Vụ Dubai bắt 40 cô gái nước ngoài và những khó khăn của người mẫu Hồi giáo

Tại các quốc gia theo đạo Hồi, phụ nữ bị hạn chế trong nhiều hoạt động do những luật lệ khắt khe, đặc biệt nghề người mẫu. Sự việc trục xuất 40 người mẫu khỏa thân trên ban công càng cho thấy các quốc gia rất xem trọng thuần phong mỹ tục.

Vừa qua, Dubai đã bắt giữ, tạm giam và trục xuất 40 người mẫu nước ngoài vì hành vi khỏa thân bên ngoài ban công. Người đàn ông chia sẻ đoạn video ghi lại màn trình diễn cũng phải đối mặt với lệnh điều tra gay gắt do vi phạm quy định của nước này.

Hành động trên không gây sốc đối với người dân Dubai, mà truyền thông nước ngoài cũng nhận thấy đây là sự việc nghiêm trọng vì việc quay video, tuyên truyền văn hóa khiêu dâm bị xem là tội ác ở các quốc gia Hồi giáo.

Những cá nhân xuất hiện trong buổi chụp có thể bị phạt 1.000 bảng Anh (khoảng 1.400 USD)/người và sáu tháng tù giam. Việc chia sẻ hình ảnh khiêu dâm có thể bị phạt đến 10.000 bảng Anh (khoảng 14.000 USD).

40 người mẫu và người đàn ông quay video đã bị bắt giữ đồng thời đối mặt với án phạt nghiêm khắc của Dubai.

Các nước theo đạo Hồi không chỉ khó khăn với người mẫu nước ngoài, mà nhiều cô gái theo nghề này trong nước còn phải đối mặt với những sự hà khắc hơn nữa, thậm chí không ít trong số đó bị tẩy chay, áp lực đến mức buộc từ bỏ sự nghiệp trên sàn diễn.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, Halima Aden - người được mệnh danh là siêu mẫu đầu tiên mặc hijab (khăn trùm đầu đặc trưng hồi giáo) lên sàn catwalk - tiết lộ cô phải đối mặt với nhiều khó khăn, định kiến khi bản thân là tín đồ đạo Hồi và đã bỏ nghề nhiều tháng trước.

Cựu siêu mẫu cho biết, cô phải rất chọn lọc và khắt khe với bản thân khi chọn trang phục cũng như xuất hiện tại các buổi biểu diễn. Trong vali của cô gái 23 tuổi luôn chứa đầy khăn trùm và trang phục truyền thống.

Ngành công nghiệp thời trang luôn tồn tại nhiều quy chuẩn xung đột với đức tin của cô, nên dù đã tự chuẩn bị mọi thứ các buổi chụp ảnh vẫn rất khó khăn với Halima. Hơn nữa cựu siêu mẫu cũng gặp không ít rủi ro khi đức tin bị xúc phạm.

Cảm thấy đức tin liên tục bị xúc phạm, Halima Aden cuối cùng đã không thể theo được nghề hái ra tiền này.

Năm 2017, khi ký hợp đồng với IMG, cô đã yêu cầu thêm vào điều khoản việc không ép buộc cô bỏ khăn trùm đầu. Cô còn từng thấy ảnh của mình bên cạnh ảnh của một người mẫu nam khỏa thân và nó làm cô thấy tổn thương sâu sắc.

Halima Aden còn bị bủa vây bởi những chỉ trích bởi người thân ở quê nhà trong ba năm làm nghề người mẫu. Bởi cô ít cùng gia đình tham gia các buổi lễ quan trọng của người Hồi giáo và khiến họ không mấy hài lòng.

Một trường hợp khác là Huda Naccache, siêu mẫu người Israel từng khiến nhiều người Saudi Arabia gọi là “cú sốc lớn” khi chụp ảnh hở táo bạo trên bìa tạp chí thời trang năm cô 23 tuổi. Cô cũng đã chịu không ít điều tiếng sau đó.

Hay người mẫu Negzzia năm 2017 đã phải trốn chạy khỏi lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran chỉ vì chụp ảnh khỏa thân. Tại Iran, đây được xếp vào tội hành vi không đứng đắn, vi phạm đạo luật của đất nước, có thể bị bỏ tù.

Việc ăn mặc hở hang hay quá thoải mái là vi phạm thuần phong mỹ tục tại các quốc gia Hồi giáo.

Sau đó, cô chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ và cuối cùng chọn sống tại Pháp. Tuy nhiên Negzzia có cuộc sống chật vật với nghề và liên tục rơi vào cảnh túng thiếu khiến cô đã phải cầu cứu cộng đồng mạng. Bộ Nội vụ Pháp đã nhanh chóng cử người đến hỗ trợ cô tìm việc làm.

Có thể nói “hà khắc” là hai từ đúng nhất để nói về tình trạng mà những cô gái muốn theo nghề người mẫu phải chịu đựng tại các quốc gia Hồi giáo. Nhiều người đã phải chạy trốn, sống trong lo sợ hay thậm chí là bỏ nghề.

“Từ bỏ nhưng tôi lại thấy vui. Tôi không còn dành 10 giờ mỗi ngày để tự chuẩn bị trang phục, trong khi đổi lại chỉ có những ánh nhìn khó chịu”, Halima Aden đã tâm sự như vậy sau rất nhiều khó khăn trong nghề người mẫu.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vu-dubai-bat-40-co-gai-nuoc-ngoai-va-nhung-kho-khan-cua-nguoi-mau-hoi-giao-post127099.html