Vụ gian lận điểm Hòa Bình: 'Có chống lưng rồi, lo gì'
Cựu chuyên viên phòng khảo thí khai bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn nhiều lần 'dỗ dành' mình tham gia nâng điểm cho thí sinh và nói 'có chống lưng rồi, lo gì'.
Ngày 13-5, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử 15 bị cáo trong vụ gian lận thi cử tại tỉnh này. Luật sư lần lượt tham gia thẩm vấn các bị cáo.
Tẩy đáp án sai, tô lại đáp án đúng
Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên phòng khảo thí) khai trước thời điểm bắt đầu chấm thi, Đỗ Mạnh Tuấn (cựu phó hiệu trưởng Trường Nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy) nhiều lần “dỗ dành” mình tham gia nâng điểm cho thí sinh.
Khắc Tuấn cho biết lúc đầu rất lo sợ và không muốn làm nhưng Mạnh Tuấn kiên trì thuyết phục. “Anh Tuấn đưa cho tôi cả danh sách, nói đây xem đi, có cả trưởng phòng PA83 (ý nói bị cáo Khương Ngọc Chất, cựu trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh), có chống lưng rồi, lo gì” - bị cáo thuật lại lời Mạnh Tuấn.
Khắc Tuấn cho rằng trong pháp luật không có tình cảm nhưng trong cuộc sống thì phải có. Khi mới lên Sở GD&ĐT làm việc, hai người ở cùng nhà, rồi lúc chuyển về làm hiệu phó thì chính Mạnh Tuấn đã giới thiệu bị cáo vào vị trí chuyên viên. Xuất phát từ sự thân thiết và nể nang, bị cáo đã nhận lời cùng can thiệp bài thi.
Cũng theo lời Khắc Tuấn, trong một lần Mạnh Tuấn rủ rê, hai người xảy ra cãi vã ngay tại phòng làm việc. Lúc đó, Mạnh Tuấn trấn an “bây giờ vào đây rồi, không làm không được”.
Luật sư đặt câu hỏi có bao giờ Mạnh Tuấn hướng dẫn khai báo gian dối không. Khắc Tuấn khẳng định là có. “Khi lên công an tỉnh khai báo và gặp ở nhà vệ sinh, anh Mạnh Tuấn nhắc bị cáo khai sai về số thí sinh nhờ, khai là cùng cầm chìa khóa vào phòng thi” - bị cáo khai.
Theo cáo buộc, sau khi có chìa khóa phòng chứa bài thi từ Nguyễn Quang Vinh (cựu trưởng phòng khảo thí), Mạnh Tuấn và Khắc Tuấn mở cửa, bóc niêm phong túi đựng bài thi.
Hai bị cáo lấy bài của thí sinh cần nâng điểm đối chiếu với đáp án của Bộ GD&ĐT, tẩy đáp án sai và dùng bút chì tô lại đáp án đúng, hoặc tẩy tất cả đáp án của thí sinh rồi tô lại đáp án đúng để đạt số điểm theo yêu cầu.
Kết quả, 145 bài thi trắc nghiệm của 58 thí sinh được nâng điểm, trong đó có thí sinh được nâng tới 26,45 điểm, tức là khi thi gần như không cần làm bài.
“Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”
Được hỏi về động cơ sửa điểm cho thí sinh, Diệp Thị Hồng Liên (cựu phó trưởng phòng khảo thí) biện minh là do nể nang. Bà Liên bị cáo buộc nhận thông tin mã phách từ Nguyễn Quang Vinh, chỉ đạo các tổ trưởng và giám khảo chấm thi tự luận môn ngữ văn nâng điểm cho 20 thí sinh.
Tại tòa, bà Liên thừa nhận đề nghị các giám khảo chấm “có lợi cho học sinh của tỉnh mình” chứ không hề ép buộc chấm theo điểm số yêu cầu. Đặc biệt, nữ bị cáo cho rằng có nhiều trường hợp gian lận, nếu mình không làm theo thì sẽ khó, bởi “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.
Bùi Thanh Trà (cựu giáo viên Trường THPT Lương Sơn, tổ trưởng tổ 3 chấm thi tự luận môn ngữ văn) khai chỉ được phân công làm tổ trưởng chấm thi, thực tế không có chức vụ, quyền hạn gì, tất cả theo chỉ đạo của bà Liên.
Bà Trà nói cùng bà Liên vào phòng chấm thi, trực tiếp nói với các giám khảo về việc chấm nâng điểm. Các thí sinh này đều là “quan hệ của các sếp” nên mọi người buộc phải làm theo, dù không muốn.
Nói về động cơ, nữ giám khảo khẳng định học sinh ở Hòa Bình có học lực rất yếu nên đã chấm nới tay để các em có cơ hội vào đại học, mở rộng cánh cửa nghề nghiệp của cuộc đời. Bị cáo không hề có động cơ vụ lợi mà chỉ xuất phát từ tình thương học trò.
Được gọi lên đối chất, giám khảo chấm thi Bùi Thị Thu Hiền cho biết có bài thi học sinh làm rất sơ sài nhưng bà Trà vẫn yêu cầu phải chấm đạt 7,5 điểm. Bà Hiền không đồng ý thì bà Trà và bà Liên liền nói đây là “bài của sếp”. Kết quả, bà Hiền buộc phải chấm 6 điểm theo yêu cầu.
Hoặc như một bài thi khác, dù đáng bị điểm liệt nhưng bà Trà và bà Liên vẫn yêu cầu phải chấm sao cho đạt điểm 5 vì đây là “người nhà của lãnh đạo”. Khi bà Hiền thắc mắc, bà Trà liền quát “không hiểu gì à?”.
Hôm nay (14-5), tòa tiếp tục làm việc.
Lời khai khó tin của phụ huynh
Trong vụ án này, Đỗ Mạnh Tuấn còn bị truy tố về tội nhận hối lộ, còn Hồ Chúc (cựu giáo viên Trường THPT Thanh Hà) bị cáo buộc tội đưa hối lộ. Quá trình xét xử, cả hai đều thừa nhận hành vi.
Hồ Chúc khai đưa cho Tuấn 300 triệu đồng, số tiền này là của gia đình hai thí sinh được nâng điểm. Tuy nhiên, được triệu tập tới tòa, hai phụ huynh một mực phủ nhận, cho rằng chỉ nhờ Chúc xem điểm chứ không nhờ nâng điểm, không hứa hẹn vật chất hay đưa tiền cho bị cáo.
Đáng chú ý, có phụ huynh đứng trước tòa còn rất bức xúc vì con em mình “bị nâng điểm”, bởi gia đình không quen biết gì các bị cáo, không có nhu cầu can thiệp hay “chạy điểm” gì đó…
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vu-gian-lan-diem-hoa-binh-co-chong-lung-roi-lo-gi-912340.html