn có và chuyên dùng mới đem lại hy vọng giảm thiểu tối đa các hậu quả nghiêm trọng tại các công trường thi công.
Thay vì trách các cháu nhỏ thì chúng ta, những người lớn nhất là những người chịu trách nhiệm quản lý thi công cùng các lực lượng cứu hộ, cứu nạn rõ ràng dù đã cần trọng nay vẫn cần cẩn trọng hơn, đã chuyên nghiệp vẫn cần chuyên nghiệp hơn.
Nhìn rộng ra nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam chưa có điều kiện để thành lập một cơ quan cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp mang cấp bộ như ở một số quốc gia để tăng cường quản lý cũng như có điều kiện huy động được tối đa về sức người, phương tiện thì bên cạnh những đầu tư về trang thiết bị cũng cần dành những khoảng đầu tư thỏa đáng để nâng cao trình độ, kỹ năng và xây dựng các kịch bản, cảnh huống cho lực lượng làm công tác cứu hộ, cứu nạn trong các hoàn cảnh do thiên tai cũng như do con người gây ra.
Các gia đình, các trường học qua vụ việc cháu N. cũng cần đặc biệt chú ý việc dạy dỗ bảo ban các cháu nhỏ về kỹ năng sống mà cụ thể là kỹ năng tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè cùng các kỹ năng sinh tồn khác để rồi đây sẽ không còn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm với các cháu nữa.
Câu chuyện chuyên nghiệp trong cứu nạn, cứu hộ phải chăng là như thế?