Vụ gang thép Thái Nguyên: VKS đề nghị án cao nhất 11 năm tù
Trong vụ đại án gang thép Thái Nguyên, VKS đề nghị mức án cao nhất đến 11 năm tù đối với cựu tổng giám đốc TISCO.
Chiều 14-4, sau ba ngày làm việc, phiên tòa của TAND TP Hà Nội xét xử vụ đại án gang thép Thái Nguyên kết thúc phần xét hỏi. Đại diện VKS đề nghị mức án đối với 19 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Theo đó, bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu TGĐ TISCO) bị đề nghị 10-11 năm tù, Trần Văn Khâm (cựu chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ TISCO) 9-10 năm, Mai Văn Tinh (cựu chủ tịch HĐQT VNS) 6-7 năm, Đậu Văn Hùng (cựu TGĐ VNS) 3-4 năm, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 1 đến 9 năm tù về cùng tội danh nêu trên hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong vụ án, bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu TGĐ TISCO) được xác định là người có vai trò chính, trực tiếp chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội, chịu trách nhiệm toàn bộ về hiệu quả của dự án.
Theo VKS, dù biết rõ Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng và đề nghị các điều khoản vô căn cứ, các bị cáo tại TISCO và VNS vẫn đồng ý đề xuất điều chỉnh chi phí dự án, trong đó có việc tăng tổng mức đầu tư từ hơn 3.800 tỉ đồng lên tới hơn 8.100 tỉ đồng.
Hành vi vi phạm pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và thiếu trách nhiệm của 19 bị cáo dẫn đến hậu quả làm thất thoát, lãng phí, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước với tổng số tiền lên tới hơn 830 tỉ đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, VKS ghi nhận 19 bị cáo đều có nhân thân tốt, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.
Trong đó, bị cáo Trần Trọng Mừng đã bồi thường 800 triệu đồng, hiện nay trên 70 tuổi, từng được nhiều bằng khen. Hay như các bị cáo Mai Văn Tinh, Trần Văn Khâm, Đậu Văn Hùng… đều được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, huân chương, tuổi cao, gia đình có công với cách mạng.
Các bị cáo là những người được giao nhiệm vụ, trọng trách quan trọng, một số có chức vụ cao, kiến thức cao. Song khi thực hiện hợp đồng 01#EPC, các bị cáo đã bộc lộ nhiều sơ hở, dẫn đến thất thoát, thiệt hại lớn cho nhà nước.
Hậu quả từ hành vi sai phạm của các bị cáo dẫn tới phát sinh nhiều chi phí tại dự án, nhiều thiết bị hư hỏng, nhiều tài sản liên quan không được sử dụng hiệu quả. Hành vi này còn tác động gián tiếp, làm gánh nặng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Đến nay, dự án vẫn đang trong tình trạng không thể tiếp tục thực hiện mặc dù Chính phủ cùng các bộ ngành, VNS và TISCO đã tìm nhiều phương án tháo gỡ.