Vũ Diệu Thảo và duyên phận Tỳ bà
Chạm tay vào cây đàn Tỳ bà ở tuổi 8-9, đối mặt với lựa chọn dừng lại hay tiếp tục ở tuổi 18 và giờ, sau mấy thập kỷ, Vũ Diệu Thảo vẫn ở cạnh cây đàn của mình bằng một niềm tin duy nhất: 'Là duyên là phận và cũng là nghiệp'.
Nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo
Nhắc đến Vũ Diệu Thảo là người ta nhắc đến "Phía trước là bầu trời". Một vai diễn phụ nhưng vẻ đẹp trong vắt của cô nữ sinh 15 tuổi đã khiến nhiều khán giả không thể nào quên.
Dấu son cuộc đời mà bất kỳ diễn viên chuyên nghiệp nào cũng khao khát có được ấy, Vũ Diệu Thảo đã đặt nó sang một bên để chọn đàn Tỳ bà. Tiếc không? Có tiếc. Có day dứt không? Có day dứt. Tự đấu tranh với những khao khát mâu thuẫn trong chính mình. Đến mức Thảo còn phải tháo chiếc sim điện thoại ra để không còn lời mời đóng phim nào đến với mình nữa. Nhưng có ân hận không? Thảo bảo không. Bởi điện ảnh như một cơn say nắng mà cô phải dũng cảm dứt bỏ và thoát ra. Còn đàn Tỳ bà mới thực sự là duyên phận của cô.
Dạy học như một nhu cầu bản năng
+ Chị có còn nhớ ngày mình đến với đàn Tỳ bà không?
Đó là một câu chuyện tuổi thơ tôi. Mẹ tôi rất yêu nghệ thuật nhưng có nhiều thăng trầm khiến bà không theo đuổi được. Bao nhiêu ước mơ và đam mê bà gieo vào con gái bà là tôi. Nhà tôi ở cạnh Nhạc viện. Ngày ngày bà cõng tôi sang đó xin học. Ban đầu tôi học piano, sau đó là đàn tranh. Tôi còn học nhiều nhạc cụ khác. Cứ thế, một ngày tôi lên 8-9 tuổi gì đó, u Mai Phương (NSND Mai Phương - PV) bảo mẹ tôi rằng khoa Tỳ bà có 1 chỉ tiêu tuyển sinh đấy. Thế là mẹ tôi cho tôi đi học ôn, vài tháng sau thì tôi thi đỗ vào trường. Tôi gắn bó với đàn Tỳ bà từ đấy.
+ Tôi biết nhiều người như chị, tức là đặt chân vào nghệ thuật hoàn toàn do định hướng của cha mẹ. Rồi đến khi họ trưởng thành, họ vùng vẫy để thoát ra. Còn chị, khi có một cơ hội thoát ra ở tuổi 15, chị lại từ chối. Vì sao vậy?
Tôi chưa bao giờ có ý định vùng vẫy để thoát ly cây đàn của tôi. Điều này xuất phát từ việc tôi ham học từ bé. Bố mẹ cho tôi học nhiều thứ, từ đàn, vẽ, múa, cờ, thêu thùa, cắm hoa…, học gì tôi cũng mê cả. Với đàn Tỳ bà cũng vậy, các cô yêu thương tôi như con, lúc nào cũng khen, khuyến khích nên không có gì để tôi phải vùng vẫy, quay lưng dù ban đầu đó là sự lựa chọn của mẹ tôi.
Hơn nữa, từ trong sâu thẳm, không hiểu điều gì khiến tôi rất thích nghề giáo. Một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời tôi khi tôi chỉ là một cô bé, tôi đã chọn nghề dạy học. Khi học đại học, tôi đã đi dạy thêm, trợ giảng cho cô. Đến lúc tốt nghiệp, bên cạnh công việc giảng dạy ở trường, tôi cũng mở các lớp học miễn phí đàn Tỳ bà. Tôi dạy học như một nhu cầu bản năng của mình.
+ Thế nên điện ảnh vẫn không hấp dẫn được chị dù ở tuổi 15 mơ mộng và dễ bị choáng ngợp bởi hào quang?
Không phải, tôi bị hấp dẫn chứ. Tôi đã trải qua một giai đoạn vất vả đấu tranh với chính mình. Tới mức, tôi phải bỏ luôn cái sim điện thoại để tự triệt tiêu những cảm xúc mâu thuẫn trong bản thân. Khi ấy có hàng chồng kịch bản phim dài tập chờ tôi, những lời mời gọi hấp dẫn. Người ta mong mỏi một vai diễn, còn tôi thì đắn đo lựa chọn. Nếu tôi biết tận dụng thì có thể sẽ có bước ngoặt khác. Nhưng sự lì lợm của tôi với nghề dạy học đã khiến tôi quyết định từ bỏ.
Nhẹ nhàng, thong dong mà đi
+ Thời điểm đó nhạc cụ truyền thống không được trân trọng như bây giờ. Một giảng viên dạy nhạc cụ truyền thống càng không mấy ai biết tới. Tại sao chị lại chọn chuyên tâm với cây đàn và nghề dạy đàn?
Tôi chỉ biết rằng, khi tôi còn bé, tôi đã lựa chọn như thế. Tôi biết tất cả những khó khăn của nghề này, cũng có khó khăn khiến tôi xao động, nhưng tôi vẫn quyết thế. Chứ không phải khi lớn lên, trưởng thành rồi, mình mới kiên định theo đuổi nó. Ở tuổi này, tôi tin vào thứ gọi là sự sắp đặt của định mệnh. Hoặc có thể là vì tôi lì lợm, bướng bỉnh, đã tin vào cái gì, lựa chọn cái gì là không bao giờ thay đổi.
Lớp học của tôi bây giờ cũng toàn học sinh bé xíu. 4-5 tuổi bố mẹ dắt đến, cô dỗ bánh dỗ kẹo để trẻ chịu học. Có trò học với tôi 10 năm mới quyết định thi vào trường. Sự "lì" của tôi với học trò ít nhiều cũng có tác dụng.
+Tôi biết các lớp học mà chị mở ở nhà đều miễn phí. Giữa lúc mà học phí học nghệ thuật luôn thuộc top cao của thị trường, đến mức người ta nghĩ rằng học nghệ thuật chỉ dành cho con nhà giàu, thì chị vẫn không lấy một đồng tiền công của học trò. Chị có thấy mình bất thường không?
Nhiều người bảo tôi hâm. Nhưng tôi chỉ làm theo những gì mình tin là đúng. Cũng không hiểu sao khá nhiều học sinh của tôi có hoàn cảnh khó khăn. Có nhà hai chị em cùng học, bố mẹ bán ruộng chỉ đủ tiền mua 1 cây đàn cho các con tập chung. Gần đây, có cô bé học rất giỏi, đã đỗ vào trường, gọi cho tôi bảo: "Cô ơi cô, con không còn sách vở nữa đâu, nhà con đang cháy, cháy hết rồi cô ạ".
Tất nhiên cũng có những học sinh khá giả theo học tôi nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy học phí. Giữa việc lấy thu nhập chỗ nọ bù vào chỗ kia và việc dạy học kiếm tiền thì tôi thấy việc phải tính toán lấy bao nhiêu tiền mỗi giờ học còn vất vả hơn. Tôi không thể cầm nổi tiền của học trò.
Tôi nghĩ cuộc sống công bằng lắm, không có gì phải tính toán. Mà không cớ gì với dạy học, cả cuộc đời tôi, tôi cũng không tính toán. Cứ nhẹ nhàng, thong dong mà đi.
+ 20 năm làm giảng viên đàn tỳ bà, Vũ Diệu Thảo có thấy sự lựa chọn của mình xứng đáng?
Những gì mà tôi đã cống hiến và cố gắng trong cả một quá trình rất dài, tôi thấy không hề uổng phí. Tôi được khán giả yêu thương, được các vị tiền bối và thầy cô của mình thừa nhận. Học trò của tôi thành danh, có vị trí nhất định trong nghề. Đàn tỳ bà ngày càng được trân trọng trong văn hóa thưởng thức nghệ thuật đại chúng. Những thành quả đó không thể tả được bằng lời.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vu-dieu-thao-va-duyen-phan-ty-ba-2023011715292671.htm