Vụ dự án điện mặt trời: Yêu cầu 3 doanh nghiệp hoàn trả hơn 1.200 tỷ đồng

Theo Viện kiểm sát, Công ty Trung Nam Thuận Nam, Công ty Lộc Ninh 3 và Công ty cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo Licogi 16 Ninh Thuận được thanh toán số tiền điện chênh lệch không đúng quy định. Căn cứ vào Điều 579, Điều 580 Bộ luật Dân sự, cơ quan tố tụng xác định 3 doanh nghiệp trên phải hoàn trả cho EVN hơn 1.200 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố với 12 bị can trong vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan.

LỢI DỤNG CHỨC VỤ QUYỀN HẠN LÀM TRÁI QUY ĐỊNH

Theo cáo buộc, trong thời gian làm thứ trưởng Bộ Công thương, ông Hoàng Quốc Vượng được giao phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, từ ngày 31/8/2018- 6/4/2020 đã trực tiếp chỉ đạo tham mưu xây dựng Dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Vượng biết rõ các chủ trương của Chính phủ (Nghị quyết số 115), chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đối với các dự án điện mặt trời.

Nhưng vì động cơ vụ lợi nên ông Vượng cố ý chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng dự thảo Quyết định 13 theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi và thống nhất chủ trương đề xuất cho dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam- Thuận Nam được phê duyệt bổ sung quy hoạch, xin cơ chế giá 9,35 Uscents/kWh cho dự án này.

Sau khi Quyết định số 13/QĐ-TTg được ban hành, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có tổng cộng 30 dự án đang được hưởng chính sách giá điện 9,35 UScents/kWh, trong đó 28 dự án đủ điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi.

Hai dự án không đủ điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi gồm Dự án Nhà máy Điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải do Công ty cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo Licogi 16 Ninh Thuận làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 35 MW và Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam do Công ty Trung Nam Thuận Nam làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 450 MW.

Từ tháng 7/2020 đến tháng 1/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đã mua điện và thanh toán cho 2 nhà máy trên tổng cộng số tiền 1.043 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, làm trái công vụ của ông Hoàng Quốc Vượng đã dẫn đến hậu quả thiệt hại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) số tiền hơn 1.043 tỷ đồng.

CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG TRÁI QUY ĐỊNH

Tại dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3, Viện kiểm sát xác định nhóm bị can ở Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và Công ty mua bán điện (thuộc EVN) bị có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ khiến EVN thiệt hại hơn 200 tỷ đồng.

Dự án trên có công suất 150 MWp do Công ty Năng lượng Lộc Ninh 3 làm chủ đầu tư được phê duyệt địa điểm xây dựng tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Do không đạt được thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng nên công ty xin chuyển sang vị trí mới ở xã Lộc Tấn.

Đến ngày 15/12/2018, nhà máy hoàn thành xây dựng. Nhưng thực tế ngày 31/12/2020, UBND tỉnh Bình Phước mới có quyết định chủ trương đầu tư (điều chỉnh lần 2) về việc thay đổi địa điểm xây dựng Nhà máy.

Cáo buộc thể hiện công ty nộp hồ sơ xin cấp phép qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Từ ngày 15 đến ngày 18/12/2020, bị can Trịnh Văn Đoàn, chuyên viên Phòng Cấp phép và bị can Trần Quốc Hùng, Phó trưởng phòng Thẩm định được giao tiếp nhận, kiểm tra, rà soát, thẩm định đánh giá và đề xuất đối với hồ sơ này.

Bị can Trịnh Văn Đoàn không lập tờ trình kế hoạch kiểm tra thực tế, không thực hiện kiểm tra thực tế doanh nghiệp theo đúng quy định. Hồ sơ cũng chưa có các tài liệu thể hiện Nhà máy Lộc Ninh 3 được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, ngày 18/12/2020, bị can Đoàn xây dựng báo cáo thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động cho Nhà máy Lộc Ninh 3, dự thảo giấy phép và trình ông Hùng.

Bị can Trần Quốc Hùng biết rõ Nhà máy Lộc Ninh 3 không đủ điều kiện cấp phép nhưng vẫn ký nháy trình ông Nguyễn Anh Tuấn. Ngay trong ngày 18/12/2020, ông Nguyễn Anh Tuấn, duyệt và ký Giấy phép hoạt động điện lực cho Công ty Lộc Ninh 3. Công ty Lộc Ninh 3 dùng giấy phép này làm điều kiện đề nghị và được công nhận ngày vận hành thương mại vào ngày 26/12/2020.

Nhóm các bị can Trương Hoàng Dũng (cựu kỹ sư Phòng Kỹ thuật và Công nghệ thông tin), Nguyễn Danh Sơn (cựu Giám đốc Công ty mua bán điện), Nguyễn Hữu Khải (Trưởng phòng Kinh doanh mua bán điện), Đỗ Ngọc Tuyền (cựu chuyên viên Phòng kinh doanh mua điện) đã tiến hành nghiệm thu có tải hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế của nhà máy.

Đồng thời, tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ, ký ban hành văn bản công nhận ngày vận hành thương mại.

Trên cơ sở ngày công nhận vận hành thương mại, từ tháng 12/2020 đến hết tháng 11/2022, Công ty Mua bán điện thực hiện mua điện và trả cho Công ty Lộc Ninh 3 là hơn 749 tỷ đồng.

Theo quy định, các nhà máy điện mặt trời có ngày vận hành thương mại sau ngày 31/12/2020 là Nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp, giá mua bán điện được áp dụng không vượt quá giá trần 1.184,90 đồng/kWh theo quy định của Bộ Công Thương.

Thực tế, Công ty Mua bán điện lại thanh toán cho Công ty Lộc Ninh 3 với mức giá cao hơn quy định là 459,1 đồng/kWh. Vì vậy, số tiền EVN bị thiệt hại là hơn 209 tỷ đồng.

Theo Viện kiểm sát, Công ty Trung Nam Thuận Nam, Công ty Lộc Ninh 3 và Công ty cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo Licogi 16 Ninh Thuận được thanh toán số tiền điện chênh lệch không đúng quy định.

Căn cứ vào Điều 579, Điều 580 Bộ luật Dân sự, cơ quan tố tụng xác định 3 doanh nghiệp trên phải hoàn trả cho EVN số tiền trên.

EVN cũng có công văn đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thiệt hại cho tập đoàn số tiền tổng cộng hơn 1.253 tỷ đồng.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vu-du-an-dien-mat-troi-yeu-cau-3-doanh-nghiep-hoan-tra-hon-1-200-ty-dong.htm