Vũ điệu của những đốm hỏa mù

Ngày 2/9, Chính phủ Anh thông báo: Lập tức đình chỉ 30 giấy phép xuất khẩu vũ khí sang Israel với lý do là bởi nước Anh nhận thấy 'nguy cơ hiện hữu' về việc vũ khí Anh có thể được sử dụng để vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo tại Dải Gaza. Tuy nhiên, phía sau câu chuyện này, có lẽ còn là những thông điệp kín đáo, được gửi đến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, từ phương Tây.

Phía sau nỗi thất vọng

Cho dù ngay sau động thái đó của London, Bộ Ngoại giao Israel ra tuyên bố chỉ trích quyết định của Chính phủ Anh - mà theo ngôn từ được Ngoại trưởng Israel Israel Katz sử dụng, thì đó là “một thông điệp rất có vấn đề” được nước Anh gửi tới phong trào Hồi giáo Hamas cũng như thế lực hậu thuẫn cho lực lượng này (tức là Iran) - thì thực tế, lập trường chính thống của London đối với cuộc xung đột trên Dải Gaza vẫn hầu như không có gì thay đổi.

Bởi vì, thật ra, mới chỉ có 30 giấy phép bán vũ khí cho Israel bị định chỉ, trong tổng số 350 giấy phép hiện hành. Quyết định (nhìn có vẻ quyết liệt) ấy - trên lý thuyết sẽ bao trùm các loại phụ tùng dành cho máy bay quân sự, gồm chiến đấu cơ, trực thăng và thiết bị bay không người lái - còn không bao gồm các loại phụ tùng dành cho chương trình tiêm kích chung F-35, ngoại trừ các linh kiện do Anh cung cấp được dành riêng cho những chiến đấu cơ mà Israel độc quyền sử dụng.

Dù thế nào, Israel cũng vẫn là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ tại Trung Đông.

Dù thế nào, Israel cũng vẫn là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ tại Trung Đông.

Và, phát biểu trước Quốc hội Anh khi công bố quyết định gây nên một chút “sóng gió” trong quan hệ hai nước, Ngoại trưởng Anh David Lammy vẫn tái khẳng định: London ủng hộ “quyền tự vệ của Israel theo quy định của luật pháp quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh: Lệnh đình chỉ sẽ không gây ra “tác động lớn đến an ninh của Israel”.

Tuy vậy, người đồng cấp Israel của ông vẫn buộc phải bày tỏ “sự thất vọng” của Tel Aviv về quyết định đình chỉ vừa được đưa ra, cũng như đối với những động thái trước đây của London liên quan tới hoạt động quân sự của Israel trên Dải Gaza. Ông Katz cũng hy vọng “tình bạn sâu sắc giữa Anh và Israel, vốn đã tồn tại kể từ khi Israel lập quốc, sẽ được tiếp nối trong tương lai”.

Vậy thì, “những động thái trước đây của London, liên quan tới các hoạt động quân sự của Israel trên Dải Gaza” là gì?

Như Bộ Ngoại giao Anh hé lộ, họ đã tiến hành một cuộc rà soát, kiểm tra thực địa kéo dài 2 tháng và kết quả của nó nêu bật những lo ngại về cách hành xử của Israel trong cuộc xung đột tại Gaza. Mặc dù không có bất kỳ kết luận chắc chắn nào được đưa ra - về việc liệu các giấy phép xuất khẩu vũ khí của London có góp phần tạo nên sự tàn phá ở vùng lãnh thổ của Palestine hay không - song Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh mức độ tàn phá và con số dân thường thiệt mạng đã gây ra mối lo ngại to lớn.

Bên cạnh nước Anh, có lẽ cũng cần nhắc đến một động thái đáng chú ý khác từ nước Mỹ. Cùng ngày 2/9, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện sự thất vọng đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, khi cho rằng người đứng đầu chính phủ Tel Aviv đương nhiệm chưa nỗ lực đủ, để đạt được thỏa thuận trao trả tự do cho những con tin hiện vẫn còn bị Hamas giam giữ.

Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp giữa ông chủ Nhà Trắng với một số nhà đàm phán - những người được triệu tập sau khi quân đội Israel phát hiện 6 thi thể con tin tại Dải Gaza hôm 31/8, trong đó có 1 người Mỹ gốc Do Thái. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) William Burns, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và một số quan chức cấp cao Mỹ cũng tham dự cuộc họp đó.

Điều hiển nhiên là cả hai phía Hamas và Israel đều đổ lỗi cho nhau về cái chết của 6 con tin nêu trên. Người phát ngôn của Lữ đoàn Al-Qassam, cánh quân sự của Hamas, ông Abu Obeida tuyên bố: Thủ tướng Netanyahu và quân đội Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cái chết của 6 người này, do đã cố tình cản trở các thỏa thuận trao đổi tù nhân. Về phía Israel, Ngoại trưởng Israel Katz cáo buộc trách nhiệm thuộc về Hamas, đồng thời cảnh báo Tel Aviv sẽ đáp trả mạnh mẽ.

Dường như sau sự vụ này, cả London lẫn Washington đều đã chọn cùng một cách phản ứng.

Một vòng xoay bất định

Cũng bắt nguồn từ sự vụ 6 con tin thiệt mạng, theo tờ Axios, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc đưa ra đề xuất cuối cùng về việc trao trả con tin và ngừng bắn ở Gaza tới Israel và Hamas. Thỏa thuận này dự kiến bao gồm một đề xuất cho Hành lang Philadelphi - dải đất hẹp dài hơn 14 km ngăn cách Gaza với Ai Cập - kênh trung gian quan trọng, đồng thời cũng là điểm xuất phát của phần lớn các hoạt động cứu trợ nhân đạo dành cho người dân trên Dải Gaza. Theo Axios, Washington hy vọng Hamas và Ai Cập có thể chấp nhận đề xuất này.

Song, các diễn biến thực tế đi ngược lại hoàn toàn mong muốn đó của người Mỹ. Đến ngày 2/9, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty vẫn nhắc lại lập trường kiên quyết phản đối của quốc gia Bắc Phi đối với quyền kiểm soát của Israel tại Hành lang Philadelphi, đồng thời tuyên bố việc làm này của Tel Aviv là “không thể chấp nhận được”. Trước đó, trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh Israel phải tiếp tục triển khai quân sự ở đó trong thời gian diễn ra lệnh ngừng bắn thì Hamas và Ai Cập phản đối kịch liệt.

“Ngừng cung cấp vũ khí cho Israel” - một lời kêu gọi dành cho nước Anh.

“Ngừng cung cấp vũ khí cho Israel” - một lời kêu gọi dành cho nước Anh.

Hamas tuyên bố chỉ chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với Israel nếu Tel Aviv rút quân hoàn toàn khỏi Hành lang Philadelphi. Đối với họ, các trạm kiểm soát quân sự chính là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất về sự chiếm đóng của Israel đối với Bờ Tây cũng như Dải Gaza. Tuy nhiên, Israel cho rằng những trạm kiểm soát như vậy là cần thiết nhằm bảo đảm an ninh. Ngược lại, người Palestine coi đây là sự bắt đầu lại một cuộc tiến trình thôn tính mới, kéo theo việc xây dựng các khu định cư Do Thái mới.

Còn từ góc độ của mình, Ai Cập nhận thấy các hoạt động của Israel dọc biên giới đe dọa hiệp ước hòa bình mang tính bước ngoặt năm 1979 giữa hai nước. Do đó, Ai Cập từ chối mở cửa khẩu Rafah, cho đến khi Israel trả lại phía Gaza cho người Palestine kiểm soát. Ai Cập luôn nhấn mạnh quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah bên phía Gaza phải nằm dưới sự giám sát của người Palestine và yêu cầu khôi phục hiện trạng như trước ngày 7/10/2023. Không chỉ vậy, người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập còn lớn tiếng chỉ trích “một số quốc gia áp dụng tiêu chuẩn kép”, trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột giữa Phong trào Hamas và Israel.

“Một số quốc gia” ấy, cho dù là phiếm chỉ một cách đầy tính ngoại giao, có lẽ cũng đủ để những đại cường dẫn dắt thế giới phương Tây, như Mỹ và Anh, phải cẩn trọng hơn trong cách thực thi đường lối đối ngoại của mình, đối với điểm nóng này (cũng là một thảm kịch nhân đạo đúng nghĩa, với hơn 40.000 sinh mạng người Palestine đã bị cướp đi, kể từ đầu chiến dịch trả đũa quân sự của Israel tại Gaza). Không ai muốn uy tín của mình bị “vạ lây” khi “dính dáng” tới một chủ đề nhạy cảm như vậy. Đó là chưa kể, ngay trong nội bộ, Chính phủ Israel đang phải chịu tứ bề sức ép, khi hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình trong ngày 1/9, trong khi công đoàn kêu gọi đình công, buộc một tòa án Israel phải ban lệnh. Người thân và những người ủng hộ các con tin cáo buộc chính quyền của Thủ tướng Netanyahu chưa hành động đủ để đưa những người bị bắt trở về nhà.

Rồi sau đó, như chúng ta thấy, London ban hành một quyết định đình chỉ theo kiểu “giơ một ngón tay lên dọa dẫm”, đối với quân đội Israel. Cùng lúc, để làm “nguôi lòng” Ai Cập cũng như để thể hiện vị thế, Washington “răn đe” Tel Aviv “nghiêm khắc” hơn một chút, nhưng thật ra những lời nhận xét của đương kim Tổng thống Mỹ không đi kèm biện pháp thực tế nào.

Ngoài thực địa, Hamas thông báo đã công bố hướng dẫn mới về việc canh gác tù nhân cũng như các con tin đang bị giam giữ nhằm ứng phó trường hợp bị quân đội Israel tiếp cận địa điểm. Đương nhiên, họ cũng sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với những đợt tấn công mới khốc liệt hơn mà phía Israel đã “hứa hẹn”. Hòa đàm thì nhiều khả năng vẫn bế tắc, quanh nút thắt Philadelphi. Công tác cứu trợ nhân đạo, bất chấp lời kêu gọi thống thiết từ Liên hợp quốc rằng nó cần phải được tạo mọi điều kiện để được tiến hành khẩn cấp, vẫn đứng trước nguy cơ đình trệ hoặc nhỏ giọt.

Còn những sinh mạng thường dân vô tội thì vẫn cứ bị cướp đi, bởi cả hoàn cảnh thiếu thốn ngặt nghèo về miếng ăn thức uống lẫn đạn bom...

Thiên Thư

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/vu-dieu-cua-nhung-dom-hoa-mu-i743435/