Vụ Diễm M. hot TikToker lái BMW 140km/h, tung clip lên mạng: Xử phạt quá nhẹ?
Điều khiển xe BMW chạy 140km/h trong khu đô thị, cô gái N.T.D.M. (hot TikToker Diễm M.) đã bị cơ quan công an phạt 11 triệu đồng và tước GPLX 3 tháng. Nhiều ý kiến xung quanh sự việc, mức phạt này có nhẹ?
Gần đây, vụ việc một cô gái điều khiển chiếc xe sang BMW 3-Series với tốc độ có lúc lên tới 140km/h tại một khu đô thị ở TP. Thủ Đức (TP. HCM) đã khiến cư dân mạng dậy sóng.
Chiều 11/12, Công an phường An Lợi Đông đã phối hợp cùng Đội CSGT-TT, Công an TP. Thủ Đức xác minh và triệu tập N.T.D.M. - cô gái lái xe trong clip, lập biên bản. Kết quả, cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cô gái này với mức tiền là 11 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe (GPLX) 3 tháng.
Mấy ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao về clip của hot TikToker "Diễm Mi BMW" chạy xe ô tô với tốc độ 140km/h tại khu vực đường Nguyễn Cơ Thạch, TP. Thủ Đức.
Theo clip được lan truyền, thời điểm chạy nhanh nhất, trên bảng điện tử của chiếc ô tô này hiện vận tốc 140km/h. Mà tại tuyến đường Nguyễn Cơ Thạch, vận tốc tối đa của ô tô chỉ có 60km/h.
Người chạy xe tốc độ lên tới 140km/h trong clip là Diễm M., cô gái trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội TikTok với tài khoản có hơn 500.000 người theo dõi, gần 7 triệu lượt thích.
Hiện, clip chạy xe vượt tốc độ đã không còn trên trang TikTok của cô gái này.
Lái xe 140km/h khó có thể an toàn
Dù cơ quan công an đã nhanh chóng xác minh và xử phạt đối với nữ tài xế này, tuy vậy, trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, câu chuyện liên quan đến hành vi cố tình lái xe tốc độ cao trong khu dân cư, sau đó quay clip để đăng lên mạng "câu view" vẫn thu hút được sự chú ý và tranh luận không ngớt.
Người sáng lập giải đua xe địa hình đối kháng KOK, anh Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar) cho rằng, việc chạy xe tốc độ cao vi phạm luật giao thông ở trong thành phố là điều cần lên án.
Theo vị chuyên gia này, dù chiếc xe có trang bị hiện đại, xử lý phanh thông minh, nhạy bén nhưng với đặc điểm giao thông đô thị như Việt Nam, yếu tố bất ngờ như xe máy lao ra từ hẻm, ngõ, đi đường rẽ không quan sát là rất hay xảy ra. Điều này sẽ khiến lái xe dù có kinh nghiệm lâu năm cũng khó xử lý kịp thời ở tốc độ trên 100 km/h.
"Nếu muốn thử công nghệ, thử tốc độ hay kỹ năng xử lý, nên đưa xe vào trường đua hoặc những khu vực riêng biệt như khu đất trống không phải là đường giao thông, đồng thời phải có sẵn phương án xử lý an toàn", anh Hải chia sẻ.
Với góc nhìn từ một người đang làm công tác đào tạo lái xe, anh Nguyễn Thanh Tùng - giảng viên dạy lái xe tại Hà Nội cũng khẳng định, dù điều khiển xe đời mới với nhiều tính năng hỗ trợ người lái và ở khu vực vắng vẻ nhưng khi chạy với tốc độ lên đến 140km/h thì không thể nói là an toàn được.
"Theo quan sát, đoạn đường trên vẫn có nhiều phương tiện cùng tham gia giao thông, lại không có dải phân cách nên nguồn nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào và theo bất cứ hướng nào. Hạ tầng, thiết kế đường sá tại các khu đô thị là chưa đủ để lái xe với tốc độ cao như vậy", anh Tùng nói.
Cũng đồng quan điểm về việc không nên thử tốc độ cao trong đô thị vi phạm Luật Giao thông đường bộ, anh Phạm Thành Lê (Admin diễn đàn Otofun) nhìn nhận: "Tôi thấy những vụ lái xe quá tốc độ rồi khoe lên mạng như cô gái đi xe BMW là không nhiều. Tuy nhiên, đó là hình ảnh rất xấu, phản cảm. Những người không hiểu biết có thể học theo hoặc cố tình đua theo tạo trào lưu tiêu cực".
"Dù vậy, sau khi clip được đăng tải, tôi nhận thấy hầu hết các ý kiến trên cộng đồng mạng đều bày tỏ thái độ chỉ trích thay vì cổ súy. Ngay lập tức, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử phạt nặng nữ tài xế. Từ đoạn clip là bằng chứng vi phạm với động thái nghiêm khắc, kịp thời của cơ quan chức năng, những người có ý định câu view tương tự phải chùn mình, tiết chế bản thân", anh Lê nói.
Như VietNamNet đã thông tin, ngày 11/12, tài khoản Facebook D.M. đăng tải 1 đoạn clip điều khiển ô tô hiệu BMW 350i, thuộc dòng 3-Series. Tài khoản D.M. được xác định là Facebook chính chủ của N.T.D.M. Thời điểm trên, bên cạnh cô gái có một người khác dùng điện thoại ghi lại toàn bộ sự việc.
Trong clip, D.M. có “khoe” về khả năng lái ô tô và các tính năng an toàn của chiếc xe sang trên đường Nguyễn Cơ Thạch, phường An Lợi Đông (TP. Thủ Đức, TP. HCM). Đặc biệt, trong clip có lúc nữ tài xế này đạp thốc ga và màn hình trước tay lái thông báo tốc độ xe là 140km/h. Theo quy định, tuyến đường này chỉ được chạy với tốc độ tối đa 60km/h.
Clip đăng trên Facebook D.M. đã nhận nhiều lượt chia sẻ và ý kiến bình luận. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ cô gái lái xe với tốc độ cao như thế trong khu đô thị là rất nguy hiểm cho bản thân và người đi đường.
Cần thêm hình phạt để răn đe
Trao đổi sâu với PV VietNamNet về sự việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi tham gia giao thông mà điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép như của cô gái lái BMW là vi phạm pháp luật, đã được các cơ quan chức năng xử lý thích đáng theo quy định.
Với một số ý kiến đề nghị xử lý cô gái lái BMW cần phải “nặng tay” hơn, thậm chí là xử lý hình sự đối với hành vi gây rối trật tự công cộng, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc có xử lý hình sự hay không còn phải căn cứ vào kết quả xác minh và hậu quả xảy đã được quy định trong Điều 260 Bộ luật Hình sự (gây chết người, thương tích, tổn hại sức khỏe hoặc thiệt hại về tài sản...)
“Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì hành vi của cô gái này chưa gây ra hậu quả tai nạn giao thông, cũng chưa có căn cứ để có thể kết luận là khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, nên hành vi vi phạm giao thông này chưa đến mức xử lý hình sự”, luật sư Cường nhận định.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc cô gái đăng tải clip lái xe đến 140km/h lên mạng không chỉ vi phạm điều khiển xe chạy quá tốc độ thông thường mà còn có dấu hiệu của việc đưa thông tin trái pháp luật lên không gian mạng. Đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 5-10 triệu đồng theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Nặng hơn, nếu hành vi đưa thông tin trái phép trên mạng internet được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, tội đưa thông tin trái phép trên mạng internet hoặc các tội danh khác theo quy định của Bộ luật Hình sự.
"Theo tôi trong tình huống trên, hành vi đưa thông tin lên mạng internet của cô gái chưa đến mức được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, nên việc các cơ quan công an không xử lý hình sự là có cơ sở. Tuy nhiên, nếu sau khi người này đưa thông tin về hành vi vi phạm giao thông của mình lên mạng internet mà có người làm theo, học theo người này dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc có thể phát sinh trào lưu học theo gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội thì lúc đó có thể xem xét xử lý hình sự ", luật sư Cường chia sẻ quan điểm.
Về mức phạt, anh Nguyễn Thanh Tùng nhận định, vi phạm của nữ tài xế khi chạy xe tới 140km/h ở đoạn đường 60km/h, vượt tới hơn 130%, là cực kỳ nguy hiểm. Tuy vậy, quy định hiện nay lại chưa có hình thức xử phạt tương xứng vì "kịch khung" trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP vẫn chỉ là phạt tiền 10-12 triệu đồng, tước GPLX 2-4 tháng khi vượt tốc độ trên 35km/h.
Vị giảng viên dạy lái xe hơn 20 năm kinh nghiệm này cho rằng, chạy 140km/h ở đường đô thị cho phép 60km/h so với chạy 140km/h ở cao tốc cho phép 100km/h là hoàn toàn khác nhau, nhưng hiện nay nếu chiếu theo quy định thì đang có cùng mức xử phạt, nên chăng cần được điều chỉnh.
"Lái xe với tốc độ cao tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm nhưng mức phạt chưa đủ sức răn đe. Theo tôi, các cơ quan hữu quan có thể bổ sung thêm một mức tốc độ cao hơn và phạt nặng hơn, ví dụ như vượt quá 55km/h có thể bị phạt tới 40 triệu và tước bằng lái xe 2 năm giống như mức phạt về nồng độ cồn", anh Tùng nêu quan điểm.
Hoàng Hiệp - Đình Quý
Bạn có góc nhìn nào về nội dung trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc cộng tác, gửi tin bài về Ban Ô tô xe máy - Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!