Vũ Di thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ
Nhờ triển khai tốt các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, nhiều hộ dân xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường có người thân qua đời đã lựa chọn hình thức hỏa táng; các nghi lễ trong đám tang được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm. Điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong quan điểm, nhận thức của người dân về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang.
Bà Nguyễn Thị Tĩnh, Trưởng thôn Vũ Di, xã Vũ Di cho biết: "Trước đây, việc hỏa táng cho người thân qua đời còn khá xa lạ với người dân địa phương. Việc tổ chức đám tang, chôn cất, cúng 49 ngày, cúng 100 ngày, sang cát cho người quá cố đã trở thành gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình.
Để thay đổi quan niệm này, các đồng chí lãnh đạo, đại diện các ban, ngành, đoàn thể của thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang; phân tích những điểm hạn chế, lạc hậu khi thực hiện việc tang theo hình thức cũ và ưu điểm của hình thức mới để các gia đình so sánh, tự đánh giá và lựa chọn hình thức tiến bộ, văn minh hơn.
Lâu dần, nhiều người dân trong thôn đã nhận thấy nét văn minh của việc hỏa táng và tự nguyện thực hiện. Nhờ đó, số người qua đời được gia đình lựa chọn đưa đi hỏa táng tăng theo từng năm. Năm 2021, 100% gia đình có người thân qua đời đều lựa chọn hình thức hỏa táng trước khi tổ chức tang lễ để đảm bảo vệ sinh môi trường".
Không chỉ riêng thôn Vũ Di, nhiều năm nay, việc tang được các gia đình có người quá cố trong xã tổ chức văn minh, tiến bộ theo nếp sống mới. Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Di Phan Biên Cương cho biết: "Để cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, tỉnh, huyện vào cuộc sống, UBND xã đã vận động quần chúng nhân dân ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Khi trong thôn có người qua đời, cán bộ thôn, Ban công tác mặt trận thôn đến gặp gỡ, chia buồn với gia đình; phối hợp tổ chức tang lễ phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương và điều kiện kinh tế của gia đình.
Đại diện các ban, ngành, đoàn thể trong thôn, xã vận động gia đình sử dụng hình thức hỏa táng thay cho địa táng; bỏ những hủ tục lạc hậu, rườm rà, tốn kém; việc chôn cất đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các gia đình có người qua đời thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch trong đám tang. Thời gian tổ chức lễ tang được rút ngắn; tang lễ được tổ chức trong nội bộ gia đình và các mối quan hệ thân thiết; không tổ chức mời khách ăn uống trong đám tang, cúng 49 ngày, cúng 100 ngày...".
Việc cải táng cũng được tổ chức văn minh, tiến bộ. Các gia đình chỉ thực hiện cải táng cho người quá cố sau ít nhất 48 tháng kể từ khi chôn cất, trường hợp đặc biệt phải xin phép UBND xã nhưng thời gian phải đủ 36 tháng trở lên.
Đại diện gia đình phải làm đơn báo cáo trưởng thôn trước 1 tuần và viết bản cam kết thực hiện việc cải táng đúng theo quy định của hương ước, quy ước làng văn hóa, giữ vệ sinh môi trường sau khi cải táng; việc xây mộ sau khi cải táng phải thực hiện theo quy hoạch chung.
Để người dân làm theo, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện tốt nếp sống văn minh khi gia đình có việc tang hay cải táng. Nhiều thôn dân cư đã đưa việc tổ chức đám tang theo nếp sống văn hóa mới vào hương ước để các gia đình thực hiện theo đúng quy định. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, những năm gần đây, ý thức của người dân về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang ngày càng được nâng cao.
Năm 2021, toàn xã có 22/24 trường hợp gia đình chọn hình thức hỏa táng khi có người thân qua đời, chiếm 91,7%. Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều gia đình đã lựa chọn việc hỏa táng trước khi tổ chức tang lễ để đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần hình thành nếp sống mới văn minh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư.
Bài, ảnh: Bạch Nga