Vụ đề xuất làm đường sắt cao tốc: Giao các bộ đánh giá hoàn thiện dự thảo trình cấp có thẩm quyền

Dự án trọng điểm quốc gia, không chỉ mang tính biểu tượng về hạ tầng mà còn là 'phép thử chiến lược' đối với khối kinh tế tư nhân – thành phần được xem là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Khuyến khích lĩnh vực tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận cuộc họp của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Công ty CP đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc Vinspeed (Công ty Vinspeed).

Phó thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, chủ trương mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia.

Trong đó, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án, quan trọng quốc gia (như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn...).

Tại cuộc họp, các bộ, cơ quan cơ bản ủng hộ, hoan nghênh đề xuất của Công ty Vinspeed đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng, việc đề xuất chuyển hình thức đầu tư và đề xuất áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai dự án cần phải báo cáo cấp có thẩm quyền và thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng rà soát kỹ các đề xuất của nhà đầu tư. Tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, ý kiến góp ý của các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo, báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội trước ngày 20/5.

Trước đó, ngày 14/5, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed cho biết đã đăng ký tham gia đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Doanh nghiệp kỳ vọng có thể khởi công trước tháng 12 năm nay và khai thác toàn tuyến trước tháng 12/2030.

Dự án do VinSpeed đề xuất có tổng mức đầu tư hơn 1,5 triệu tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trong đó, doanh nghiệp cam kết thu xếp 20% vốn (khoảng 312.330 tỷ đồng, tương đương 12,27 tỷ USD); phần còn lại đề xuất vay từ Nhà nước với lãi suất 0%, thời hạn 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Để hoàn trả phần vốn vay từ Nhà nước, VinSpeed dự kiến phát triển các khu đô thị hiện đại quanh nhà ga theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), phối hợp cùng Vingroup và Vinhomes. Các khu vực phụ cận nhà ga hiện thưa dân và xa trung tâm sẽ được đầu tư đồng bộ, thúc đẩy hạ tầng, cải thiện chất lượng sống và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.

Phát biểu tại Tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới" do Báo Nông thông ngày nay tổ chức hôm 14/5, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhận định, dự án đường sắt tốc độ cao được xem là "đòn bẩy" thực sự để doanh nghiệp Việt tiến ra sân chơi lớn.

"Việc xây dựng tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia được định hướng như một khu công nghiệp để tất cả các doanh nghiệp Việt Nam có thể vào đó sản xuất ra các sản phẩm đường sắt, cung cấp vật tư phụ tùng cho xây dựng, thông tin tín hiệu, điện và phương tiện vận tải. Sự mở cửa này được kỳ vọng sẽ kích hoạt một chu kỳ phát triển mới cho các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao", ông Hiệp cho biết.

Theo đó, các doanh nghiệp xây dựng trong nước có thể đảm nhận khoảng gần 60% khối lượng công việc liên quan đến hạ tầng, trong đó, toàn bộ hệ thống doanh nghiệp sản xuất phụ trợ đi kèm đều có thể tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp liên quan đến đường sắt. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, không chỉ mang tính biểu tượng về hạ tầng mà còn là "phép thử chiến lược" đối với khối kinh tế tư nhân – thành phần được xem là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Đường sắt cao tốc Bắc Nam là dự án đặc biệt

LS Trương Thanh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, một tập đoàn tư nhân dám nghĩ đến và đứng ra đảm nhận một siêu dự án hạ tầng chiến lược quốc gia, thể hiện khát vọng phát triển và tinh thần trách nhiệm với đất nước.

"Về việc xin vay 80% vốn từ Nhà nước với lãi suất 0%, tất nhiên đây là một yêu cầu rất đặc biệt, cần được cân nhắc kỹ. Nhưng chúng ta phải nhìn vào tính chất đặc biệt của dự án: nó không đơn thuần là một công trình giao thông, mà là động lực phát triển toàn diện kinh tế- xã hội. Những lợi ích lan tỏa đó Nhà nước hoàn toàn có thể tính đến như một phần đóng góp gián tiếp vào tổng đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam là một đất nước trải dài từ Bắc vào Nam, và dù đã có nhiều phương tiện giao thông khác được đầu tư và phát triển, nhưng đường sắt cao tốc vẫn sẽ là một phương tiện cần thiết cho kinh tế phát triển trong tương lai. Bà Lan cũng hoàn toàn đồng ý về chủ trương xây dựng và phát triển đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhưng cần phải nghiên cứu cực kỳ thấu đáo.

Cũng theo bà Lan, thời gian gần đây, khu vực tư nhân của Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, với nhiều doanh nghiệp đã đủ lớn mạnh và trưởng thành để tham gia vào các dự án quan trọng này.

"Với tinh thần tự lực, tự cường, chúng ta rất cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tham gia, có thể hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp nhà nước để tận dụng công nghệ cao và nguồn lực tốt nhất", bà Lan nói.

Bà Phạm Chi Lan hy vọng Quốc hội sẽ tính toán thận trọng, dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ra quyết định.

Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) từng đề nghị cần tập trung 3 thành phần kinh tế, trong đó ưu tiên kinh tế tư nhân tham gia xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ông cho rằng nếu như vậy có thể giúp tiết kiệm 30% so với thành phần kinh tế nhà nước vì theo ông, trình độ của doanh nghiệp lớn và cả doanh nghiệp nhỏ/vừa đã khác trước. Nếu ra đề bài một cách căn cơ nghiêm túc, sòng phẳng thì các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể làm được.

"Chính phủ đặt bài toán với doanh nghiệp tư nhân bằng hợp đồng cụ thể, trả tiền đúng kỳ, hạn, chắc chắn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được', đại biểu Thân nói.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-de-xuat-lam-duong-sat-cao-toc-giao-cac-bo-danh-gia-hoan-thien-du-thao-trinh-cap-co-tham-quyen-169250516114856469.htm