Vụ cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến: Viện kiểm sát nêu quan điểm và đề nghị án tù

Sáng 20-5, phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến cùng các bị cáo liên quan về các tội 'Vi phạm quy định về quản lý đất đai', 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' và 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' chuyển sang phần tranh luận.

Có sự sâu chuỗi, tính toán kỹ càng

Đại diện Viện kiểm sát Quân chủng Hải quân (QCHQ) đã đưa ra quan điểm về vụ án. Tại tòa, Viện kiểm sát QCHQ khẳng định: “Việc mở phiên tòa là kịp thời, đúng pháp luật nhằm bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản quân đội. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã đảm bảo quyền dân chủ, đảm bảo đúng Hiến pháp, đúng pháp luật”.

Đối với nhóm bị cáo bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Viện kiểm sát (VKS) bị cáo Đinh Ngọc Hệ có thái độ chối tội, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình nên sau khi khởi tố, cơ quan điều tra (CQĐT), VKS đã thận trọng lấy lời khai của những người làm chứng. Họ đã cung cấp nhiều tài liệu khách quan về Đinh Ngọc Hệ.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ.

Kết quả thẩm tra tại phiên tòa đủ cơ sở xác định, bị cáo Hệ đã thành lập Tổng công ty Thái Sơn Bộ Q.P và nhiều doanh nghiệp khác có lấy tên Bộ Q.P khiến mọi người lầm tưởng là công ty của Bộ Quốc phòng.

Trong quá trình hoạt động, Hệ đã chỉ đạo các công ty thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật và đang được CQĐT điều tra, làm rõ trong những vụ án khác. Hành vi điển hình của bị cáo này là không góp vốn kinh doanh hoặc có góp nhưng không đủ quy định, dùng ảnh hưởng của mình để chiếm đoạt các dự án lớn mà nhiều công ty khác thèm muốn…

Với thủ đoạn hết sức tinh vi, Hệ đã chiếm đoạt quyền sử dụng đất tại khu đất quốc phòng ở TP HCM. Cụ thể, các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt, Vũ Thị Hoan đã có hành vi gian dối để Công ty Hải Thành (thuộc QCHQ) tin tưởng làm các thủ tục ký kết hợp đồng thành lập Công ty Yên Khánh Hải Thành thực hiện dự án xây dựng và vận hành cao ốc đa chức năng tại khu đất số 7-9, thời hạn 49 năm.

Sau đó, Hệ và các bị cáo liên quan đã làm thủ tục chuyển quyền sử dụng khu đất số 7-9 cho Công ty Yên Khánh Hải Thành. Khi có Giấy chứng nhận chuyển quyền sử dụng đất, Hệ chỉ đạo Diệt và Hoan lập hồ sơ thế chấp quyền sử dụng khu đất số 7-9.

Trong đó, sử dụng Biên bản họp Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty Yên Khánh Hải Thành, có chữ ký giả của Trần Trọng Tuấn để lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng VietBank (Chi nhánh TP HCM) số tiền 52 tỉ đồng; để Công ty Yên Khánh sử dụng mua 2 căn nhà tại Quận 2 (TP HCM) mua cổ phiếu của Công ty cảng Tân Cảng Hiệp Phước (khoản vay này đã được giải chấp cuối năm 2013).

Các bị cáo trong vụ tại phiên tòa.

Các bị cáo trong vụ tại phiên tòa.

Sau khi giải chấp tại Ngân hàng VietBank, bằng thủ đoạn trên, Hệ và Diệt chỉ đạo Hoan thế chấp khu đất số 7-9 tại Ngân hàng BIDV (Chi nhánh Thành Đô), bảo đảm cho 8 công ty của Hệ vay, cấp bảo lãnh số tiền hơn 765 tỉ đồng. Hiện nay, còn 4 công ty có dư nợ với ngân hàng được bảo đảm bằng khu đất số 7-9 với tổng số nợ gốc và lãi hơn 545 tỉ đồng.

VKS khẳng định: “Hành vi phạm tội của Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm thực hiện trong thời gian dài, có sự xâu chuỗi, tính toán kỹ càng…”

Đối với bị cáo Diệt, VKS đánh giá bị cáo này đã thực hiện theo chỉ đạo của Hệ, ký các hợp đồng thế chấp để mua 2 căn nhà tại TP HCM cho vợ và con của Hệ ở. Lời khai của bị cáo Diệt phù hợp với lời khai của Vũ Thị Hoan.

Qua những lời khai của người làm chứng, VKS đủ cơ sở xác định bị cáo Diệt đóng vai trò đồng phạm với Đinh Ngọc Hệ trong tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tất cả những hoạt động, chỉ đạo trong hành vi này đều cho thấy bị cáo Diệt là trợ thủ đắc lực của Hệ.

Không có động cơ, mục đích vụ lợi

Đối với những bị cáo phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, VKS xác định các bị cáo đều là những sĩ quan trong quân đội, có đầy đủ hiểu biết về việc triển khai thực hiện dự án và đã được Bộ Quốc phòng chỉ đạo phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là phải phát triển kinh tế trên 3 khu đất quốc phòng theo đúng quy định pháp luật.

Các bị cáo chịu trách nhiệm tham mưu cho thủ trưởng trên cả 3 khu đất đó nên các bị cáo phải có hiểu biết và phải chịu trách nhiệm cá nhân theo Luật Đất đai năm 2003. Các bị cáo đã cố ý thực hiện trái quy định của Luật Đất đai, cho thuê đất quốc phòng trái phép, không đúng các thủ tục pháp lý, dẫn đến các bị cáo vốn là những người có chuyên môn tốt, có nhiều thành tích nay lại là bị cáo trong vụ án.

“Đây là vụ án có đồng phạm, tính chất rất nghiêm trọng. Quá trình điều tra cho thấy các bị cáo không có tư lợi cá nhân” – VKS đánh giá.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến, VKS nhìn nhận, do tin tưởng vào vào sự tham mưu của cấp dưới và việc thảo luận tập thể, bị cáo Hiến đã ký, phê duyệt các văn bản không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, Chính phủ và Luật Đất đai năm 2003; thiếu kiểm tra, không chỉ đạo kiểm tra năng lực thực tế của Công ty Yên Khánh; không kiểm tra việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng các khu đất…

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến.

Sau khi ủy quyền cho Giám đốc Công ty Hải Thành ký hợp đồng, bị cáo Hiến đã không trực tiếp kiểm tra việc thực hiện, dẫn đến bị đối tác sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba; không nắm được quy định phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất.

Hậu quả là đã làm QCHQ mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hơn 939 tỉ đồng.

Quá trình điều tra xác định, bị cáo Hiến phải thực hiện nhiều công việc của Quân chủng, tin tưởng vào tập thể, cấp dưới nhưng thiếu kiểm tra, không chỉ đạo làm đúng pháp luật gây thất thoát số tiền lớn của Nhà nước.

Bị cáo Hiến là người có chức vụ quyền hạn, thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý vì quá tự tin và để lại hậu quả lớn nên cần phải xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, bị cáo Hiến không có động cơ, mục đích vụ lợi.

Theo VKS, vụ án này còn cho thấy có sự sơ hở trong quản lý hành chính, cơ quan chuyên môn thiếu thẩm định hồ sơ… khiến các doanh nghiệp thành lập dễ dàng, khai báo gian dối trong hợp tác kinh doanh.

Đối với 3 khu đất quốc phòng trong vụ án, VKS nêu quan điểm buộc Công ty Cảnh Hưng Hải Thành, Công ty Yến Khánh Hải Thành, Công ty Mai Anh Hải Thành phải trả lại cho QCHQ. Tiếp tục phong tỏa số tiền liên quan trong tài khoản của các công ty liên quan để đảm bảo việc thi hành án. Các tài sản trên 3 khu đất, Công ty Hải Thành và các bên liên quan tự giải quyết theo tố tụng dân sự.

Cựu Thứ trưởng bị đề nghị đến 4 năm tù

Sau cùng, VKS đề nghị xử phạt Bùi Như Thiềm (Đại tá, nguyên Trưởng phòng kinh tế QCHQ) từ 7 đến 9 năm tù; Bùi Văn Nga (Đại tá, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành) từ 6 đến 8 năm tù; Đoàn Mạnh Thảo (Đại tá, nguyên Trưởng phòng Tài chính QCHQ) từ 5 đến 7 năm tù và Trần Trọng Tuấn (Đại tá, nguyên Phó Giám đốc Công ty Hải Thành) từ 3 đến 4 năm tù, đều về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Với tội“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKS đề nghị xử phạt Đinh Ngọc Hệ (nguyên Thượng tá, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P) 20 năm tù và tổng hợp với hình phạt với bản án đang phải thi hành (ở vụ án khác) là 30 năm tù.

Tiếp đến, Phạm Văn Diệt (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh) bị đề nghị xử phạt 15 năm tù và Vũ Thị Hoan (Giám đốc Công ty Yên Khánh) bị đề nghị xử phạt từ 7 đến 9 năm tù. Đinh Ngọc Hệ và hai đồng phạm còn bị đề nghị xử phạt bổ sung từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Riêng Đô đốc, cựu Tư lệnh QCHQ, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị VKS đề nghị xử phạt từ 3 đến 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Phiên tòa hiện đang trong phần tranh luận của các luật sư trước quan điểm của đại diện Viện kiểm sát QCHQ.

Minh Long

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/vu-cuu-thu-truong-nguyen-van-hien-vien-kiem-sat-neu-quan-diem-va-de-nghi-an-tu/854543.antd