Vụ đông sớm trên đất Hải Tây
Về xã Hải Tây (Hải Hậu) những ngày này trên khắp các cánh đồng trải đều những màu xanh mướt của bắp cải, màu đỏ của cà chua đang vào mùa thu hoạch. Từ nhiều năm nay, người dân Hải Tây coi cây vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm bởi cây vụ đông cho giá trị thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa và vụ đông 2019 hứa hẹn tiếp tục lại là một vụ đông bội thu.
Đồng chí Lê Tiến Phi, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để đảm bảo thời vụ sản xuất, xã đã đẩy sớm lịch gieo cấy và thu hoạch lúa mùa nhanh chóng làm đất để làm vụ đông sớm. Các cây trồng chủ lực trong vụ đông của xã vẫn là cà chua sớm, bí xanh, bắp cải, cải ngọt và rau màu các loại”. Vụ đông 2018, xã trồng 150 mẫu, các giống chủ yếu là cà chua, bí xanh, rau màu các loại. Mặc dù thời tiết bất thường nên cây cà chua bị bệnh héo xanh nhiều làm ảnh hưởng đến năng suất, nhưng giá cà chua đầu vụ đạt 18-20 nghìn đồng/kg, sau khá ổn định ở mức 4.000-7.000 đồng/kg nên vẫn đem lại lợi nhuận từ 4,5-6 triệu đồng/sào, các loại rau màu khác có lợi nhuận từ 2-3 triệu đồng/sào. Năm 2019, xã tiếp tục vận động người dân tập trung đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu sản xuất vụ đông với diện tích đạt 150 mẫu, trong đó ở đất 2 lúa là 10 mẫu (3,6ha); trên đất gò mầu là 140 mẫu (50,4ha). Hiện nay, các cây trồng vụ đông của xã phát triển khá tốt. Diện tích cà chua sớm đã cho thu hoạch; với giá bán tại ruộng từ 10-12 nghìn đồng/kg. Để đảm bảo sản xuất vụ cà chua sớm, ngay từ trung tuần tháng 7, người dân đã tập trung tranh thủ ngày nắng ấm xuống đồng, tạo rãnh, luống, buộc giàn cà chua và xuống giống. Thông thường cà chua sau 60-65 ngày trồng bắt đầu cho thu hoạch, đều đặn trong vòng 2 tháng. Sau đó, người dân tiếp tục bón phân chuồng, phân vi sinh tiếp tục để quay vòng thêm 1 vụ cà chua tái sinh. Bình quân, mỗi sào cà chua cho thu nhập từ 15-20 triệu đồng. Anh Vũ Văn Hải ở xóm 1 cho biết: “Vụ đông 2019, gia đình chúng tôi gieo 8 sào cà chua sớm với giống cà chua 005-006. Giống này quả to, chắc, mẫu mã đẹp, chịu nhiệt, ít hạt, vận chuyển không bị dập nát, lại thích ứng với đồng đất ở địa phương. Người dân trong xã đã lựa chọn các giống mới này đưa vào trồng đại trà để thay thế những giống cà chua năng suất thấp. Đến nay, sau 2 tháng chúng tôi đã thu hoạch hơn 10 tấn cà chua. Tính ra mỗi sào gia đình lãi gần 20 triệu đồng. Từ giờ gia đình chúng tôi tiếp tục thu rải rác đến tận tháng 2 năm sau”. Do có kinh nghiệm thâm canh cây cà chua sớm qua nhiều vụ đông gần đây, gia đình anh Hải luôn chuẩn bị tốt từ khâu chọn giống đến chăm sóc, bón phân phù hợp, cắt tỉa nhánh phụ thường xuyên, phòng trừ sâu bệnh, vệ sinh sạch sẽ… nên năm nào ruộng cà chua của anh cũng đạt năng suất 2,3-2,5 tấn/sào. Với giá bán từ 10-12 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần giá cà chua chính vụ, mỗi năm gia đình anh thu trên 100 triệu đồng từ 8 sào cà chua đông sớm. Các cây rau màu, quả khác như: dưa chuột, cải dầu, bí xanh, súp lơ, bắp cải, su hào… trung bình đem lại thu nhập cho người dân xã Hải Tây từ 50-80 triệu đồng/ha. Chỉ tính riêng 4ha trồng cà chua sớm xen canh rau màu của 25 hộ dân xóm 4, gia đình nào cũng đều thu về từ 100-150 triệu đồng trong vụ đông năm nay. Để khuyến khích nông dân trong xã tích cực tham gia trồng cây vụ đông, bên cạnh cơ chế hỗ trợ của tỉnh và huyện, xã cũng có thêm các cơ chế hỗ trợ cho nông dân như: Phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nông dân nắm vững quy trình sản xuất, nhất là những giống cây mới; đầu tư nâng cấphạ tầng kỹ thuật đồng ruộng, bảo đảm thuận lợi cho sản xuất. Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hải Tây thực hiện tốt việc cung ứng giống, ứng vốn trả chậm cho nông dân, hỗ trợ 10% giá các giống cây cho nông dân. Hợp tác xã thường xuyên kết hợp với các Công ty cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh phân bón tập huấn cho nông dân cách phòng trừ sâu bệnh, cách bón phân hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Cùng với việc mở rộng diện tích cây vụ đông, Hải Tây còn là địa phương đi đầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất vụ đông. Hàng loạt cây ăn trái giống mới được các hộ dân trong xã mạnh dạn tiếp thu, đưa vào sản xuất trên diện rộng, đã mang lại hiệu quả vượt trội so với những cây trồng truyền thống. Điển hình như gia đình ông Bùi Văn Uyên ở xóm 4 trồng ổi đem lại giá trị kinh tế cao. Ông Uyên cho biết: “Đến nay, hơn 2 sào vườn ổi lê gia đình tôi đã bước sang năm thứ 3 và cho thu hoạch đều đặn cả năm. Với giá bán buôn là 16-17 nghìn đồng/kg, giá bán lẻ 20 nghìn đồng/kg, vụ đông này gia đình tôi đã thu được hơn 20 triệu đồng”. Hiện tại, cây ổi đang được nhiều gia đình chuyển đổi trồng tại các gò vườn, vườn tạp để thay thế các loại rau màu bởi giống ổi dễ trồng, ít công chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương lại cho năng suất cao. Thêm vào đó, ổi trồng được 6-8 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch, trái ngon, ngọt, cùi giòn, giá cả ổn định. Hiện tại, địa phương đang khảo sát nhu cầu, từng bước khuyến khích người dân nhân rộng mô hình ổi lê và tiến tới hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu ổi lê gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP để nâng cao hiệu quả giá trị kinh tế.
Với sự năng động, tìm tòi, cần cù, chịu khó của người nông dân cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của địa phương, cây vụ đông ở Hải Tây tiếp tục đem lại những “mùa vàng” trên đồng đất quê hương, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng giàu mạnh./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/201912/vu-dong-som-tren-dat-hai-tay-2534673/