Tàu hộ vệ Hessen của Đức đêm 26/2 phóng hai tên lửa phòng không đắt đỏ SM-2 nhằm vào máy bay không người lái (UAV) khả nghi trên Biển Đỏ, sau khi không xác định được nguồn gốc và lực lượng vận hành nó.
Mục tiêu mà hai tên lửa nhắm tới sau đó được xác định hóa là MQ-9 Reaper của đồng minh Mỹ. Tàu chiến Đức đã bắn nhầm.
Điều tệ hơn là cả hai quả tên lửa SM-2 (mỗi quả có giá khoảng 2 triệu USD), đều không trúng mục tiêu, lý do đưa ra là gặp trục trặc kỹ thuật và rơi xuống biển.
Quân đội Đức đã lãng phí hơn 4 triệu USD trong nỗ lực "bắn nhầm còn trượt" bị tờ Bild của nước này mô tả là "nỗi xấu hổ lớn".
Một ngày sau vụ bắn nhầm, chiến hạm Hessen đã phải sử dụng pháo hạm 76 mm và tên lửa tầm ngắn RIM-116 để đánh chặn hai UAV của Houthi trong khu vực.
Điều này cho thấy rằng, những UAV đã có thể tiếp cận quá gần con tàu và từ đó có thể tạo ra những mối đe dọa cực nguy hiểm.
Một thực tế đáng ngại là kho tên lửa phòng không SM-2 trên tàu chiến Hessen đang dần cạn kiệt, nguồn bổ sung tên lửa này không còn do chúng không được Mỹ sản xuất.
"Chúng tôi mới phát hiện ra rằng không thể mua thêm một số loại vũ khí trang bị trên tàu hộ vệ Hessen, do dây chuyền sản xuất chúng đã đóng cửa. Khi kho dự trữ cạn kiệt, hải quân Đức sẽ mất khả năng nạp lại tên lửa và phải rút chiến hạm về cảng", ông Florian Hahn, quan chức về chính sách quốc phòng của đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) tại Hạ viện Đức, nói.
Bộ Quốc phòng Đức thừa nhận dây chuyền chế tạo tên lửa SM-2 Block IIIA vốn trang bị trên tàu Hessen của Mỹ đã ngừng hoạt động.
Đơn hàng cuối cùng đã kết thúc từ năm 2021, trước khi nhà sản xuất Raytheon tập trung cho dây chuyền SM-2 Block IIIC.
"Hải quân quyết định triển khai tàu Hessen mà không tính đến vấn đề đạn dược của loại chiến hạm này", ông Hahn nói.
ông Hahn nói, đồng thời cáo buộc giới chức Đức che giấu tình trạng thiếu hụt tên lửa trang bị trên lớp chiến hạm Sachsen suốt nhiều tháng trước đó.
Hessen là một trong ba chiếc thuộc lớp tàu hộ vệ phòng không tối tân do Đức phát triển, được ứng dụng nhiều công nghệ tàng hình để ẩn mình trước radar đối phương.
Mỗi tàu được trang bị hệ thống radar cảnh giới SMART-L và điều khiển hỏa lực APAR, cho phép phát hiện và đánh chặn nhiều loại mục tiêu, bao gồm cả máy bay tàng hình và tên lửa hành trình.
Dù mang định danh là tàu hộ vệ tên lửa, lớp Sachsen sở hữu hỏa lực không thua kém các tàu khu trục của Mỹ.
Vũ khí chính của Sachsen là 24 tên lửa phòng không tầm xa SM-2 Block IIIA do Mỹ sản xuất, mỗi quả có giá xuất xưởng khoảng 2 triệu USD và tầm bắn khoảng 160 km.
Chuyên gia phân tích quân sự Alex Luck nhận định phương án duy nhất để bảo đảm nguồn cung tên lửa phòng không tầm xa cho tàu là chuyển sang sử dụng mẫu SM-2 Block IIIC mới hơn đang được sản xuất.
"Tuy nhiên, điều này có nghĩa là cả ba chiến hạm phải về nhà máy để hiện đại hóa và tinh chỉnh để có thể mang được loại tên lửa này", Alex Luck cho biết thêm. .
Tuy vậy ngay cả Mỹ cũng đang sản xuất SM-2 Block IIIC chưa đủ để có thể cung cấp số lượng lớn cho đồng minh.
Vì vậy Đức cũng không thể có được số lượng tên lửa mong muốn trong trường hợp nâng cấp chiến hạm.