Vụ đại gia lan đột biến buôn than lậu: Lắt léo đường đi 2,7 triệu tấn than
Các đối tượng bắt tay nhau khai thác trái phép mỏ than Minh Tiến với công suất gấp hơn 47 lần trữ lượng được cấp phép.
Liên quan tới hoạt động khai thác, tiêu thụ trái phép hàng triệu tấn than tại mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 33 đối tượng trong vụ "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên; Mua bán trái phép vật liệu nổ; Sử dụng trái phép vật liệu nổ; Mua bán trái phép hóa đơn; Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong số đó, có hai đối tượng đáng chú ý là Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang (SN 1988, trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), là hai đại gia có tiếng đất Quảng Ninh trong lĩnh vực than lậu.
“
Hai anh em Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh nổi danh vì sở hữu vườn lan đột biến rộng hàng nghìn mét vuông ở Đông Triều, Quảng Ninh. Hồi tháng 3/2021, 2 anh em Giang - Thanh gây chấn động dư luận với thương vụ giao dịch lan đột biến trị giá 250 tỷ đồng.
Không chỉ chơi lan, cặp đại gia lan đột biến Giang, Thanh còn sở hữu căn biệt thự triệu đô nằm sát mặt đường chính và dàn siêu xe hàng chục tỷ đồng. Nổi bật trong đó là chiếc Rolls Royce Cullian (trị giá 29 tỷ đồng).
Theo cáo trạng, tại tỉnh Thái Nguyên, lợi dụng việc Công ty Cổ phần Yên Phước được cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do Thanh và Giang góp vốn, đã "bắt tay" với Châu Thị Mỹ Linh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Yên Phước, để đưa công nhân, máy móc vào khai thác trái phép than, khoáng sản, với công suất gấp hơn 47 lần trữ lượng được cấp phép.
Với sự giúp sức của hai anh em Thanh và Giang, Linh đã thực hiện trót lọt việc khai thác trái phép hơn 3 triệu tấn than và 420.000 m3 bã sàng và đá đen, vượt hàng chục lần so với sản lượng được cấp trong giấy phép, thu lợi bất chính hơn 213 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa số than khai thác trái phép được, nhóm của Linh đã mua bán trái phép hóa đơn.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng An Khánh mua 606.152 tấn than, 38,479m3 bã sàng; Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thiết bị công nghiệp Việt Nhật (Nhà máy Giấy An Hòa) mua 11.183 tấn than cám, giá trị hơn 11,2 tỷ đồng
Các đối tượng bán lẻ cho một số cá nhân khác 159 tấn than và 94.364m3 bã sàng, thu số tiền 15,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, số lượng than, bã sàng đã được vận chuyển từ mỏ than Minh Tiến về các bãi tập kết tại thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) từ năm 2019 - 2021 để sàng tuyển, phối trộn với than mua từ nguồn khác là 464.535 tấn than cám; có 153.868 tấn bã sàng, số lượng còn tồn trên bãi chân mỏ than Minh Tiến và bãi Núi Voi (tỉnh Thái Nguyên) là 86.265 tấn (gồm 64.418 tấn than cám và 21.847 tấn bã sàng).
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng xác định, từ năm 2017 - 2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương cũng đã mua các nguồn khác, với số lượng 1.477.698 tấn than cám, 866.330 tấn bã sàng.
Cụ thể, sau khi phối trộn các nguồn than (khai thác trái phép từ mỏ Minh Tiến; nhập khẩu, mua của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, mua lậu không hóa đơn), Công ty Đông Bắc Hải Dương xuất bán cho Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (thông qua Công ty SHN) 1.271.125 tấn than cám, giá trị hơn 1.977 tỷ đồng; 11.888 tấn bã sàng, giá trị 3,563 tỷ đồng; Nhà máy Nhiệt điện Phúc Thành 145.685 tấn than cám, giá trị 167,340 tỷ đồng; Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 88.492 tấn, giá trị 67,648 tỷ đồng và một số khách hàng khác 528.790 tấn, giá trị 636,066 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, số tiền nhóm thành viên góp vốn của Công ty Đông Bắc Hải Dương đã thu lời bất chính từ việc khai thác trái phép tại mỏ than Minh Tiến là hơn 213,5 tỷ đồng (đã trừ khoản thanh toán cho Châu Thị Mỹ Linh gần 163,5 tỷ đồng; Ngụy Quang Thuyên gần 9,8 tỷ đồng).