Vụ giá đỗ ngâm chất cấm tại Đắk Lắk: Cho tạm dừng hoạt động 6 cơ sở

Ngày 3/1, Thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã chỉ đạo các phòng chuyên môn kiểm tra và cho tạm dừng hoạt động 6 cơ sở liên quan đến vụ giá đỗ ngâm chất cấm bán ra thị trường.

Thông tin được một lãnh đạo UBND TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đã cho các phòng chuyên môn kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn có liên quan đến việc sử dụng chất cấm trong sản xuất giá đỗ.

 Công an Đắk Lắk kiểm tra và lấy mẫu phục vụ cho công tác điều tra (Ảnh: CACC).

Công an Đắk Lắk kiểm tra và lấy mẫu phục vụ cho công tác điều tra (Ảnh: CACC).

Tiếp đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã cho tạm dừng hoạt động của 6 cơ sở nói trên cho đến khi có thông báo mới, do đang trong thời gian công an điều tra vụ việc.

Đồng thời, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã giao cho các xã, phường chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi việc triển khai, chấp hành của các cơ sở này.

Qua nắm nguồn tin từ mạng xã hội, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện nhóm “Hội giá đỗ miền Nam” và “Hội làm giá đỗ” có những dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước đó, lực lượng công an đã bất ngờ kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại TP. Buôn Ma Thuột (2 cơ sở của ông Lâm Văn Đ.; 2 cơ sở của ông Vũ Duy T.; 1 cơ sở của ông Nguyễn Văn Q.; 1 cơ sở của ông Nguyễn Văn H.)

Phát hiện trong quá trình sản xuất giá đỗ, ngoài việc sử dụng các nguyên liệu như hạt đỗ xanh, vôi cục, nước giếng thì các đối tượng còn sử dụng thêm "nước kẹo” không màu để tăng trọng lượng và có hình thức đẹp cho giá đỗ.

Sau khi giám định, “nước kẹo’ mà chủ các cơ sở dùng để làm phụ gia trong sản xuất giá đỗ là hoạt chất 6-Benzylaminopurine, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Quá trình kiểm tra, cơ quan công an cũng phát hiện, thu giữ hơn 20.300 kg giá đỗ ngâm hoạt chất 6-Benzylaminopurine.

Các đối tượng khai nhận, trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất, trung bình mỗi ngày khoảng từ 8 đến 10 tấn. Riêng có 1 cơ sở sản xuất còn ký hợp đồng cung ứng giá đỗ cho cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn từ 350 đến 400 kg/ngày.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can là Lâm Văn Đ.; Vũ Duy T.; Nguyễn Văn Q.; Nguyễn Văn H. về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

 Sản phẩm của cơ sở ông Lâm Văn Đạo được bán tại Bách hóa xanh

Sản phẩm của cơ sở ông Lâm Văn Đạo được bán tại Bách hóa xanh

Trước đó, vào ngày 31/12/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường về vụ việc sản xuất giá đỗ ngâm chất cấm.

Báo cáo nêu rõ, sau khi có thông tin về quyết định khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can của 6 cơ sở dùng hoạt chất "6- Benzylaminopurine" để ngâm ủ giá đỗ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp để tổ chức làm việc tại các cơ sở làm giá đỗ và hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh.

Theo đó, tại thời điểm đoàn đến làm việc thì 6/6 cơ sở nêu trên vẫn đang hoạt động bình thường. Đại diện các cơ sở thông tin khai báo, cả 4 chủ cơ sở đều đã bị tạm giam.

Tuy nhiên, cơ quan công an không yêu cầu ngừng hoạt động nên cơ sở vẫn tiếp tục sản xuất và phải ký cam kết không được sử dụng chất cấm.

Vì vậy, khi đến làm việc với các cơ sở thì hoạt động làm giá đỗ đều diễn ra bình thường, với sản lượng ít hơn so với những ngày chưa bị cơ quan công an kiểm tra.

Cụ thể, có cơ sở hiện bán 1,5 tấn/ngày so với trước khi bị công an kiểm tra là 2 tấn/ngày hoặc có cơ sở hiện bán 200-300kg/ngày so với trước khi bị công an kiểm tra là 400-500kg/ngày.

Khánh Phước

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vu-gia-do-ngam-chat-cam-tai-dak-lak-cho-tam-dung-hoat-dong-6-co-so-post328846.html