Vụ đốt kinh Quran: Iran đề nghị hạ cấp hoặc cắt đứt quan hệ với hai nước Bắc Âu, Thụy Điển 'siết chặt' an ninh biên giới
Ngày 1/8, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian kêu gọi các quốc gia Hồi giáo hạ cấp hoặc dừng mối quan hệ với Thụy Điển và Đan Mạch, nếu những hành vi báng bổ kinh Quran (Koran) tiếp tục tái diễn ở hai nước này.
Chia sẻ trên nền tảng X (trước đây là Twitter), ông Amir-Abdollahian đã nói về đề xuất đưa ra tại hội nghị trực tuyến của các Ngoại trưởng Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) ngày 31/7, nhằm trao đổi về những hành vi vi phạm đối với kinh Quran gần đây ở Thụy Điển và Đan Mạch.
Ngoại trưởng Iran khẳng định đã yêu cầu OIC cử một phái đoàn tới hai quốc gia Bắc Âu để bàn về vấn đề này, đồng thời đề xuất hình phạt nghiêm khắc nhất đối với những đối tượng xúc phạm kinh Quran.
Theo vị quan chức này, các quốc gia Hồi giáo có thể trừng phạt bằng biện pháp cấm nhập khẩu các sản phẩm của Thụy Điển và Đan Mạch, nếu tình trạng báng bổ kinh Quran còn tái diễn ở những khu vực này.
Thời gian gần đây, Đan Mạch và Thụy Điển đã trở thành tâm điểm chú ý, sau khi một số phần tử cực đoan liên tục đốt hoặc xúc phạm kinh Quran ở thủ đô của hai nước, khiến cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới chỉ trích gay gắt.
Trước đó cùng ngày, chính phủ Thụy Điển thông báo kế hoạch tăng cường kiểm soát biên giới do tình hình an ninh ngày càng tồi tệ, đặc biệt là các cuộc biểu tình liên quan đến kinh Quran.
Căng thẳng đã bùng lên giữa Thụy Điển và các quốc gia Hồi giáo sau một số cuộc biểu tình liên quan đến việc công khai báng bổ kinh Koran - bao gồm cả việc đốt các trang kinh này.
Trong buổi họp báo ngày 1/8, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tuyên bố: “Những người có quan hệ không thân thiết với Thụy Điển sẽ không được phép đến Thụy Điển để phạm tội”. Đồng thời, ông cho biết, quyết định chính thức nhằm tăng cường kiểm soát biên giới sẽ được công bố vào ngày 3/8.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Gunnar Strommer, việc tăng cường kiểm tra biên giới sẽ bao gồm kiểm soát biên giới nội địa, tức rà soát vùng biên giới - nơi những người từ các quốc gia Schengen khác vào Thụy Điển.
“Các biện pháp kiểm soát biên giới nội địa cho phép chúng tôi xác định người đến (Thụy Điển) có khả năng đe dọa đến an ninh của chúng tôi”, ông Strommer cho biết thêm.
Từ tháng 5/2022, Thụy Điển đã áp dụng trở lại những biện pháp kiểm soát biên giới nội địa, trước lo ngại tình hình an ninh ngày càng xấu đi. Đây được coi là một quyết định phù hợp với luật chung của Liên minh châu Âu.
Theo ông Strommer, luật mới của Thụy Điển có hiệu lực từ ngày 1/8, sẽ trao thêm nhiều quyền hạn cho cảnh sát để tiến hành các biện pháp kiểm soát trong biên giới nước này, trong đó có việc khám xét phương tiện và người đi lại.