Vụ đất rừng Sóc Sơn bị 'xẻ thịt': Đã phá dỡ xong 6 công trình vi phạm trên đồi Dõng Chum
Tính đến 18 giờ ngày 28/8, lực lượng chức năng của xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã cưỡng chế, tháo dỡ 6 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đồi Dõng Chum.
Xác nhận với phóng viên báo Tin tức, đại diện huyện Sóc Sơn cho biết, tính đến 18 giờ ngày 28/8, xã Minh Phú đã hoàn tất việc cưỡng chế, tháo dỡ 6 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đồi Dõng Chum. Các công trình này nằm trong danh sách bị phá dỡ đợt 1, sau sự cố sạt lở đất; đây được xác định là công trình được xây dựng trái phép trên đất rừng.
Vào sáng cùng ngày, đại diện thôn Ban Tiện, xã Minh Phú cho biết, công trình vi phạm đầu tiên bị tháo dỡ là ngôi nhà của bà H., có diện tích 130m2. Chủ của ngôi nhà xây sai phép trên có nguyện vọng xin tự tháo dỡ, nhưng sau thời gian dài chủ nhà không thực hiện, nên lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế.
Với 5 công trình vi phạm còn lại, khoảng 20 công nhân được trang bị máy cắt sắt và các thiết bị chuyên dụng đã nhanh chóng phá dỡ.
Trước đó như báo Tin tức đã có loạt tin bài về sự cố sạt lở đất và nguyên nhân cũng như phương án giải quyết vụ việc này của huyện Sóc Sơn. Theo đó, qua kiểm tra, UBND huyện Sóc Sơn xác định, ngoài nhà dân, có thêm một số biệt thự, homestay khác nằm ở lưng chừng đồi Dõng Chum có sự chồng lấn đất ở, đất nông nghiệp cũng như đất vườn cây ăn quả. Việc tháo dỡ các công trình này sẽ diễn ra theo 2 đợt: Đợt 1 vào cuối tháng 8/2023 và đợt 2 trong tháng 9/2023.
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn khẳng định, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xảy ra 60 trường hợp vi phạm đất đai (vi phạm trên đất) diễn ra ở hai xã Minh Phú, Minh Trí. Đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm, UBND huyện sẽ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra (Công an huyện Sóc Sơn) để xử lý dứt điểm.
Liên quan đến các vi phạm về đất đai tại địa phương này, đại diện Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội) cho biết, khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) và hồ Ban Tiện (xã Minh Phú) là những nơi đang diễn ra hoạt động xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp khá nghiêm trọng. Phần lớn diện tích đất này đang thuộc quyền quản lý của huyện, chưa bàn giao về cho Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.