Vũ Đức Sao Biển - Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt?
Sinh ra và lớn bên dòng Trường Giang xanh ngát nơi miền Trung, rồi phiêu bạt đến tận Bạc Liêu của miền Tây làm thầy giáo, sau đó trở về Sài Gòn để cư ngụ, Vũ Đức Sao Biển cũng gọi Bạc Liêu là quê hương thứ hai của mình. Riêng với Quảng Nam, dù đi xa bao nhiêu năm ông vẫn canh cánh bên lòng hình ảnh con sông quê hương nơi khởi phát để ông viết nên tình khúc bất hủ Thu hát cho người.
Thầy giáo - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của người thân tại nhà riêng ở TP.HCM lúc 23 giờ 25 phút ngày 6.5.2020, hưởng thọ 73 tuổi. Sự ra đi của ông đã khiến cho nhiều người nuối tiếc bởi ông không chỉ là nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc nước nhà mà còn là người nặng tình với quê hương xứ sở.
Vũ Đức Sao Biển tên thật là Vũ Hợi, sinh ngày 12.2.1947 tại Tam Kỳ, Quảng Nam (nguyên quán xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Mười tám đôi mươi, chàng thanh niên Vũ Hợi đầy lãng mạn rời rời quê hương Quảng Nam đi về phương Nam và thành danh ở đó. Thế nhưng tính cách Quảng trong ông dường như vẫn còn nguyên vẹn, có chính vì điều đó nên âm nhạc của ông luôn khắc khoải, da diết trong giai điệu sâu lắng trong ca từ đau đáu trong lòng một tình yêu con người, yêu quê hương đất nước đến mãnh liệt.
Nếu như mảnh đất phương Nam, nơi tạo nên nguồn cảm hứng để ông viết nên những giai điệu ngọt ngào man mác buồn và chất Nam Bộ như Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Mẹ Cửu Long, Đau xót lý chim quyên… thì quê hương Quảng Nam và mối tình thời trai trẻ là chất xúc tác để ông sáng tác nên bài tình ca bất hủ Thu hát cho người – bài hát được xem là một trong những tình khúc hay nhất trong tân nhạc Việt Nam.
Thu hát cho người mang nỗi buồn chất ngất và lộng lẫy của chàng tuổi trẻ yêu quê hương da diết và si tình đến ngây dại... Ca khúc không chỉ đẹp về giai điệu mà còn chuyển tải hình ảnh quê hương xứ sở của ông với đồi sim tím, mùa thu đầy nắng gió và dòng sông cũ đã “đưa người tình đi biền biệt”...
Ngày đó Vũ Đức Sao Biển trọ học ở Hội An, cuối tuần ông về thăm nhà một lần. Đường từ Hội An về Duy Xuyên phải đi qua hai chuyến đò trên sông Thu Bồn. Cùng quê với ông có một cô bé tên Thu học sau hai lớp, thế là hai người quen nhau và cuối tuần lại rủ về quê. Chung trường, chung đường, trong những lần đi bộ về quê cùng sánh bước bên nhau.
Đường xa cô gái mỏi chân nên bảo nhạc sĩ cho cô đi trước, ông bước theo sau. Một tình yêu thầm lặng bắt đầu xuất hiện trong tâm hồn của chàng trai Vũ Hợi… Dù không nói với nhau lời nào, nhưng tình cảm trong ông cứ dần lớn lên trong im lặng. Ông nhớ mãi lời cô gái dặn “nếu sau này trở thành nhạc sĩ, anh nhớ viết cho em một bài hát…”.
Năm 1966, ông vào Sài Gòn thi đại học và trúng tuyển vào trường Sư phạm và ở đây để học nên không còn cơ hội đi chung đường với Thu. Hai năm sau đó, cha ông qua đời, từ Sài Gòn về thọ tang cha xong, Vũ Đức Sao Biển đến khu trọ ngày xưa để tìm lại Thu, nhưng mọi thứ đã thay đổi, Thu đi đâu không ai biết. Từ đó hình bóng người thiếu nữ có mái tóc dài bay ngược chiều gió dọc bờ sông Thu Bồn trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong âm nhạc của ông.
Khi bóng dáng của Thu - người bạn học của Vũ Đức Sao Biển ngoài đời thực bị mất dạng thì hình bóng Thu - người tình trong mộng của ông cũng bắt đầu hình thành. Trong một lần về thăm quê, ông ôm đàn lên đồi sim ở xã Duy Sơn, dưới chân đồi là dòng sông Thu Bồn uốn lượn hình bóng Thu lại ùa về, cảm xúc dạt dào ông đã viết nên giai điệu với câu hỏi không có câu trả lời “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa. Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ. Về đồi sim ta nhớ người vô bờ...”.
Trong một hồi ức lúc sinh thời, Vũ Đức Sao Biển viết: "Thuở ấy, tôi hai mươi tuổi. Tháng 9, mùa thu, tôi trở về quê nhà Quảng Nam, cầm cây đàn guitar lên đồi sim xưa. Người bạn nghèo thời trung học của tôi không còn nữa, chỉ còn đây khu đền tháp với những nàng Apsara lặng lẽ nhảy múa ngàn năm.
Thuở ấy, tâm hồn tôi trong sáng lắm, cứ y như dòng suối trong vắt êm đềm xuôi chảy dưới chân đồi. Mùa thu, hoa sim tím nở như một tấu khúc dịu dàng. Hoa sim, cái màu hoa tím nhạt lãng mạn, bình dị giữa thu vàng sao mà gợi nhớ đến thế. Tôi nhớ hoa, nhớ người. Và úp mặt sau thùng đàn làm bàn, tôi đặt tờ giấy kẻ nhạc lên, viết Thu hát cho người. Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa.
Bản tình ca thuở đôi mươi bắt đầu với hai câu hỏi tu từ như thế. Hỏi để mà hỏi với chính mình và biết rằng không có câu trả lời. Cái tựa ca khúc là Thu hát cho người thật ra là hát cho chính mình, hát với mùa sim, tháp cổ, dòng sông...".
Ca khúc Thu hát cho người của Vũ Đức Sao Biển được thu âm lần đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1968 qua tiếng hát cả ca sĩ Hà Thanh sau đó được phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn và trở nên nổi tiếng bởi và có sức sống bền bỉ bởi với thời gian làm say đắm nhiêu thế hệ người yêu nhạc.
Bóng dáng của Thu không chỉ xuất hiện một lần trong âm nhạc của Vũ Đức Sao Biển, trong rất nhiều bài hát sau này, cô gái tên Thu vẫn ẩn hiện trong tác phẩm của ông. Mấy chục năm sau, Thu vẫn xuất hiện trong ca khúc Đường về:
Ra đi ta nhớ một chiều tiễn đưa
Sông Thu ai đứng bên con đò xưa
Tre xanh còn in bóng nước,sông trôi từ bao kiếp trước
Bãi dâu còn đó tiếng ai vọng về...
Giờ này ngồi trông phương ấy
Trời đất mây che mờ mấy sơn khê
Đường về lòng ta vẫn nhớ
Vạn tóc em bay chiều gió thu phai
Một đời ngàn sông trăm bến cũng có khi quay về
Nhìn lại trời xưa đâu thấy tà áo bay ven đồi
Đường về Quảng Nam ta nhớ người người ơi...
Vũ Đức Sao Biển cũng từng gọi Bạc Liêu là quê hương thứ hai của mình, nhưng có lẽ những dòng sông quê xứ vẫn mãi mãi ở lại trong ký ức của ông, dòng sông đã đi vào âm của Vũ Đức Sao Biển bằng những kỷ niệm dạt dào "Đường tre xanh mát qua bãi dâu/ Em giành đi trước bỏ tôi lại sau/ Những chiều qua sông không có nhau/ Tôi về bên bãi dâu xanh chờ em, em có biết" (Đôi mắt)
“Trong đời mình, ai cũng có những hình bóng nhất định để nhớ, yêu thương, trân trọng. Đối với tôi, con sông Trường Giang là con sông thơ ấu của tôi. Ngày xưa tôi đã từng lội sông bắt ốc, xúc tôm cùng với chị, tắm ở trên dòng sông này. Con sông Trường Giang gắn liền với tuổi thơ tôi và đi theo tôi suốt cả một đời. Cho đến khi tôi xa sông mấy chục năm, trong tim vẫn nhớ về dòng sông này".
Chuyến đi cuối cùng của ông vào cõi vĩnh hằng vào tối ngày 6.5.2020, nhưng có một cuộc hành trình mới đang mở ra, những dòng sông quê hương như Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang... sẽ dang rộng vòng tay đón ông trở về và ngân nga hát:
Người ở miền Nam thương quá màu áo xưa thu vàng
Nhạc chiều chìm trong mắc biếc... mùa ấy hoa sim tàn.
Đường về lòng ta phơi phới điệu hò khoan.
Nghe ca khúc Đường về do nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển hát: