Vụ đi ăn giỗ về thì mất nhà: Làm sao lấy lại nhà bị chiếm?

Trong vụ đi ăn giỗ về thì mất nhà, chuyên gia cho rằng hành vi tái chiếm tài sản thi hành án là hành vi vi phạm pháp luật và xâm phạm đến quyền tài sản của người mua trúng đấu giá.

Như PLO đã đưa tin, năm 2018, ông Nguyễn Thế Hiếu (32 tuổi, tỉnh Quảng Nam) trúng đấu giá căn nhà trên lô đất số 21, phân khu B2.8 thuộc khu tái định cư Bá Tùng (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Lô đất này có diện tích 100 m2 và có căn nhà 2 tầng.

Sau khi nạp đủ số tiền và hoàn tất các thủ tục liên quan, Chi cục THADS Ngũ Hành Sơn tổ chức cưỡng chế tài sản thi hành án, yêu cầu chủ cũ là ông Hồ Văn Dũng và bà Cao Thị Bé ra khỏi nhà, thực hiện việc bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá.

Gần 2 tháng sau, ông Hiếu khóa cửa để về quê ăn giỗ. Đến khi quay lại, ông Hiếu bất ngờ phát hiện nhà của mình đã bị phá ổ khóa; ông Dũng, bà Bé vào ở, ngôi nhà bị chiếm dụng trái phép từ đó đến nay. Ông Hiếu đã đi khiếu nại, đòi nhà nhưng các cơ quan chức năng chưa có phương án xử lý dứt điểm.

 Ngôi nhà hai tầng của ông Hiếu bị chiếm dụng trong thời gian dài. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Ngôi nhà hai tầng của ông Hiếu bị chiếm dụng trong thời gian dài. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Quyền sở hữu căn nhà đã được chuyển giao cho ông Hiếu

Căn cứ các quy định của Luật THADS và các văn bản pháp luật có liên quan, trong trường hợp Cơ quan THADS kê biên, bán đấu giá tài sản thì cơ quan THADS chính là người có tài sản bán đấu giá. Khi cơ quan THADS đã giao tài sản hoặc cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá thì nghĩa vụ của người có tài sản bán đấu giá xem như đã thực hiện xong, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Kể từ thời điểm người mua trúng đấu giá trực tiếp nhận bàn giao tài sản và ký nhận vào biên bản giao tài sản do cơ quan thi hành án lập thì người mua trúng đấu giá đã được chuyển giao quyền sử dụng, quản lý tài sản và họ có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Điều 106 Luật THADS quy định, người mua được tài sản thi hành án được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho người mua tài sản. Cơ quan THADS có trách nhiệm cung cấp đầy đủ văn bản, giấy tờ cần thiết cho người mua tài sản thi hành án.

Tái chiếm tài sản thi hành án là hành vi vi phạm pháp luật

Như vậy, trong trường hợp này, ông Hiếu là người mua trúng đấu giá đã được cơ quan THADS cưỡng chế bàn giao tài sản trúng đấu giá. Tại thời điểm được bàn giao tài sản trúng đấu giá, các bên đã ký biên bản bàn giao thì ông Hiếu đã được chuyển giao quyền sử dụng, quản lý tài sản và là chủ sở hữu, sử dụng hợp pháp đối với tài sản này và được pháp luật bảo vệ. Ông Hiếu chỉ cần hoàn thiện thêm thủ tục liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu cấp giấy chứng nhận đối với tài sản mình đã mua.

Trong trường hợp này, ông Hiếu là người mua trúng đấu giá đã được cơ quan thi hành án cưỡng chế giao tài sản đúng quy định pháp luật. Đồng thời, ông Hiếu cũng đã trực tiếp quản lý sử dụng trong một thời gian thì mới bị người phải thi hành án tái chiếm, sử dụng tài sản này. Do đó, mọi hành vi cản trở, xâm phạm, chiếm đoạt tài sản của người nhận tài sản theo thủ tục đấu giá là vi phạm pháp luật.

Căn cứ khoản 4 Điều 13 Nghị định số 62/2015, tài sản đã được giao trên thực tế cho người nhận tài sản và người đó đã ký nhận vào biên bản giao, nhận tài sản nhưng sau đó bị chiếm lại thì cơ quan THADS không có trách nhiệm giao lại tài sản cho người được nhận tài sản. Người đã nhận tài sản có quyền đề nghị UBND cấp xã nơi có tài sản yêu cầu người chiếm lại tài sản trả lại cho họ. Nếu người chiếm lại tài sản không trả lại thì người nhận tài sản có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Hành vi tái chiếm tài sản thi hành án là hành vi vi phạm pháp luật và ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền tài sản của người mua trúng đấu giá và thể hiện sự xem thường pháp luật, không chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng phải làm hết trách nhiệm của mình, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự

Căn nhà của ông Hiếu là tài sản được mua hợp pháp thông qua thủ tục bán đấu giá. Quyền sở hữu nhà ở, đất ở của ông Dũng và bà Bé đã chấm dứt từ khi có quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản và bàn giao cho người nhận tài sản. Còn quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất của ông Hiếu phát sinh từ thời điểm khi ông Hiếu nộp đủ số tiền 1,6 tỉ đồng mua đấu giá và được cơ quan thi hành án cưỡng chế, bàn giao tài sản.

Việc cấp giấy chứng nhận cho ông Hiếu là quan hệ về thủ tục hành chính và không làm mất đi, thay đổi quyền sở hữu tài sản được mua hợp pháp của ông Hiếu.

Hành vi lợi dụng việc ông Hiếu vắng nhà để chiếm giữ nhà không trả mặc dù ông Hiếu đã nhiều lần yêu cầu, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 BLHS hoặc tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 176 BLHS.

Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM

ThS HỒ QUÂN CHÍNH, Trưởng bộ môn Đào tạo các chức danh THADS tại Cơ sở TP.HCM của Học viện Tư pháp

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-di-an-gio-ve-thi-mat-nha-lam-sao-lay-lai-nha-bi-chiem-post826375.html