Vụ Địa ốc Alibaba lừa hơn 4.300 người: Cơ quan chức năng các tỉnh có vô can?

Trong vụ án Địa ốc Alibaba lừa đảo hàng ngàn người trong suốt thời gian dài, cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu sai phạm của cơ quan chức năng các tỉnh thành và sẽ tách ra xem xét xử lý sau.

Bán cả đất của người khác

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba) sẽ được TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vào sáng 12/8/2022. Đây là vụ án có 4.316 bị hại và số tiền Địa ốc Alibaba được cho đã chiếm đoạt lên đến 2.264 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ điều hành Địa ốc Alibaba) và 19 bị cáo khác bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình điều tra, Luyện thừa nhận là người chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Địa ốc Alibaba, chỉ đạo người thân và nhân viên thân tín đi mua đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận. Vị trí đất và giá mua theo Luyện chỉ định.

Để phục vụ cho hành vi lừa đảo, Luyện cho người thân và nhân viên thân tín đứng tên giám đốc và người đại diện pháp luật của 22 công ty trực thuộc Địa ốc Alibaba.

Các cá nhân sau khi mua được đất sẽ ủy quyền để các công ty trực thuộc làm chủ đầu tư, tự vẽ “dự án”. Tiếp đó, các công ty này sẽ ký hợp đồng hợp tác để Địa ốc Alibaba toàn quyền phân phối đất nền tại các “dự án”.

Nguồn tiền mua đất được huy động từ chính khách hàng. Hàng chục dự án khu dân cư không có thật được “tập đoàn lừa đảo” này vẽ ra, tự đặt tên dự án và quảng cáo là dự án có pháp lý đầy đủ.

Một thửa đất nông nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Địa ốc Alibaba vẽ ra thành "dự án" để bán cho khách hàng.

Một thửa đất nông nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Địa ốc Alibaba vẽ ra thành "dự án" để bán cho khách hàng.

Cơ quan điều tra xác định, có trường hợp dù không ký hợp đồng đặt cọc hoặc nhận chuyển nhượng nhưng thửa đất của người dân đang sử dụng cũng được Địa ốc Alibaba vẽ “dự án” Alibaba Phú Mỹ Center City (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Đây là khu đất gồm 6 thửa có tổng diện tích 5,2ha, thuộc quyền sử dụng của ông L.T.T và bà L.T.T. Dù hai người này không hề chuyển nhượng nhưng Địa ốc Alibaba vẫn tự vẽ ra “dự án” và phân làm 456 nền đất để bán cho nhiều người.

Với dự án “ma” này, cơ quan điều tra thu giữ 743 hợp đồng Địa ốc Alibaba ký với 1.005 khách hàng với số tiền trên hợp đồng thể hiện gần 196 tỷ đồng.

Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm còn sử dụng thủ đoạn “xoay vòng”, tức nhiều “dự án” sau khi bán còn tồn đọng thì đổi tên hoặc sáp nhập vào “dự án” khác để bán tiếp.

Đơn cử như “dự án” Alibaba Long Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) được đổi tên thành Alibaba Long Phước 1. Đến cuối năm 2018, khi Alibaba Long Phước 1 không còn bán được thì Luyện chỉ đạo đổi tên thành Alibaba NewLand.

Hay “dự án” Alibaba Long Phước 6 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) khi không bán được Luyện chỉ đạo cấp dưới tự vẽ lại thành “dự án” Alibaba City Land, Alibaba Luxury City. Hoặc “dự án” Alibaba Golden City (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) được chuyển tên từ Alibaba Long Phước 12...

Làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng

Trong vụ án xảy ra tại Địa ốc Alibaba, cơ quan điều tra xác định, việc để Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trong thời gian dài có dấu hiệu sai phạm, trách nhiệm của nhiều cá nhân, đơn vị liên quan.

Thông qua môi giới hoặc trực tiếp, chủ các thửa đất nông nghiệp đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các cá nhân có liên quan đến Địa ốc Alibaba. Hầu hết, giá trị thửa đất chuyển nhượng trên hợp đồng đều thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế thanh toán.

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã chuyển phần nội dung làm việc với chủ đất đến Cơ quan CSĐT Công an các tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận để điều tra, làm rõ và xử lý chung đối với các dấu hiệu sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương trên.

Đối với các văn phòng công chứng xác nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa chủ đất với các cá nhân liên quan đến Địa ốc Alibaba, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự các văn phòng này.

Bởi kết quả điều tra xác định, các văn phòng công chứng chỉ xác nhận giá trị thanh toán trên hợp đồng chuyển nhượng giữa các bên tham gia giao dịch, không chịu trách nhiệm về giá trị và nội dung thanh toán thực tế.

Về dấu hiệu sai phạm liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận trong việc để các cá nhân mua đất nông nghiệp cho Địa ốc Alibaba phân lô tách thửa trái quy định trong một thời gian dài, cơ quan điều tra sẽ tách ra xem xét xử lý sau, không xem xét trong vụ án này.

Hành vi chuyển nhượng giá đất nông nghiệp với giá cao nhưng thực hiện hợp đồng công chứng với giá thấp, có dấu hiệu của tội “trốn thuế” tại TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận cũng được xem xét xử lý sau.

Anh Phương

Anh Phương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vu-dia-oc-alibaba-lua-hon-4-300-nguoi-co-quan-chuc-nang-cac-tinh-co-vo-can-2046231.html