Vụ đông liên kết
Vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm ở nhiều địa phương, giúp nông dân tăng thu nhập, nhưng để không 'được mùa, mất giá', cần sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, HTX và doanh nghiệp.
Nghe dự báo miền Bắc chuẩn bị đón không khí lạnh đầu mùa vào cuối tháng 9, anh Nguyễn Văn Viên ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) gọi điện cho doanh nghiệp anh ký kết thu mua nông sản hỏi xem sau khi thu hoạch su hào vụ đông sớm xong sẽ trồng cây gì tiếp theo. Sự tính toán này của anh Viên không thừa vì miền Bắc lạnh sớm cũng có nghĩa những cây anh chọn trồng sắp tới phải vừa hợp thời vụ, vừa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thu mua. Nếu nhà nông không chủ động tính toán và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thì rất dễ rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”.
Vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm ở nhiều địa phương, giúp nông dân tăng thu nhập. Nhưng không phải ở đâu làm vụ đông cũng hiệu quả mà những “trái đắng” do thị trường tiêu thụ khó khăn nhiều người hẳn chưa quên.
Có những năm củ cải trắng, cà rốt ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đổ bỏ đầy đồng. Nông dân không khỏi xót xa khi những lứa cà rốt, củ cải đến kỳ thu hoạch phải nhổ ủ làm phân bón ruộng. Hay ở Gia Lộc, "thủ phủ" của rau vụ đông cũng có những thời điểm cải bắp chất đầy ven đường không ai thu mua, nông dân phải đem về băm cho cá ăn… Những bài học về thị trường tiêu thụ cho sản phẩm vụ đông đã từng khiến nông dân trăn trở, nhà quản lý đau đầu thì mấy năm gần đây sản xuất vụ đông liên kết đã giải quyết được phần nào những lo lắng đó.
Để nông sản vụ đông tiêu thụ thuận lợi thì phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, HTX và doanh nghiệp. Nếu không cùng ngồi với nhau bàn bạc, tìm ra vụ đông năm nay trồng cây gì, chăm sóc ra sao, tiêu thụ thế nào thì khó có thể làm ăn lâu dài. Điều quan trọng hơn là cả "ba nhà" phải giữ được chữ tín. Nhà nông bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình làm sao chăm bón cho cây vụ đông phát triển tốt, bảo đảm chất lượng và cung ứng cho doanh nghiệp như đã ký kết, chứ đừng ăn xổi, phá hợp đồng bán ra bên ngoài khi họ mua với giá cao hơn. HTX cũng phải năng động tìm được nguồn cung ứng vật tư phục vụ sản xuất chất lượng, giá cả hợp lý thì mới có thể giúp bà con làm vụ đông thuận lợi. Phía doanh nghiệp cũng phải bảo đảm thu mua theo hợp đồng đã ký kết, đừng “đem con bỏ chợ” để nông dân mất niềm tin.
Vụ đông năm nay, Hải Dương phấn đấu gieo trồng 21.000 ha cây vụ đông. Tỉnh cũng đặt mục tiêu mở rộng từ 5-10% diện tích cây vụ đông so với kế hoạch, tương đương khoảng 1.500-2.000 ha. So với nhiều tỉnh, thành phố ở phía Bắc, Hải Dương có diện tích trồng cây vụ đông lớn nhất, nhì khu vực, nông dân cũng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Vụ đông năm 2021-2022, mặc dù gặp không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng giá trị sản xuất vụ này của Hải Dương vẫn đạt hơn 3.500 tỷ đồng. Những vùng trồng hành, tỏi, cà rốt, rau vụ đông ngày càng được đầu tư phát triển theo hướng chuyên canh, hàng hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại và sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhiều vùng trồng cây vụ đông còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đáp lại sự đầu tư đó thì tỉnh cần chủ động phương án để nông sản vụ đông tiêu thụ thuận lợi. Một vụ đông liên kết cần được thực hiện bài bản. Những mô hình hay, cách làm hiệu quả ở các địa phương trong liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản cần được nhân rộng và phát triển.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/vu-dong-lien-ket-215970