Vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang: Kiến nghị lưu giữ toàn bộ bài thi của năm 2017
Tòa án kiến nghị Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang lưu giữ toàn bộ tài liệu, bài thi của các thí sinh kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 để phục vụ công tác điều tra tiếp theo.
Ngày 25.10, sau khi tuyên bản án sơ thẩm đối với 5 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Hà Giang đã kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục điều tra làm rõ những người nhờ các bị cáo nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang có hành vi “đưa hối lộ”, các bị cáo có hành vi “nhận hối lộ” hay không?
HĐXX cũng yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ kiến nghị của các luật sư về trường hợp 2 thí sinh Sùng Văn Đ. và Nguyễn Khắc Đ. tại điểm thi THPT Xí Mần. Trong kỳ thi năm 2018, hai thí sinh này là thí sinh cá biệt nhưng lại đạt điểm rất cao và trúng tuyển Học viện Công an nhân dân.
Ngoài ra, có một số thông tin gia đình thí sinh phải mất 500 triệu đồng chạy điểm cho con đỗ vào trường công an, nên HĐXX TAND tỉnh Hà Giang cũng đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Cuối cùng, HĐXX kiến nghị Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang lưu giữ toàn bộ tài liệu, bài thi của các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 để phục vụ công tác điều tra tiếp theo.
Trước đó, trong phần bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên PGĐ Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang), luật sư Hoàng Văn Hướng đã đưa ra những kiến nghị liên quan đến vụ việc. Cụ thể, luật sư Hướng kiến nghị khởi tố vụ án hình sự ngay tại phiên tòa này khi bà Triệu Thị Chính khai có báo cáo ông Vũ Văn Sử (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang) về việc có dấu hiệu gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 (trước khi xảy ra vụ án đang được xét xử 1 năm).
Tại phiên tòa, với tư cách người làm chứng, ông Sử cũng đã thừa nhận bà Chính có báo cáo về việc này. Do đó, luật sư kiến nghị “ngay tức khắc yêu cầu giữ lại toàn bộ bài thi và điều tra vụ việc”.
Đối với vụ gian lận thi cử năm 2018, luật sư Hướng đã yêu cầu mở cuộc điều tra những dấu hiệu vi phạm pháp luật về những dấu hiệu vật chất, đặc biệt về tiền.
Trong phần tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018, HĐXX nhận định hành vi phạm tội của Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đã câu kết chặt chẽ với nhau; 2 bị cáo đã phạm tội có tổ chức, đã xúc phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Động cơ phạm tội của 2 bị cáo là do nể nang bạn bè, người thân.
Trong đó, Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT Hà Giang) là người chủ động đặt vấn đề đối với cấp phó là Vũ Trọng Lương về việc nâng điểm thi trắc nghiệm cho các thí sinh. Khi Lương đồng ý, Hoài đã 3 lần đưa danh sách 93 thí sinh là con, cháu người thân trong gia đình, bạn bè cho bị cáo Lương. Sau đó, Lương đã trực tiếp sửa để nâng điểm thi cho thí sinh, số điểm được nâng tương đối cao. HĐXX xác định trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài giữ vai trò chủ mưu.
Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thanh Hoài 8 năm tù và Vũ Trọng Lương (Phó trưởng phòng Khảo thí) 7 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT) nhận mức án 1 năm tù treo; bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Phó đội trưởng, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) lĩnh án 2 năm tù cùng về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT) lĩnh án 2 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.